Chiếc áo của những người yêu nước trẻ tuổi
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang lưu giữ một chiếc áo sơ mi đã ngả màu, hiện vật biểu trưng cho phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Bình Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trên tấm áo trắng vương vết máu là chi chít những bài thơ và chữ ký của những người yêu nước trẻ tuổi (ảnh).
Chiều 3.4.1966, thầy giáo Trần Quang Long (Giáo viên trường Trung học Cường Để, TP Quy Nhơn) phát động lời kêu gọi giáo viên, học sinh, sinh viên Quy Nhơn xuống đường biểu tình chống Mỹ - Ngụy. Sau khi chiếm được trường Nguyễn Huệ (nay là Trường THCS Lê Hồng Phong) làm căn cứ, những người biểu tình sử dụng loa phát thanh lên án tội ác của giặc ngoại xâm, kêu gọi thanh niên cùng nhau xuống đường tranh đấu. Một đại đội bảo an được điều đến nhằm tạo vòng vây đàn áp cuộc biểu tình, bắt sống 127 người (trong đó có thầy Long).
Dù bị giặc bắn gãy chân nhưng giữa nhà giam tăm tối, thầy Trần Quang Long vẫn mỉm cười lạc quan và sáng tác 4 câu thơ ca ngợi tinh thần đấu tranh của học sinh: Nghiến răng mà chịu sự đau/Cười trong tiếng nấc, hát làu Việt Nam/Máu lai láng, áo rách nhàu/Vẫn vui vẫn hát, không sầu không lo. Ông Lương Quang Phúc, một trong những học sinh có mặt tại buồng giam đã cởi chiếc áo sơ mi mặc trên người để thầy Long lưu lại bài thơ lên ngực áo. Sau đó, tấm áo trắng nhuốm máu được các giáo viên và học sinh chuyền tay nhau cùng ký tên.
Ngày 11.10.1968, thầy Trần Quang Long hy sinh cùng với một số đồng chí tại Bộ chỉ huy Miền (R) ở Tây Ninh do bom B52 của giặc Mỹ rơi trúng miệng hầm. Nhiều người yêu nước tham gia cuộc biểu tình kể trên cũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Chiến tranh đã qua đi nhiều năm nhưng chiếc áo sơ mi ngày ấy - biểu tượng của tinh thần tranh đấu năm xưa vẫn sáng mãi, được treo trong tủ kính, đặt ở một vị trí trang trọng tại Bảo tàng Bình Định.
TRẦN THANH MINH THƯ