Từ chợ tre đến làng đan đát
Chúng tôi là một bọn trẻ của hôm nay, nhận nhiệm vụ kể một câu chuyện về hành trình cây tre từ bờ ra chợ, đến làng đan đát. Ba đứa tôi - đứa ở phố, đứa ở quê, đứa nửa quê nửa phố - nhưng góp cả ba đứa lại cũng không thể nào hình dung đầy đủ về hành trình mà ông sếp “chằn ăn trăn quấn” giao. Nhưng khi gom được tư liệu, chưa viết bài, bọn chúng tôi biết mình được nhận một món quà.
Khách chọn mua tre tại chợ tre An Lương. Ảnh: NGỌC OANH
Cây tre gắn bó với người Việt đã bao đời nay. Lũy tre xanh xanh phủ đều bóng mát, những bờ tre dày chống xói lở, ngăn gió bão. Tre làm giường, làm chõng, làm đũa... tre hiện hữu trong mọi gia đình người Việt. Cũng như mọi miền đất nước, nhiều làng quê ở Bình Định cũng ken dày lũy tre. Có rất nhiều chợ, nhiều điểm có bán tre, nhưng thành một chợ tre chuyên nghiệp nổi tiếng phải kể đến chợ tre An Lương ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ.
CHỢ TRE MỘT THÁNG MẤY PHIÊN
Cuối năm, chúng tôi đến chợ An Lương. Trời không nắng gắt nhưng vẫn cảm nhận được sự cực nhọc người lao động đang vác, xếp những cây tre chở đi giao cho khách hàng. Chợ tre An Lương họp vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23 âm lịch hàng tháng. Khác với những chợ buôn bán thông thường, chợ tre không có cổng ra vào, không có gian hàng buôn bán riêng biệt cho từng mặt hàng. Chỉ có những cây tre được người đi thu gom từ khắp các nơi về bày biện ngay hàng thẳng lối, trên thân còn có khắc tên chủ nhân nên để chung cũng không lẫn lộn.
Tìm hỏi người bán tre ở chợ, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tính ở thôn Mỹ Hậu, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ. Ông vừa làm vừa kể cho chúng tôi hay: “Tôi theo nghề được hơn 10 năm. Làm nghề này cực nhưng chịu khó cũng có tiền trang trải cuộc sống. Tôi quen nghề này rồi cho nên gần như hôm nào cũng ra chợ tre, không ra lại thấy buồn”.
Nhìn ông Tính vác từng cây tre dài đến mười mấy mét, đặt thật gọn trên chiếc xe công nông để kịp giao cho khách hàng, chúng tôi không khỏi thắc mắc có nhất thiết chở đi xa để bán và chở mỗi chuyến như vậy khoảng bao nhiêu cây? Ông vui vẻ đáp: Ai đặt tre lúc nào thì tôi chở đi lúc đó, không xa lắm, đều ở quanh đây thôi. Mỗi chuyến tôi chở được khoảng 100 cây, giá bán dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/cây tùy lớn nhỏ, cong thẳng. Bây giờ người ta gọi điện thoại đặt tre, nên chợ tre vắng hơn ngày trước rất nhiều. Lúc trước, mỗi phiên chợ có đến 200 - 300 người kia, bây giờ chỉ khoảng vài chục người mua bán. Nhưng cũng như người bán, người mua đôi khi cũng nhớ chợ. Không ra thì hàng cũng về đến nhà, nhưng không ra cũng thấy thiếu thiếu.
Cây tre dài từng ấy, khuân vác hàng trăm cây, ai cũng hiểu rằng phải có sức khỏe và chịu khó mới làm được như. Vậy mà vợ chồng ông Phan Công Huyên và bà Nguyễn Thị Loan (ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) buôn bán tre đã hơn 28 năm và từ rất lâu rồi quên luôn cả nỗi nhọc của nghề. Ông Huyên bộc bạch: “Mấy năm trước, tầm 4 giờ sáng chợ tre An Lương đã đông nghịt người đến buôn bán, cảnh tượng rất tấp nập và nhộn nhịp. Người bán lẻ có, người đi gom tre từ những mối lẻ để đủ lượng bán sỉ có. Mấy năm nay, người đến mua bán ít dần hơn, chủ yếu thông qua điện thoại. Nhu cầu không giảm mấy đâu, chợ vắng vì bây giờ quen nhau rồi không đến chợ vẫn có đủ tre như ý về đến nhà. Thành ra chợ cứ văng vắng thế thôi chứ về lượng cũng vẫn vậy…”.
Tre được người mua mang về dựng bờ ở hồ nuôi tôm, nuôi cá; có người dùng để dựng chuồng heo, chuồng bò hay là làm móng nhà và làm các vật dụng hằng ngày như nia, rổ, thúng, lạc buộc...
