Khinh khoái tranh Trâu
Trâu làm bạn với con người khá sớm. Con người thuần hóa trâu khi cần sức kéo, giúp việc lao động sản xuất nhẹ nhàng hơn. Vị trí thân thiết của trâu với người, có lẽ chỉ sau chó. Trong nghệ thuật, dường như trâu cũng chiếm một chỗ riêng, đặc biệt xét ở góc độ hội họa.
Gia đình. Tranh của họa sĩ VÕ ĐỨC LONG
TRÂU & NIỀM AO ƯỚC CỦA NÔNG DÂN
Nhắc đến tranh Trâu, ta thường liên tưởng đến bộ tranh dân gian Đông Hồ đăng đối “Chăn trâu”, gồm - “Chăn trâu thổi sáo” (“Diệp cái hà thanh thanh” nghĩa là “Một chiếc lá sen che trời xanh”) và “Chăn trâu thả diều” (“Thiên thanh lộng địch suy” nghĩa là “Trời xanh trong tiếng sáo”). Khi chơi bộ tranh này, người ta sẽ bài trí theo bố cục sao cho hai con trâu nhìn vào nhau.
Bức “Chăn trâu thổi sáo” miêu tả một chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, trên đầu là một lá sen tỏa rộng, dưới đất có cỏ; bố cục thoáng đạt, đơn giản mà chặt chẽ. Còn ở bức “Chăn trâu thả diều” cậu bé khôi ngô gần như nằm an nhiên, tươi tắn trên lưng trâu, xung quanh đều là cỏ cây, đất trời rộng lớn; bản thân nhân vật trâu - được trang trí rất đẹp, đúng phong cách trâu ăn Tết - nom cũng rất cao hứng, nhún nhảy hòa điệu với tiếng sáo diều nhàn tản. Ngắm bộ tranh thật dễ tin rằng nhà thơ Giang Nam có lý khi viết “Ai bảo chăn trâu là khổ”.
Hướng tới đối tượng cảm thụ thẩm mỹ là nông dân, nên tranh không cầu kỳ; chuyển hóa ngay lên mặt tranh điều người xem muốn thấy - muốn có - muốn được sở hữu và quan trọng hơn đó là cái nằm trong tầm tay với. Người nông dân ao ước gia đình hạnh phúc, cái cháu đông vui, ruộng vườn màu mỡ, nhà cửa vững vàng, cảnh trí ấm áp tươi tắn… Ước ao của họ lập tức được nghệ nhân Đông Hồ trải ra với “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (thơ Hoàng Cầm).
Trâu. Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
GỬI HY VỌNG VỚI TRANH TRÂU TÂN SỬU
Nhân năm trâu Tân Sửu, xin giới thiệu tranh trâu của 2 họa sĩ theo tôi có cách tạo hình độc đáo với những nét trâu rất riêng: Trương Đình Dung và Võ Đức Long.
“Thập mục ngưu đồ” - tranh chăn trâu nổi tiếng
Tương truyền trong Kinh Di Giáo (những lời Phật dặn dò đệ tử khi sắp nhập Niết Bàn), Ðức Phật dạy rằng: “Này các thầy tỳ kheo, ở trong tịnh giới phải chế ngự năm thứ giác quan không cho phóng túng vào trong năm thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm roi mà coi giữ, không cho trâu phóng túng phạm vào lúa mạ của người...”. Dựa vào nội dung lời dạy đó, về sau Phật giáo Ðại thừa và Thiền tông khái quát hóa con đường tu tập để đạt đến cảnh giới tối cao theo tông phái của mình, bằng bộ tranh nổi tiếng “Thập mục ngưu đồ”.
Trong bộ tranh thuộc dòng Ðại Thừa, con trâu từ đen hoàn toàn dần dần trắng ra từ đầu đến đuôi trọn vẹn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, viên mãn. Bộ tranh trâu Thiền Tông có loại vẽ con trâu đen, có loại vẽ con trâu trắng; tuy nhiên loại tranh vẽ trâu đen phổ biến hơn. Nhưng dù trắng hay đen, con trâu Thiền đều giữ nguyên vẹn một màu lông qua các giai đoạn chứ không chuyển hóa như trâu Ðại Thừa.
