Ẩm thực xứ Nẫu
Dân dã & tinh tế
Bình Ðịnh là tỉnh Nam Trung bộ, đồng văn với Phú Yên, Khánh Hòa nhưng ẩm thực Bình Ðịnh lại khác biệt, không cầu kỳ như Huế, như Hội An, dù vậy vẫn có sức hấp dẫn riêng bởi hương vị đậm đà, cách chế biến dân dã, ai đã một lần ăn là nhớ mãi…
Món gỏi tôm đất đầm Thị Nại, cực ngon!
Dân dã cũng có thể hiểu là bình dân, không đắt tiền nhưng ngon, rất ngon là đằng khác và cũng rất tinh tế. Ẩm thực dân dã cũng có thể hiểu là ẩm thực có tính tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên, với những sản vật thiên nhiên và rẻ nhưng phải ngon. Đó là sức hấp dẫn của ẩm thực Bình Định. Ai đã một lần du lịch đến Quy Nhơn - Bình Định đều có chung cảm nghĩ đó.
Xin dẫn chứng ra đây một món ăn mà có lẽ chỉ có Bình Định mới có. Đó là món “gỏi cá mùa đông”. Hôm đầu mùa mưa, tôi có dịp về vùng Phước Thuận, huyện Tuy Phước, nơi gần đầm Thị Nại, được các bạn đãi món gỏi cá mùa đông tuyệt cú mèo. Đó là một loại cá nhỏ ít xương, có thể làm gỏi được, hỏi là cá gì, người lớn tuổi ở đây cũng chỉ biết đó là “cá mùa đông”, bởi chỉ có đầu mùa đông. Cái ngon của gỏi cá mùa đông không chỉ ở vị cá không tanh, ngọt lực, mềm mại, mà còn ở những món rau gia vị thơm nồng. Uống rượu Bàu đá với gỏi cá mùa đông bạn không đủ tiền để mua ở bất kỳ đâu!
Nếu có dịp về đầm Thị Nại, bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ngon từ các loài thủy sản đặc hữu như tôm đất (loại dùng để làm bánh xèo Mỹ Cang nức tiếng), các loại cá như cá dìa thịt dai, thơm ngon; cá liệt ngọt lịm; cá ong (loài cá chỉ ăn tôm đất); các loại sò, ốc, vọp (còn được gọi là con sò vọp, loại động vật nhuyễn thể, giống con sò, nghêu nhưng có kích thước lớn hơn)... Đặc biệt, đầm Thị Nại có loài lịch huyết thường xuất hiện nhiều nhất vào đầu mùa mưa, là một món ăn bổ dưỡng, còn làm món nhậu thì… tuyệt đỉnh !
Tôm đất đầm Thị Nại, không chỉ để đổ bánh xèo Mỹ Cang mà làm món gỏi tôm đất mới là “danh bất hư truyền”. Tôi là dân Tuy Phước nhưng hè vừa rồi, lần đầu tiên được ăn món gỏi tôm đất và để lại ấn tượng không bao giờ quên. Cách làm cũng đơn giản: Tôm đất lột vỏ, lấy chỉ (là “ruột” tôm), chần sơ nước nóng, tái thiệt nhiều chanh, gia vị, rau thơm các loại… Bí quyết ở đây là nước chấm. Nước chấm, nước sốt với ẩm thực phương Tây cũng như ở nước ta là rất quan trọng, làm tăng “giá trị gia tăng” cho món ăn. Nước chấm cho gỏi tôm đất dùng chính nước cốt chần tái tôm, cho ít dầu phụng, hành tỏi, sả, đậu phụng, chuối chín, cho vào chảo đun sôi, hơi keo lại là dùng được. Gỏi tôm đất cuốn bánh tráng là món ăn bạn nên một lần ăn thử, rồi cứ muốn về Tuy Phước hoài, bởi hương vị của nó theo bạn suốt đời!
