Kể chuyện thợ ngọn Bình Ðịnh
Thợ ngọn là thợ chuyên về chạm, khắc, đắp chữ, hoa văn trang trí trên các công trình văn hóa tâm linh như đình, chùa, nhà thờ họ tộc… Kế tục lớp thợ ngọn cao niên dần rời cõi tạm, lớp thợ trẻ không chỉ giữ nghề trên quê hương mà còn xuất cảnh để làm một số công trình ở nước ngoài như Lào, Australia.
Ông Lê Tấn Hiệp giới thiệu các tác phẩm do ông và cha thực hiện đắp vẽ, trùng tu tại đình Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước.
VANG DANH THỢ NGỌN BÌNH ĐỊNH
Tôi trở lại thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước để thăm nghệ nhân Lê Tấn Lai (tên thường gọi là Sáu Hiệp), tuổi đã 83, người được tôn vinh là bậc thầy thợ ngọn.
Theo ông Sáu Hiệp, không ai biết nghề thợ ngọn phát tích từ khi nào, nhưng theo các bậc cao niên truyền lại, cực thịnh của nghề là vào thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn sau này. Khi Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc lên ngôi, cho xây dựng thành Hoàng Đế tại đất Bình Định, lớp thợ ngọn từ Huế vào đảm nhận, thuê nhân công tại vùng An Nhơn, Tuy Phước phụ việc. Chịu khó, cộng với năng khiếu, các nhân công đã “học lỏm” được nghề và phát triển bằng sự sáng tạo riêng những đường nét đặc trưng của thợ ngọn Bình Định.
Năm 15 tuổi, ông Sáu Hiệp theo cha học nghề thợ ngọn. Vốn có năng khiếu bẩm sinh, lại được cha là một người thợ lành nghề tận tâm truyền dạy, ông đã nắm bắt tất cả các kỹ thuật về nghề. Năm ông 22 tuổi, cha mất, ông kế nghiệp cha, gắn bó với nghề đến tuổi 79.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cùng đồng nghiệp thực hiện một tác phẩm tại khu biệt thự Đại Phú Gia (TP Quy Nhơn).
“Thời ấy đình, chùa, miếu mạo chưa xây dựng nhiều, lúc tôi còn theo cha làm nghề, không có xi măng, sơn nước nhiều màu mà làm như bây giờ. Muốn đắp thì dùng vôi giã với bông gòn, trộn giấy, mật đường, cấy cốt thì dùng tre trảy, gạch đá để tạo hình, vẽ màu thì dùng màu từ vôi màu trộn a giao. Những chất liệu thô sơ như vậy, nhưng có lẽ vì hoàn toàn là tự nhiên nên đến mấy chục năm vẫn bền màu, giữ nét”, lão nghệ nhân Sáu Hiệp kể lại.
Điểm đặc biệt khiến có thể coi rất nhiều thợ ngọn giỏi nghề là nghệ sĩ vô danh vì lẽ cũng những linh vật long, lân, quy, phụng hay những hoa văn trang trí, nhưng thần thái, hồn vía của tác phẩm mỗi lần làm mỗi khác; đặc trưng của những tác phẩm do thợ ngọn Bình Định làm là đường nét đắp nổi mạnh mẽ, khắc chìm uyển chuyển, linh vật, hoa văn như muốn bay ra khỏi phần nền. “Ví dụ khi mình đắp con rồng, phải thể hiện nét cơ mặt, vảy rồng, dáng bay, khuỷu chân, móng vuốt, các sóng mây cuộn theo thân rồng… sao cho mạnh mẽ, hài hòa về bố cục, nhưng nhìn vẫn uy nghiêm, thanh cao. Hay như đắp con lân, con hổ phải thể hiện được sự dũng mãnh của linh vật, thân vật phù hợp với các dáng thế ngồi, chồm tới trước, giơ móng vuốt… sao cho nhìn tượng vật sống động. Đó là nét riêng của thợ ngọn Bình Định. Mỗi người thợ sẽ tạo ra những tác phẩm mang đường nét riêng của mình, không thể nào “bắt chước” được. Khi làm người thợ luôn nghĩ trong đầu để tìm tòi thể hiện sao cho tác phẩm làm sau đẹp và có hồn hơn cái đã làm trước đó”, ông Sáu Hiệp phân tích.
Thợ ngọn Đoàn Ngọc Hậu thực hiện tác phẩm tại một ngôi đình ở Hải Minh ngoài, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn.
THỢ NGỌN BÌNH ĐỊNH XUẤT NGOẠI
Năm 2003, khi ở địa phương xây mới một ngôi chùa, ông Đoàn Ngọc Hậu (54 tuổi, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) ngày nào cũng có mặt tại công trường để quan sát, đặc biệt chuyên chú vào cách làm của thợ ngọn. Một thời gian sau, ông xin được cho làm thử và gần như ngay lập tức cả hiệp thợ đoan chắc là ông đến thử tài họ chứ học nghề gì mà lẹ quá! Ông Hậu chân thành tâm sự, ông vốn có năng khiếu mỹ thuật và đam mê tạo hình đắp vẽ từ thời niên thiếu, nhờ hiệp thợ không giấu nghề nên ông học hỏi nhanh. Cả hiệp thợ công nhận tài năng và trình nghề của ông Hậu, nhà thầu cũng trả công cho ông như thợ chính, ông bén duyên và làm nghề từ đó đến nay.