Tầm từ tháng 10 năm Canh Tý, Trương họa sĩ vẽ khá nhiều tranh trâu, chủ yếu với chất liệu màu nước - giấy dó và acrylic. Đập mạnh vào trực giác người xem là sắc màu tươi tắn. Có vẻ như trong đời thực trâu đã đủ cực, nên khi lên tranh anh cho chúng tươi hết cỡ màu: Xanh, xanh lá cây, vàng tươi, vàng đất… Màu da nguyên thủy thường thấy của chúng - xám, đen, không có ở đây. Màu trâu tươi nên mắt trâu vui, những hình khối trâu chuyển động, đan vào nhau, khiến không gian trong tranh như giãn rộng ra, đằm sâu hơn; những mảng màu vốn khá độc lập với những nét vạch lại như quyện vào nhau thành những dòng cảm xúc vui nhộn. Tôi thích cách Dung tạo hình sừng - chúng dứt khoát, phóng khoáng vươn những nét thô mộc mạnh mẽ. Cùng với cỏ - cây - hoa - lá - ruộng đồng và những cánh chim dang rộng lao nhanh, khiến tranh trâu của Trương Đình Dung thêm linh động, như một bản hợp ca tinh khôi, tràn đầy yên vui, ấm áp.
Võ Đức Long chào năm mới với chỉ một bức “Gia đình”. Trò chuyện với tôi, Long bảo: Mình gửi vào đây niềm hy vọng một năm đầy ắp tiếng cười, của hạnh phúc và bình an trọn vẹn!
Gia đình nhà trâu của Long có bố cục chặt chẽ, vững vàng mà vẫn đủ độ mở để người xem thoải mái thả sức tưởng tượng. Thế đứng bao trùm cả không gian tranh, tấm sừng ngoại cỡ của trâu bố cân bằng, trầm ổn đủ sức bảo vệ hai mẹ con trâu. Trâu mẹ tuyệt đẹp với cánh sừng duyên dáng, nép hẳn vào trâu bố mà dáng trâu vẫn vồng lên bảo bọc con mình. Chú nghé thì dường như đang choãi rộng bốn vó nghiêng đầu lắng nghe mùa về, nghé khỏe và vạm vỡ. Cùng với những đường nét gọn chắc, giản dị như thế, sắc vàng trên hai dải màu vàng tươi và vàng nâu hắt vào ánh nhìn cảm giác dung dị, ấm áp. Ánh mắt của cả trâu bố và trâu mẹ đều chung một hướng - hướng về sự thương yêu thầm lặng dõi theo từng bước chân của trâu con.
***
Tranh trâu của những họa sĩ nổi tiếng, mỗi người mỗi vẻ, được phẩm bình trên nhiều diễn đàn, không gian khác nhau, nhiều năm qua chừng mực nào đó đã định hướng cảm xúc của công chúng, dẫn dắt người xem theo kinh nghiệm. Vậy nên thật lòng tôi thích ngắm những tác phẩm đầy ắp vẻ tươi mới, cuồn cuộn sức sống của những họa sĩ như Trương Đình Dung, Võ Đức Long hơn.
Bạn thân mến, còn bạn thì sao?
Tranh trâu của các danh họa Việt
Họa sĩ Việt Nam hiện đại có nhiều tác phẩm vẽ trâu nổi tiếng có thể kể đến: Lưu Công Nhân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung, Trương Ðình Quế, Thành Chương, Nguyễn Văn Cường, Lê Thiết Cương, Quách Ðông Phương…
Tranh của Lưu Công Nhân thiên về chất trữ tình, phả cái hồn cuộc sống bàng bạc vào người xem, tranh Nguyễn Tư Nghiêm giàu chất trừu tượng, buộc người xem phải đào sâu tư duy, tranh của Lê Thiết Cương vốn tối giản, con trâu trong tranh của anh dường như còn giản lược thêm một cấp nữa, nhưng lại mở ra thêm nhiều vùng tưởng tượng; tranh của Thành Chương là chính ký ức ấu thơ, như chính ông có lần kể lại: “Tôi ám ảnh với hình ảnh chăn trâu ngoài cánh đồng vào mùa Ðông. Những ngày Ðông giá rét, trẻ con nông thôn phải chăn trâu rất lâu. Chúng không có gì để chơi nên thường chơi đùa, chuyện trò, nhảy múa với trâu. Rồi lạnh quá thì trâu với người cũng nép vào nhau để tránh gió, sưởi ấm cho nhau. Tình cảm giữa con người và trâu đã thành tình bạn, tình ruột thịt”.
Chăn trâu. Tranh của họa sĩ NGUYỄN TIẾN CHUNG
Sương sớm trên núi Ba Vì. Tranh của họa sĩ LƯU CÔNG NHÂN
Con trâu. Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH QUẾ
Chăn trâu. Tranh của họa sĩ THÀNH CHƯƠNG
ĐÔNG A