Kỳ vọng những dự án đầu tư mới
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kinh tế, nhất là thu hút đầu tư quốc tế gần như bị “đóng băng”. Tuy vậy, cùng với những dự án đang triển khai, Bình Ðịnh cũng kịp thu hút một số dự án đầu tư quy mô tạo tiền đề cho phát triển.
Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định đang được đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để thu hút các dự án vào đầu tư. Ảnh: MAI HOÀNG
Cơ hội mới trong bối cảnh khó khăn
Sau 4 tháng khởi công Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, thuộc Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội, tiến độ giải phóng mặt bằng đang được các ban, ngành, đơn vị của tỉnh đẩy mạnh để sớm bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư. Gần 300 ha trong tổng số diện tích 1.000 ha phần khu công nghiệp đã được Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh bàn giao cho nhà đầu tư thi công.
Ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Ðịnh - đơn vị phát triển Becamex VSIP Bình Định, cho biết: Đến nay, chúng tôi nhận được những tín hiệu đáng mừng khi có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn Becamex VSIP Bình Định làm bến đỗ. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của tỉnh để đẩy nhanh hoàn thiện đầu tư hạ tầng.
Dịch Covid-19 đã làm dịch chuyển dòng đầu tư dòng vốn nước ngoài (FDI), trong đó Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng được nhiều nhà đầu tư “để mắt”. Hầu hết DN FDI đến tỉnh khảo sát, lựa chọn đầu tư đều tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đó cũng là lý do Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh tỉnh phải tập trung mọi nguồn lực tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy hoàn thành Becamex VSIP Bình Định làm tiền đề thu hút các dự án đầu tư trong năm 2021. Việc bảo đảm quỹ đất phát triển công nghiệp là điều kiện quan trọng nhất để đón làn sóng đầu tư mới. Nếu làm không xong thì chúng ta sẽ tụt hậu!
Năm 2020, đầu tư FDI vào tỉnh sụt giảm cả về số lượng dự án lẫn chất lượng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh, tuy nhiên Bình Định cũng kịp đón về 5 dự án FDI, vốn đăng ký gần 13 triệu USD. Sự chuyển dịch thu hút đầu tư FDI cũng chọn lọc hơn.
Cuối năm 2020, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam với dự án đầu tư nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm chính thức được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trên diện tích 10 ha tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (TX An Nhơn). Đây là dự án thứ 4 được C.P Việt Nam đầu tư tại tỉnh, vốn đầu tư 7 triệu USD thực hiện chuỗi nhà máy giết mổ, pha lóc gia súc, gia cầm quy mô 350 nghìn con/năm, phục vụ nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang các quốc gia khác. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - ông Montri Suwanposri, công ty đã có hai nhà máy chế biến thực phẩm ở Hà Nội, Đồng Nai; Bình Định là lựa chọn tốt nhất để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh lĩnh vực này tại miền Trung.
Mở ra nhiều lĩnh vực mới
Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, chỉ thời gian ngắn, dù dịch Covid-19 hoành hành, nhiều nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao về năng lượng tái tạo; cùng nhiều DN lớn từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến Bình Định với thiện chí được đầu tư dự án hàng tỷ USD về điện gió ngoài khơi (Tập đoàn PNE), sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao (Tập đoàn Kurz)…
“Bình Định có bờ biển dài rất thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi, hiện có nhiều nhà đầu tư đăng ký khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió ngoài khơi”, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho hay.
Mở một hướng đi đầu tư hiệu quả hơn, Bình Định tập trung ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao. Đó là sự hình thành khu Thung lũng sáng tạo, diện tích 242 ha tại Quy Nhơn. Mới đây nhất, tháng 12.2020, Liên danh nhà đầu tư FPT Quy Nhơn cũng được chọn thực hiện dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ, quy mô 94 ha tại Quy Nhơn, tổng đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng, để thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo, phát triển công nghệ 4.0.
Có thể khẳng định, đó chính là kết quả của quá trình chủ động mời gọi của tỉnh, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cùng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Ông Cao Thanh Thương, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, nhấn mạnh: “Thời gian tới, tỉnh tập trung chú trọng đến chất lượng, thu hút đầu tư một cách chủ động, chọn lọc các lĩnh vực đầu tư công nghệ cao, tạo ra giá trị và phải có đóng góp thỏa đáng đối với ngân sách tỉnh. Theo đó, chú trọng kêu gọi đầu tư các tập đoàn, nhà đầu tư có thương hiệu, kinh nghiệm và năng lực tài chính đến từ các quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, sở hữu công nghệ cao, kiên quyết từ chối thu hút đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”.
MAI HOÀNG