Quyết liệt xử lý vi phạm về pháo nổ dịp Tết
Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép, tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý các vụ liên quan đến buôn bán pháo lậu, sản xuất pháo trái phép đang được ngành chức năng tập trung thực hiện, góp phần đảm bảo ANTT, giúp nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các bến xe, nhà ga..., xử lý những vi phạm về pháo.
Chú trọng tuyên truyền Nghị định 137/2020/NĐ-CP
Pháo nào được đốt, pháo nào không; không mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ… là những nội dung được lực lượng CA từ tỉnh đến cơ sở chủ động tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân những ngày này. “Được CA tuyên truyền, tôi biết Chính phủ mới cho phép người dân đốt pháo hoa không gây tiếng nổ thôi chứ không phải pháo nào cũng được phép đốt và không phải ai cũng được bán pháo hoa. Nắm rõ quy định thì sẽ không nhập phải hàng cấm”, chị Trần Thị Tuyết Minh, tiểu thương chợ Phù Cát chia sẻ.
Nghị định 137/2020/NÐ-CP về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực từ ngày 11.1.2021, thay thế cho Nghị định 36/2009/NÐ-CP về quản lý sử dụng pháo. Tại Nghị định 137, Chính phủ cho phép cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự sẽ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo chỉ cho phép người dân được sử dụng pháo hoa là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong các dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi Nghị định 137 ra đời. Còn pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng thì chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước và được sử dụng bởi các cơ quan, tổ chức nhất định.
Thượng tá Võ Ngọc Huynh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh, giải thích thêm: “Nghị định 137 cho phép người dân đốt pháo hoa, nhưng người sử dụng pháo hoa phải từ đủ 18 tuổi trở lên và đủ năng lực hành vi dân sự. Và chỉ cho phép tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Nghị định hoàn toàn cấm cá nhân sử dụng pháo hoa nổ, nếu người dân cố tình sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Xử lý nghiêm vi phạm về pháo
Thời gian qua, tỉnh ta đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo trái phép đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vào thời điểm tết Nguyên đán cận kề, tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép sẽ phức tạp. Đây cũng chính là lý do mà lực lượng CA từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động các biện pháp để đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Mới đây CA huyện Phù Cát đã bắt quả tang 8 vụ/11 đối tượng mua bán, vận chuyển pháo, thu giữ 2.000 viên pháo nổ, 22 hộp pháo nổ, 40 kg pháo các loại.
Bình Định có nhiều tuyến giao thông, cảng biển, nhà ga, bến tàu, nên việc đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm này trong dịp Tết gặp nhiều khó khăn. Song nhờ sự chủ động, nhiều trường hợp vi phạm về pháo nổ đã bị xử lý. Cụ thể, từ đầu tháng 12.2020 đến nay, lực lượng CA toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 19 vụ/28 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo trái phép. Qua đó, tịch thu 136,5 kg pháo, 598 quả pháo và 58 hộp pháo. Hiện cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 5 vụ/5 đối tượng, xử phạt 18 triệu đồng; số còn lại đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý theo quy định pháp luật. Thượng tá Huynh chia sẻ: “Để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng vi phạm Nghị định 137, thì song song với công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về Nghị định, chúng tôi đã phối hợp với ngành liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn, tuyến trọng điểm, nơi công cộng, các khu vực diễn ra lễ hội; nhất là trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, xuất nhập khẩu, sử dụng trái phép pháo, thuốc pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”.
Bài, ảnh: KIỀU ANH