Về quê ăn Tết
Những ngày gần Noel và năm mới, nghe Đen Vâu hát "Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta…/Vật đổi, sao dời/ Nhà vẫn luôn là nhà…" đã muốn quảy ba lô lên và đi. Huống chi, giờ đang là tháng Chạp, chẳng cần nhắm mắt cũng thấy tết, hít thở đã nghe mùi tết, lại nghe Đen Vâu rap "Về ăn cơm mẹ nấu/ Về mặc áo mẹ may/ Về đưa ba ra chợ/ Mua cây đào cây mai về bày…"
Về nhà thôi!
Bỏ lại sau lưng những lo toan, vất vả, tạm gác những bon chen, tủi hờn, gói ghém yêu thương, phóng lên xe vù tới nhà, là tết.
Là tâm trí trong lúc ấy đã tưởng tượng ra cảnh đi chợ tết với má, hì hụi chà bộ lư đồng với ba, chứ nhiều lúc cái sự phóng và vù ấy nó dễ khiến người ta điên lắm. Tàu xe ngày tết mà, dễ chi nhanh được. Nhưng cũng trên chuyến xe cuối năm ồn ào vội vã ấy, rõ hơn bao giờ hết cái cảm thức mình đang đi xuyên không gian và thời gian, đi giữa năm cũ và năm mới.
Xe lao nhanh về phía những yêu thương đang đón đợi. Hai bên đường, vạn thọ nhà ai đã vàng hối hả. Không hiểu sao, cái màu hoa ấy, cái hương hoa ấy, nó gợi tết đến lạ, dù bình thường cũng có khi cắm bình vạn thọ ngày rằm mùng một mà không hề vương vấn. Ngẫm, rồi tự nhủ, chắc có lẽ tết mới là lúc mình gần gũi với loài hoa ấy nhất, theo đúng nghĩa đen, là săm soi, chăm chút, thăm từng ngày, canh từng bữa coi nó lên nụ lên bông chưa, cỡ chừng nào nó nở, chừng nào bứng vô chậu, nhổ cắm bình thì vừa… Nên mới nhớ, mới lưu cái mùi, ghi nét hương để chọn những bông sung mãn phơi khô, treo đó, chờ đến ngày gieo một mùa vạn thọ mới, rồi chờ tết...
Về quê ăn tết, đó là một thứ “chuyển cảnh”.
Giống như coi kịch, chuyển cảnh, khán giả từ không gian này lọt vào không gian, cảnh trí khác, tâm trạng khác, khóc cười cùng một diễn biến khác, câu chuyện khác. Nhưng cái kiểu chuyển cảnh từ bộn bề công việc sang nhàn nhã ăn chơi nó hấp dẫn hơn nhiều, dù tết năm nào cũng bấy nhiêu chuyện đó, năm nay giống năm ngoái, năm ngoái cũng y năm kia, mà sao vẫn háo hức lạ.
Thì xúm xít họ hàng tay bắt mặt mừng, thì đi chợ sắm sửa thịt thà bánh trái. Thảnh thơi lại tung tăng tung tẩy chợ hoa, bung lụa chụp hình. Đang chạy xe mà bắt gặp một nồi bánh tét bên vệ đường, thể nào cũng rà xe ngó nghiêng, gắng hít cho được cái mùi khói củi, để hoài niệm tuổi thơ thức đêm canh lửa nồi bánh nhà mình.
Gần tết, cũng là cuối mùa chạp mả. Đây đó vẫn còn những nhà chờ tới hăm chín ba mươi mới chạp mả, hẳn là chờ con cháu ở xa về đông đủ, cho ông bà tổ tiên trên cao mỉm cười an lòng, cho họ hàng nở mày nở mặt, rằng con cháu dòng họ ấy hiếu đễ. Những đoàn người băng ngang gò trong sớm mai, ánh nắng xuyên qua màn sương lấp loáng trên những dáng dài đàn ông vác cuốc, trẻ nhỏ cầm nhành cây quét mộ, các bậc cha chú tay cầm bó nhang, nách cắp chai rượu…
Rồi thì đêm trừ tịch, sáng mùng một chúc tết ông bà cha mẹ, mùng hai mùng ba mùng bốn về quê, tụ bạ bạn bè, đi thăm họ hàng, chừng như tiêu hoang mà thực ra là đang dè sẻn đến từng giây từng phút tết, cứ sợ qua mau những ngày vui vẻ hiếm hoi ấy. Ăn uống thì khỏi nói, gặp đâu ăn đó, mặn ngọt chua cay đủ vị, bởi tới nhà ai cũng được gia chủ nhiệt tình mời đặc sản của nhà ấy. Hiếm khi có bữa trưa bữa chiều đúng giờ, đúng món.
Hết tết. Lại chuyển cảnh. Lên xe, lên tàu về nhà mình, nhà trọ, đến một nơi khác, đi làm, đi học, bon chen mệt nhoài cho một chặng đường mới.
Nhưng nếu không ăn tết quê, thì có gọi là ăn tết?
Có chứ, vẫn gọi là ăn tết, nhưng nghe nó tủi tủi, tội tội làm sao.
Đứa bạn có năm ở lại Sài Gòn ăn tết, kể ra đường sướng gì đâu, kiểu “đường ta rộng thênh thang tám thước”, không khí trong lành, thoáng đãng vì thiên hạ về quê hết. Thành phố sống chậm một cách bất ngờ. Nhưng chỉ ngay sau cảm nhận Sài Gòn bình yên, nỗi buồn ập đến. Khu vui chơi đông đúc đấy nhưng chẳng ai quen, về nhà thì bánh mứt đầy tủ lạnh, mà cũng chỉ ta với mình. Nỗi cô đơn dâng trào, bóp nghẹt tim gan, chỉ muốn đi làm ngay để nén cái cảm giác chông chênh kia xuống, hoặc rũ bỏ tất cả mà phóng về nhà, chứ cứ thế này thì không chịu nổi. Nhưng mà, có được đâu, bởi những can cớ, bám víu, níu giữ…
Nên nói ăn tết ở nơi nào đó (không phải quê nhà), có lẽ chỉ là khái niệm để tết lướt qua mình, chứ không phải mình nhảy bổ vào, ngụp lặn, đắm mình trong tết, như được về quê ăn tết.
Ở đâu có họ hàng người thân, ở đó là nhà, quê nhà. Này, Đen Vâu cậu ấy lại bảo "Thành công/ Đi về nhà/ Thất bại/ Đi về nhà…"
Thì cớ gì, tết không về nhà!
THÙY DƯƠNG