Mùa Xuân đầu tiên
Nhiều xứ sở chỉ gánh gồng chính nó. Ngược lại, dọc đường phát triển, không ít vùng đất phải đa mang vai trò hạt nhân, lan tỏa, kết nối. Hoài Nhơn là trường hợp như vậy.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035 xác định Hoài Nhơn là đô thị trung tâm tiểu vùng, bao gồm cả Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão. Tháng 9.2020, ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU, Tỉnh ủy Bình Định khóa XIX cũng xem “giữ vững vai trò trung tâm KT-XH phía Bắc tỉnh” cho xứ Dừa là mục tiêu ưu tiên. Năm 2020 là năm khó quên của đất và người Hoài Nhơn: Toàn huyện lên thành thị xã rồi được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Xứ dừa Hoài Nhơn đang từng bước xây dựng theo hướng đô thị xanh, bền vững. Ảnh: DŨNG NHÂN
CƠN MẤT NGỦ CỦA ÔNG TÁM QUÝ
Rời phiên khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm, ông Tám Quý (nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Duy Quý) quày quả trực chỉ cố hương. “Có 3 đám cưới của lũ cháu, bận mấy cũng về”, ông cụ phân trần. Quá nửa họ hàng, dòng tộc trụ bám quê nhà Hoài Mỹ, tuổi ngoại bát tuần tiêu diêu chim, hoa, cá, đá, ông Tám vẫn không thôi quay quắt trước mỗi bước thăng trầm ở đất tổ, quê cha.
Về quê, những chiều cao hứng, ông tha thẩn dọc bờ kè cuối nguồn sông Lại. Đôi khi xương cốt biểu thị đồng tình, ông rong ruổi ra tuốt đập ngăn mặn, con đập hùng vĩ dài hơn 150 m, rộng 4,5 m với 10 cửa xả lũ, được ví như chiếc chìa khóa không chỉ mở ra xung lực mới cho kinh tế nông nghiệp mà còn hứa hẹn thúc đẩy hình thành hệ sinh thái mênh mông về du lịch, dịch vụ, thương mại cho Hoài Nhơn. “Hồi xưa, dẫu mơ mộng đến đâu cũng không sao hình dung ra khung cảnh huy hoàng như thế”, ông Quý trầm ngâm.
Nhà ông Tám Quý ở đường Nguyễn Trãi, TP Quy Nhơn còn lưu giữ một “hiện vật” không dành cho kẻ yếu tim: Tờ lệnh truy sát in hình chiếc búa đóng đinh xuống đầu người đàn ông “mặt vuông”, tức huyện đội trưởng kiêm chính trị viên Huyện đội Hoài Nhơn Nguyễn Duy Quý. Thế hệ ông Quý đi qua chiến tranh không chỉ bằng “tuổi xuân phơi phới”. Núi xương sông máu là hình ảnh thực đến độ tàn khốc. Từng có thời, Hoài Nhơn là Thành đồng khu 5, 1 trong 3 huyện miền Nam - cùng Điện Bàn, Củ Chi - được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang đợt đầu, năm 1972.
Nỗi hoài hương ở lớp người như ông Quý, do vậy, còn là sự trao truyền, ký thác. Ông kể đã mừng đến ngẩn ngơ đến mất ngủ hôm nghe tin thị xã được vinh danh Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
HOÀI NHƠN QUA GƯƠNG MẶT NHỮNG DOANH NHÂN MỚI
Mấy năm gần đây, ở Hoài Nhơn “mọc lên” một loạt doanh nhân đầy năng động, giàu tinh thần sáng tạo. Sinh năm 1987, Nguyễn Hữu Vinh ở khu phố 8, phường Tam Quan kịp có một ”trích ngang” bề thế gồm 2 lần phá sản DN trước khi gầy dựng thành công thương hiệu bánh tráng Sachi phủ sóng thị trường 35 tỉnh, thành phố. Sản phẩm Công ty TNHH Sachi Nguyễn của Vinh còn hiện diện thường xuyên tại Mỹ, Hàn Quốc qua ngả gia công - tiền đề giúp doanh nhân 33 tuổi tự tin đầu tư dự án sản xuất bún khô, bánh tráng xuất khẩu công suất gần 1.500 tấn/năm. Tháng 9.2020, Công ty TNHH Green Foods Việt Nam do Nguyễn Hữu Vinh làm Giám đốc được UBND tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhà máy xây dựng trên khu đất rộng 18.000 m2 ở Cụm công nghiệp Bồng Sơn sẽ khởi công trong quý I và trình làng mẻ sản phẩm đầu tiên vào quý III/2021. Vinh cho hay, với cơ sở sản xuất bánh tráng Sachi tại Tam Quan hồi tháng 8.2020 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen nhờ “sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động...”.
