Ngành Gỗ và lâm sản với quyết tâm mới
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các DN gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt giá trị kim ngạch 540 triệu USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đây là tiền đề để ngành phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 595 triệu USD vào năm 2021.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, kể: Năm 2019, vụ hỏa hoạn khiến chúng tôi thiệt hại 120 tỷ đồng, năm 2020, phải đương đầu với dịch Covid-19. Trước khó khăn dồn dập, chúng tôi cố gắng bình tĩnh và xác định: Nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế và chú trọng đến chữ “tín” đồng thời thành lập thêm 2 chi nhánh tại Kon Tum và Quảng Ngãi. Kết quả, năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt trên 50 triệu USD, tăng 11% so với năm 2019 và là một trong những DN thuộc ngành gỗ và lâm sản đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài là một trong những DN Gỗ và lâm sản hàng đầu ở tỉnh Bình Định.
Tương tự, ông Lê Văn Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài, cho biết: Đánh giá chính xác ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi sắp xếp lại bộ máy, dây chuyền sản xuất, chuyển sang giao dịch trực tuyến; chú trọng sản xuất các sản phẩm nội thất mới. Kết quả, năm 2020 giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của đơn vị đạt 66,6 triệu USD, tăng 47,6% so với năm ngoái.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), kết quả mà các DN gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Đây là tiền đề để ngành gỗ và lâm sản tỉnh tiếp tục vượt khó phát triển trong năm mới 2021 với những mục tiêu và quyết tâm mới. Năm 2021, các DN tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19. FPA Bình Định đã đề ra mục tiêu then chốt là phấn đấu thực hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 595 triệu USD, tăng hơn 10% so với năm 2020.
Để đạt được những mục tiêu trên, FPA Bình Định đã đề ra một số phương án, giải pháp như: Khuyến khích đầu tư trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ (FSC/VFCS PEFC); tăng cường đầu tư các sản phẩm chế biến sâu sau dăm gỗ như ván dăm, ván sợi, viên nén; tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bài, ảnh: VIẾT HIỀN