Bếp ấm mùa xưa
Tết đến sớm từ bếp, khi chớm vào tháng Chạp. Bếp mang không khí Tết đến từng ngôi nhà, bất kể miền núi hay đồng bằng, nhà tranh hay nhà ngói… Bao đời nay Tết vẫn thế và bếp vẫn thế.
Những bếp lửa hồng bận bịu, thơm nức hương vị món ngon gắn bó với bóng dáng tảo tần của những người bà, người mẹ, người chị, người em. Càng ngày cuộc sống hiện đại đang dần đẩy chúng ta rời xa không gian bếp sum vầy. Do đó, mỗi độ xuân về thường đem lại những bùi ngùi nhung nhớ về bếp thơm, bếp ấm, bếp vui... mùa xưa.
1.
Bếp là nơi gắn bó của người phụ nữ, như bà ngoại tôi, tảo tần, chắt chiu, vén khéo. Không gian bếp của ngoại bình thường chỉ là góc nhà nho nhỏ nơi đặt hai cái lò đất ngày này qua ngày nọ lo cơm ngon, canh ngọt cho đám cháu con bận bịu đi làm, học hành. Nhưng đến mùa tháng Chạp thì “không gian bếp” của ngoại sẽ tràn ra, chiếm hết một góc nhà, cả hàng hiên và khoảnh sân nhỏ với cái giếng khơi bên cây ổi già nghiêng nghiêng tán lá, thả những bóng sáng lung linh bên thềm.
Ký ức ấu thơ tôi, bếp của ngoại chính là nơi chất chứa toàn bộ hương vị, xúc cảm mùa Tết. Không gian ấy là nơi náo nhiệt nhất từ sớm tới khuya trong những ngày cuối năm, bởi “chuyện cũ mùa xưa”, chuyện bày biểu làm món này, soạn món kia, nấu món nọ sao cho đúng kiểu của người lớn, chuyện tào lao xen lẫn cãi cọ chí chóe của đám con nít làm thì ít mà phá thì nhiều. Cái không khí gia đình đầm ấm, xúm xít phơi lá, làm mứt, gói bánh chưng, đổ bánh thuẩn… gợi nhớ về Tết ở quê. Cứ như góc bếp, sân nhà ngày xưa của bà ngoại thời con gái đã được mang về phố thị.
Không gian bếp tết của ngoại luôn bộn bề những nong nia rổ rá. Đầu tháng Chạp, ngớt mưa, nắng đẹp, nong đu đủ, cà rốt, su hào… được bày ra trong nắng màu mật ong, chấp chới y bầy bướm trắng vàng, hứa hẹn hũ mắm món ngon lành ăn kèm bánh chưng nấu rền. Rồi kế đến, cùng với xóm giềng, ngoại tôi vô mùa rim mứt, làm bánh. Làm thật nhiều để cúng ông bà, biếu tặng người thân, đãi khách và quan trọng nhất là để cho đám con cháu ăn thỏa thích. Ngày xưa mứt nhà làm rất chân thật, ngon, đẹp là nhờ bàn tay khéo léo chứ không nại vô phẩm màu, hóa chất. Mứt gừng vàng mơ, mứt dừa trắng ngà, mứt chùm ruột đỏ sẫm, trong như ruby, mứt bí đao trắng nuột nà như bạch ngọc, mứt me óng ả màu hổ phách… Khi các chảo rim mứt đã yên ổn trên bếp than hồng rực ngoài hàng hiên thì hương vị đường sên thơm ngọt, ấm sực lan tỏa cả không gian. Mọi người lại xúm xít bên ngoại đổ bánh thuẩn, đóng bánh in... cứ bận rộn, xôn xao, náo nức mỗi ngày. Không phải chỉ nhà tôi mà cả xóm, nhà nhà đều như vậy. Không khí ấm áp tỏa ra từ những gian bếp hòa hơi xuân tươi mát, Tết đầy phong vị ấm no, vui vẻ trong tiếng cười nói râm ran.
2.
Ngoài hương vị bánh mứt ngọt ngào ấy, ký ức của tôi, nhớ bếp tết của bà ngoại là món thịt thưng kiểu xứ Nẫu. Chỉ có đám con nít lớn lên trong thời bao cấp mới hiểu được sự thèm thịt thâm căn cố đế để hiểu “ăn tết” với chúng tôi lúc ấy là được ăn thịt. Mà thịt thưng bà ngoại tôi làm thì càng ngon đặc biệt. Món này chỉ được làm khi cách Giao thừa chừng 1, 2 ngày, đi học về nghe mùi thơm vấn vít là biết Tết đã đến sát kề.
Tương truyền, lương khô của quân Tây Sơn khi tiến ra Bắc đánh 20 vạn quân Thanh chỉ là bánh tráng với thịt thưng vừa tiện dụng, vừa không sợ hư, không phải dừng chân nấu cơm, chỉ cần nhúng bánh, cuốn thịt vừa đi vừa ăn. Đó có thể là một trong những tác nhân tạo nên bước chân thần tốc của đạo quân áo vải cờ đào. Dấu ấn xưa để lại cho người dân quê tôi ngày Tết là trong nhà luôn có bánh tráng, thịt thưng. Sang thì xài thịt bò, thường thường thì xài thịt đùi heo. Thịt được ướp kỹ, rim cũng thật kỹ và trong vô số gia vị tùy bí kíp của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu nước mắm ngon.
Bà ngoại tôi dân gốc Tây Sơn nên đem nguyên phong vị ấy vào trong những ngày Tết. Đám bạn tôi ngày xưa khi tới nhà chơi là chết mê vì món thịt bò thưng xắt mỏng, kèm rau thơm cuốn bánh tráng, chấm mắm nhĩ cũng của ngoại làm. Ngon đến nỗi ăn cho đã miệng mà quên cái việc uống nước sẽ làm bánh tráng nở ra, căng cứng dạ dày, chỉ có nước ngồi thở, khỏi đi chơi. Cái món thịt thưng ấy giờ má tôi, dì tôi vẫn duy trì như một món ngon, không thể thiếu trong 3 ngày Tết như là sự tiếp nối giữ gìn chút phong vị ngày xưa của quê nhà.
***
Những ngày mùa xuân hôm nay, khi tuổi trời đã kha khá, đã đi qua những ngày khó khổ đến hôm nay cuộc sống no ấm, đủ đầy, hiện đại hơn nhưng cũng bận rộn hơn, ít ấm áp hơn, thường sẽ làm người ta thêm nhớ thương da diết về một vùng ký ức bếp tết, mùa vui của những ngày xưa yêu quý, thơm ngọt hồi vị quê nhà.
NGUYỄN TRÂN