Cạnh những “ông lớn” dệt may, chế biến lâm nông sản, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, đô thị..., thì khát vọng đánh thức các giá trị truyền thống đang là ”hiện tượng” thú vị ở Hoài Nhơn. Vẫn là bún, bánh, nước mắm..., nhưng trong tay người trẻ như Vinh hay Hồ Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Thịnh Đạt (Phụng Du, Hoài Hảo), sản vật gió nội hương đồng đã thoát xác thành hàng hóa hợp chuẩn. Hồ Văn Hưng, ông chủ thư sinh của 2 nhãn hiệu nước mắm Bếp Xưa, Hưng Hải “dây dưa” với cá mắm mới từ năm 2017 nhưng nay gần như đã khép kín hệ thống phân phối từ Bắc vô Nam. Mắm Hưng Thịnh Đạt sang Hàn Quốc, sắp tới là Singapore. Xưởng chỉ sử dụng 10 lao động song đội ngũ làm thị trường dưới trướng Hưng thì đông đảo gần trăm nhân viên. Hưng, Vinh xứng đáng đại diện lớp doanh nhân - trí thức ấp ủ nhiều hoài bão, khát vọng, biết trông rộng nhìn xa. Góp mặt chưa lâu, họ đã tự tin đồng hành cùng đá Bình Đê, dầu dừa Ngọc An, cá ngừ Hải Nguyên, Tân Xuân Lộc, nước mắm Như Mười, Như Hoa, Tân Thịnh, bánh tráng nước dừa Ba Quan, Dalop Nhân Hòa, bánh nướng Thanh Phương... Họ tươi mới, tràn trề năng lượng như một nguồn cảm hứng.
ĐƯỜNG DÀI TỚI THÀNH PHỐ…
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương điểm qua câu chuyện 10 năm 2009 - 2019: “Vừa kế thừa thành tựu giai đoạn trước vừa dốc sức tháo gỡ mắc mứu, trì trệ phát sinh, TX Hoài Nhơn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 16,3%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn từ 87 tỷ lên 483 tỷ đồng, tăng 4,7 lần. Thu nhập bình quân đầu người tăng 4 lần, lên 53 triệu đồng/năm, cao hơn 1,25 lần bình quân cả tỉnh”.
Có cụm từ cứ ngân nga trở lật trong cuộc trao đổi với Bí thư, Chủ tịch Phạm Trương: Một trục, hai cánh, bốn trung tâm. Đấy thực ra là tinh thần tóm tắt của đồ án quy hoạch xây dựng đô thị Hoài Nhơn. Lấy Bắc - Nam làm trục chủ đạo, đô thị tương lai mở ra hai phía Đông - Tây với các trung tâm Tam Quan, Bồng Sơn, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương. Ông Trương nói: ”Quá trình đô thị hóa Hoài Nhơn phải đảm bảo giữ vững vai trò trung tâm phía Bắc tỉnh, đảm bảo tầm ảnh hưởng, khả năng lan tỏa nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng cả khu vực, trong đó có phía Nam TX Đức Phổ, Quảng Ngãi. Phấn đấu đến năm 2025,
TX Hoài Nhơn đạt ít nhất 70% tiêu chí đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, là hạt nhân phát triển theo hướng đô thị xanh, bền vững vào năm 2035”.
Xuân này là xuân đầu tiên, Hoài Nhơn rộn ràng chiếc áo địa lý - hành chính tinh khôi.
XUÂN NHÀN