Kể về nghề, ông Hậu tâm tình: “Nghề thợ ngọn mang tính nghệ thuật cao, nếu không có năng khiếu mỹ thuật thì rất khó theo nghề, hoặc có theo được nghề cũng không thể tạo nên các tác phẩm đẹp. Không những yêu cầu cao về tính mỹ thuật, việc tính toán bố cục, tỷ lệ phải cẩn trọng, đảm bảo hài hòa không gian”.
Ngay cả khi đã là một thợ ngọn lành nghề, ông Hậu vẫn luôn học hỏi trên thực tế, qua sách báo, internet để trau dồi thêm kiến thức văn hóa, lịch sử, tôn giáo.
Tiếng lành đồn xa, sư trụ trì tu viện Vạn Hạnh, ở TP Canberra, Australia đã liên lạc ông Hậu và mời sang làm cho tu viện. “Sư thầy bên đó hỏi thăm và lên facebook xem các tác phẩm của tôi thực hiện tại nhiều ngôi chùa ở Bình Định, rồi mời tôi sang Australia làm. Trước đó, thầy cũng có mời thợ Huế nhưng sau đó thấy đường nét của Bình Định mạnh mẽ nên thầy đã mời nhóm chúng tôi”, ông Hậu kể lại.
Sau khi làm xong thủ tục, cuối năm 2018, nhóm thợ Bình Định 5 người (ông Hậu đảm nhận vai trò thợ chính, 1 thợ phụ, 2 thợ hồ, 1 phụ hồ) đã sang Australia làm tại tu viện Vạn Hạnh. Ông Hậu chia sẻ: “Qua bên đó, chúng tôi thực hiện tiếp các hạng mục mới, sư thầy ngỏ ý muốn nhóm thợ Bình Định sẽ làm theo đường nét của các tác phẩm mà nhóm thợ Huế đã thực hiện trước đó, song tôi tư vấn cho thầy để làm các tác phẩm mới theo đường nét riêng của Bình Định và được đồng ý. Sau 12 tháng làm việc bên đó, chúng tôi đã hoàn thành hợp đồng và về. Qua chuyến đi ấy, bản thân tôi đã học hỏi, trau dồi thêm được nhiều kiến thức trong nghề”.
Một số hạng mục công trình do ông Đoàn Ngọc Hậu và đồng nghiệp thực hiện tại tu viện Vạn Hạnh, ở thủ đô Canberra của Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“TIẾP LỬA” GIỮ NGHỀ
Gắn bó cả đời với nghề thợ ngọn, lão nghệ nhân Sáu Hiệp đã truyền nghề cho người con trai đầu là ông Lê Tấn Hiệp, năm nay 66 tuổi. 35 năm theo cha học, làm nghề, nay ông Hiệp cũng đứng vào lớp thợ ngọn cao niên kỷ ở Bình Định.
Ông Hiệp phân tích: “Trong nghề thợ ngọn, kỹ thuật khó nhất đó là cẩn mẻ (khảm sành sứ). Để có được các hình tượng long, lân, quy, phụng hay những con giao long, con nghê, hoa văn trang trí…, người thợ sử dụng các mảnh vỡ của các bình gốm sứ, chén, đĩa, dùng kềm cắt gọt ra từng mảnh theo ý, cầu kỳ, sao cho mỗi miếng nguyên liệu khi gắn lên vừa khít với nhau, không bị lộ mạch vữa. Với việc đắp tượng Phật kích thước lớn, phải tính toán bố cục, tỷ lệ hài hòa từ khâu tạo cốt, cho đến đắp xi măng tạo hình”.
Sau thời gian xuất khẩu lao động tại Đài Loan, hai người con trai của ông Hậu là Đoàn Ngọc Kế, Đoàn Minh Tự về nhà theo cha học nghề thợ ngọn. “Tôi rất mừng là hai đứa con còn trẻ nhưng đam mê theo nghề, vậy là có người nối nghiệp tôi sau này!”, ông Hậu vui vẻ cho biết.
Đang cùng các đồng nghiệp tạo hình tượng nàng tiên cá tại khu biệt thự Đại Phú Gia, ông Nguyễn Thanh Sơn (49 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn), cho biết: “Nghề thợ ngọn kết hợp nhiều yếu tố hội họa, điêu khắc từ khâu vẽ thiết kế, đúc khuôn, tạo cốt bằng sắt thép đến thi công và hoàn thiện tác phẩm, người thợ không chỉ có đôi bàn tay khéo léo mà cần phải kiên nhẫn, tinh tế trong từng tác phẩm”.
Với lão nghệ nhân Sáu Hiệp, điều khiến ông mãn nguyện khi về già là lớp trẻ vẫn đang “giữ lửa” nghề thợ ngọn của đất Bình Định. "Nghệ thuật là phải sáng tạo, nhưng dù có sáng tạo thì lớp thợ trẻ phải cố gắng làm sao giữ được đường nét riêng của Bình Định, giữ được cái cốt cách nghề thợ ngọn Bình Định của cha ông truyền lại”, người thợ ngọn lão làng nhắn nhủ như vậy.
Bài, ảnh: ÐOÀN NGỌC NHUẬN