Về Bình Định, nếu bạn muốn tìm ăn món đặc sản độc nhất vô nhị trên cả nước, hãy tìm cho được món chình mun mà chỉ có ở đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ, ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ). Chình mun Châu Trúc có thể sánh với con cá Hương Lạng Sơn và con cá chép Tây Hồ (Trung Quốc) là những thứ quý hiếm đã được “phong thần” trong danh sách của làng ẩm thực quý tộc, thậm chí được xem như một loại thuốc quý (mạn lệ ngư). Đông y và theo kinh nghiệm dân gian, thịt, xương, máu và mỡ cá chình đều được xem là được liệu. Thịt chình mun hơi dai vì có da và khi ăn có cảm giác như ăn thịt sụn sần sật rất độc đáo, rất thơm. Đầm Châu Trúc có nhiều loại thủy sản đặc hữu nhưng quý hiếm nhất vẫn là chình mun. Chình mun có đời sống rất thú vị, là loài di cư sông - biển, sinh ở biển nhưng lại sống ở đầm Châu Trúc. Ngày nay chình mun dù không thể cho sinh sản nhân tạo được nhưng người dân quanh đầm Châu Trúc đã biết cách nuôi chình mun tự nhiên, sản lượng cao nên không khó tìm được món ăn “tiến vua” này.
Món trứng kiến Vân Canh, danh bất hư truyền.
Ở các huyện miền núi của Bình Định, cũng có nhiều món ăn dân dã độc đáo. Trong đó, phải kể đến đặc sản cá niên An Lão. Cá niên sống ở các con suối nước chảy xiết, cực kỳ tinh khiết vì chúng chỉ ăn rong rêu, có thể chế biến nhiều món nhưng cứ đem nướng, để nguyên ruột ăn rất thú vị, đăng đắng như có mùi thảo dược.
Cá bống Lại Giang cũng là đặc sản. Đầu mùa mưa là lúc cá bống sinh nở, cá cái bụng đầy trứng, cá đực bụng đầy mỡ. Thịt cá bống trắng tinh, thớ nhuyễn, có mùi thơm, không tanh như các loại cá khác, chỉ có một xương sống rất mềm, dưới bụng chứa cục mỡ màu trắng hồng to bằng quả ớt, đây là phần ngon nhất của con cá.
Bình Định còn có cá mương, cá lúi rất ngon. Cá lúi là loại cá sông, nhỏ con, đầu mùa mưa đi hàng đàn, rúc vào những bãi cỏ ven sông, ruộng để đẻ trứng. Cá lúi kho nghệ, nướng cuốn bánh tráng, kho với mắm cua chua, là món cực khoái. Muốn ăn cá đồng các loại, bạn có thể ghé một quán ăn ở Diêu Trì, có đủ thứ, kể cả mắm cua, cá chạch tre, cá lúi, cá rô, cá mương… và chế biến cũng rất ngon, ai ăn một lần đều phải nhớ!
Ở các huyện miền núi còn có hai món danh bất hư truyền là nấm mối và trứng kiến vàng. Hôm đầu mùa mưa ghé Vân Canh, được các bạn đãi cả hai món này, ăn một lần chưa chắc được ăn lần thứ hai. Nấm mối Vân Canh khá lớn, ngọt lực, ăn đến đâu mát đến đó. Nấm mối có giá trị dinh dưỡng cực cao, chỉ mọc trong tự nhiên vào mùa mưa ẩm, không thể nuôi trồng. Còn món trứng kiến quả là hết sẩy, uống với rượu thì quên trời đất! Trứng kiến vàng mọng nước, có màu trắng sữa và đặc biệt chứa hàm lượng protein cao, bổ dưỡng khỏi nói! Ở Hầm Hô, An Lão, Vĩnh Thạnh đều có món này, tuy hiếm.
Bình Định còn rất nhiều món ngon, nếu kể đủ, bạn phải làm một chuyến du lịch Bình Định ngay!
Bài và ảnh: LƯU VĨNH HY