TRƯỜNG CAO ÐẲNG BÌNH ÐỊNH:
Góp nhân lực chất lượng cho ngành dịch vụ du lịch
Với đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm, là một trong số ít đơn vị tại khu vực miền Trung được Tổng cục Du lịch cấp phép đào tạo một số nghiệp vụ và được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chọn đầu tư một số nghề trọng điểm cấp quốc tế, khu vực, công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ du lịch của Trường CÐ Bình Ðịnh thời gian qua đã có nhiều dấu ấn.
Sinh viên ngành Hướng dẫn du lịch đang thực hành “Xây dựng lộ trình tour” tại phòng Thực hành Hướng dẫn du lịch của trường. Ảnh: Trường CĐ Bình Định
Khẳng định bằng chất lượng
Góp phần cho chất lượng đào tạo nhân lực ngành dịch vụ du lịch những năm qua của Trường CĐ Bình Định là đội ngũ giảng viên. Hiện tại, gần 80% giảng viên đào tạo dịch vụ du lịch của trường đạt chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS). Trong đó, có 5 giảng viên là đào tạo viên VTOS; đặc biệt, 1 giảng viên tham gia đào tạo cho đào tạo viên VTOS. Ngoài ra, nhiều giảng viên đạt tay nghề bậc 3 ở các nghề: Hướng dẫn du lịch, Nghiệp vụ nhà hàng, Chế biến món ăn; 5 giảng viên có Thẻ đánh giá viên Kỹ năng nghề quốc gia về các nghiệp vụ du lịch, 1 giảng viên tham gia chấm thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức. Các giảng viên cũng là những người giàu kinh nghiệm thực tiễn. Có nhiều giảng viên là hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa, đã và đang tham gia điều hành hoặc phụ trách nghiệp vụ trong công ty du lịch, khách sạn lớn.
Thầy Nguyễn Văn Hưng - hướng dẫn viên du lịch quốc tế, giảng viên tham gia đào tạo cho đào tạo viên VTOS, hiện đang hợp tác với Công ty Quản lý du lịch cao cấp Châu Á - cho biết: “Các hoạt động hợp tác đào tạo với các đơn vị bên ngoài giúp tôi cập nhật về thực tế hiện trạng du lịch Việt Nam, các tư liệu biểu mẫu mà các DN du lịch đang sử dụng và các tình huống thực tiễn. Đây đều là vốn quý để các tiết giảng của chúng tôi phong phú, thực tiễn và chất lượng, giúp sinh viên hiểu, bớt bỡ ngỡ khi đi thực tập, làm việc”.
Bên cạnh đó, từ năm 2014, trường là một trong số ít các trường trong khu vực miền Trung được Tổng cục Du lịch cho phép mở các khóa ngắn hạn về Nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch nội địa/quốc tế, Điều hành du lịch nội địa/quốc tế. Nghề Hướng dẫn du lịch được phê duyệt là nghề trọng điểm cấp quốc tế, nghề Kỹ thuật chế biến món ăn và Quản trị khách sạn là nghề trọng điểm cấp ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Chú trọng yếu tố thực hành, tạo môi trường thực tập cho sinh viên, Trường CĐ Bình Định cũng liên kết với các khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch, các khu du lịch trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty CP Khách sạn Hoàng Yến, chia sẻ: “Tin tưởng vào uy tín đào tạo của trường, hằng năm, khách sạn tạo điều kiện để sinh viên ngành dịch vụ du lịch thực tập. Các bộ phận cử người hướng dẫn, hỗ trợ để các em học tập, tích lũy kinh nghiệm. Đây là cách chúng tôi đồng hành với nhà trường để góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho ngành du lịch”.
Trường CĐ Bình Định cấp chứng chỉ Nghiệp vụ Điều hành du lịch nội địa và quốc tế cho học viên. Ảnh: Trường CĐ Bình Định
Tuyển sinh thường xuyên
Những năm qua, việc tuyển sinh các lớp cao đẳng ngành Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng của Trường CĐ Bình Định ổn định. Các lớp sơ cấp Hướng dẫn du lịch tuyển sinh nhiều lớp/năm với tần suất gối đầu nhau. Đến nay, trường đã mở 16 khóa đào tạo với 430 lượt học viên được cấp chứng chỉ. Trong đó, riêng năm 2020 tuyển được 4 khóa với 90 lượt học viên. Đây được xem là thế mạnh cạnh tranh của trường với các trường nghề khác trong khu vực miền Trung.
Anh Nguyễn Quý Lộc (37 tuổi, ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) hoàn thành khóa sơ cấp Hướng dẫn du lịch nội địa tại Trường CĐ Bình Định từ năm 2018. Cầm trên tay chứng chỉ sơ cấp Hướng dẫn du lịch của trường và thẻ Hướng dẫn viên của Tổng cục Du lịch, anh tự tạo việc làm, nhận dẫn tour du lịch biển tuyến Quy Nhơn - Phú Yên mỗi khi rảnh rỗi. Anh kể: “Khóa nghiệp vụ tại Trường CĐ Bình Định đã trang bị những kiến thức và kỹ năng để tôi mạnh dạn bắt đầu với công việc hướng dẫn viên. Đó là cánh cửa đầu tiên đưa tôi đến với một nghề đầy thú vị và có thêm nguồn thu nhập”.
Theo cô Lê Thị Thanh Trà, Phó Trưởng khoa Kinh tế - Du lịch Trường CĐ Bình Định, Trường đang hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm xứng tầm với vị trí nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực. Sắp tới, trường cải tạo 1 khu ký túc xá thành nhà thực hành du lịch với quy mô tương đương một khách sạn 5 tầng để sinh viên có môi trường học tập, thực hành nghề nghiệp. Đây là mô hình đã thực hiện ở một số trường trong nước như Sài Gòn Tourist, CĐ Du lịch Nha Trang, CĐ Du lịch Huế …
Đối với nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, trường đã đầu tư 1 nhà thực hành bếp bài bản và tiếp tục bổ sung trong thời gian tới. Đồng thời, triển khai nâng cao nghiệp vụ chế biến các thực đơn Âu, Á, cách thức phục vụ bàn ăn Á, Âu. Trường và khoa tiếp tục tạo điều kiện cho giảng viên học tập nâng cao tay nghề, tham gia thực hành tại các DN để bám sát thực tiễn, phục vụ đào tạo, cử giảng viên tham gia thi tay nghề các bậc...
NGUYỄN MUỘI