Bà Phạm Thị Xuân (thôn Trung Chánh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) đang làm mê rổ. Ảnh: H.THÀNH
ÊM ĐỀM LÀNG ĐAN ĐÁT
Làng đan đát Trung Chánh ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát cũng nhiều tuổi như chợ tre An Lương. Theo lời kể của cụ Võ Ninh (86 tuổi, ở thôn Trung Chánh), từ tấm bé đến giờ ông gắn bó với nghề đan đát đã thành truyền thống của gia đình, của cả làng. Nheo nheo mắt, hóm hỉnh cười, cụ Ninh bồi hồi kể: “Tôi vừa biết ngồi là đã thấy cha mẹ đan đát rồi. Vài hôm là được cầm thanh nan làm đồ chơi… Có riêng gì tôi đâu, trẻ con Trung Chánh đứa nào cũng vậy. Biết cầm thanh tre trước khi biết cầm đũa, có thể không theo nghề nhưng không mấy người không thạo việc đan đát! Ngày còn bé, những câu dặn dò của cha mẹ như “ba đằn, ba lên”, “mặt trên, mặt lật” đã khắc sâu vào trí óc tôi, khiến đôi tay quen nghề tự khi nào chẳng rõ”. Hóa ra giáo trình dạy nghề của ông bà ta xưa lại vô cùng đơn giản, khúc chiết và dễ nhớ vô cùng. Nó luôn kết hợp lý thuyết với thực hành một cách nhẹ nhàng mà ăn khớp đến bất ngờ.
Tất cả những người già chúng tôi có dịp trò chuyện ở Trung Chánh đều xác nhận, trước đây nhà nào cũng vậy, con cháu tụ họp quanh sân nhà, cùng nhau làm các công việc từ vót tre, đan mê đến uốn vành, nứt mây. Người già người trẻ cười đùa, tay đan thoăn thoắt khiến công việc nhanh hơn, làm ra những sản phẩm gia dụng đượm hồn gia đình. Giống dây chuyền sản xuất trong nhà máy bây giờ. Trẻ làm những việc cần sức lực, người khéo tay làm những đoạn tinh tế, người cao tuổi nhận phần tinh chỉnh, sửa lỗi, duyệt sản phẩm. Cứ vậy theo thời gian mà vị trí trên chuyền sản xuất được đôn lên dần.
Giờ đây, thanh niên trong làng đi làm ăn xa xứ, chỉ còn lớp cao niên và phụ nữ. Người già thì sức khỏe hao hụt không thể theo nghề, phụ nữ thì bận rộn việc đồng áng cũng chẳng còn thời gian đan đát. Có chăng chỉ còn những đứa trẻ đang tuổi đến trường, mùa hè được nghỉ học lại quây quần ở sân nhà các cụ già trong làng, học nghề đan để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
“Ngày xưa ở Trung Chánh cũng có chợ tre, giờ chợ tre chẳng còn nữa nên tôi phải lặn lội xuống tận chợ An Lương để mua tre về đan. Mỗi chuyến như vậy tôi mua khoảng 5 cây thôi. Cực một chút nhưng tiền lời nằm ở đó hết, kêu người ta chở thì coi như làm cho vui chứ khỏi nói lời lỗ...”, bà Nguyễn Thị Hậu (60 tuổi), một người gắn bó từ nhỏ đến khi mái tóc đã điểm bạc với nghề đan đát ở thôn Trung Chánh, tâm tình.
Là một trong những người có mấy chục năm làm nghề đan đát ở thôn Trung Chánh, bà Phạm Thị Xuân (70 tuổi), chia sẻ: “Trước kia, nhà nhà làm, người người làm; thậm chí, ngày đắt hàng, người trong thôn phải thức đêm thức hôm, chong đèn để làm. Những sản phẩm đan đát như nong, nia, rổ... bây giờ ít người mua hơn nên chẳng còn bao nhiêu người trong thôn theo nghề. Thế nhưng tôi vẫn làm khi rảnh vì đã yêu thích nghề này. Còn người làm nghề nên làng đan đát vẫn còn, vẫn êm đềm, nhưng mấy cô cậu thấy đó, không được vui lắm”.
Các vật dụng làm bằng tre rất phong phú, đa dạng được bán tại chợ tre An Lương. Ảnh: NGỌC OANH
Ngày xưa, đến chợ Trung Chánh là thấy hàng hàng, dãy dãy bán đồ đan đát: nào là hàng bán rổ, hàng bán nia, hàng bán mủng... Người mua kẻ bán ra vào tấp nập. Giờ đây cảnh tượng đó không còn nữa, thay vào đó chỉ có một vài tiểu thương đến từng nhà thu mua sản phẩm đan đát, đem đi bán cho những vùng khác. Ông Nguyễn Văn Hồng (thôn Trung Chánh), một tiểu thương ở chợ, cho hay: "Tuy đồ nhựa đang chiếm lĩnh thị trường nhưng vẫn còn nhiều người yêu thích các sản phẩm từ tre. Sau khi thu mua đồ đan đát của bà con trong thôn, tôi chở lên các tỉnh Tây Nguyên bán. Có những chuyến tôi đưa hàng lên tận TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), đặc biệt là vào mùa thu hoạch cà phê, tiêu thì hàng bán rất chạy”.
* * *
“Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh”...
Những câu thơ quen thuộc của nhà thơ Nguyễn Duy bỗng hiện lên khi chúng tôi tạm biệt làng nghề đan đát ở thôn Trung Chánh...
Bài, ảnh: H.THÀNH - Ð.PHƯƠNG - M.THƯ