Thân thương bánh hỏi quê mình
Nghiện ăn bánh hỏi nên trước đây tôi cứ nghĩ, đây là món đặc sản dân dã do người Bình Định “phát minh”. Đến khi có dịp tìm hiểu kỹ, thì ra bánh hỏi không chỉ có riêng ở xứ Nẫu quê mình.
Bánh hỏi bắt nguồn từ đâu?
Ngoài một số tỉnh miền Trung, bánh hỏi còn “phủ sóng” ở nhiều tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam Bộ, từ Đồng Nai đến tận Cà Mau. Bánh hỏi ở thị trấn Phú Long, tỉnh Bình Thuận cũng là đặc sản nổi tiếng đã đi vào câu ca dao: Ai về Bình Thuận cho theo/Phú Long bánh hỏi lòng heo nhớ hoài. Đặc sản bánh hỏi An Nhứt nổi tiếng ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cách thưởng thức với thịt bò xiên nướng chấm mắm nêm, hay nem nướng, chả giò chấm nước mắm ngó sen chua ngọt. Du khách đến tỉnh Sóc Trăng, thường được nghe câu ca mời gọi: Ai về thẳng tới Năm Căn/Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu/ Mắm nêm, chuối chát, khế, rau/ Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên! Còn bánh hỏi ở Sóc Trăng có cách thưởng thức lạ hơn nơi khác. Đó là, lấy miếng bánh hỏi bao cuộn con tôm càng nướng đã bóc vỏ, ăn kèm rau sống chấm mắm nêm…
Có mặt ở nhiều nơi như vậy, nhưng vùng đất nào là nơi ra đời của bánh hỏi? Theo nhà báo, nhà văn Phanxipăng (tên thật Trần Ngọc Tĩnh), ông đã từng được nghe cụ Ích Thiện, phu nhân của quan Khâm mạng Ưng An (dòng dõi vua Minh Mạng) cho biết, bánh hỏi được bà Phạm Thị Hằng (thường gọi đức Từ Dũ, thân mẫu của vua Tự Đức) đem từ quê nhà Gò Công - Tiền Giang ra Huế vào thế kỷ 19. Món bánh hỏi từ đó được “nâng cấp” thành món ăn cung đình rồi phổ biến qua các tỉnh, thành khác theo hướng đại chúng hóa.
Thông tin về bánh hỏi từ miền Nam ra miền Trung rất thú vị, nhưng độ chính xác như thế nào thì vẫn còn… chờ. Thời sinh viên ở Huế, có dịp tìm hiểu, thưởng thức ẩm thực ở nhiều nơi trên đất cố đô, tôi chỉ thấy món bánh ướt cuộn thịt nướng Kim Long nổi tiếng, chứ bánh hỏi thì không có. Đi đến các tỉnh, thành lân cận Huế như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình… cũng không thấy bánh hỏi có trong “từ điển” ẩm thực truyền thống địa phương.
Sinh thời nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn kể rằng, ngày xưa ông thường thấy trong lễ đính hôn, nhà trai thường đem đến nhà gái mâm quả bánh hỏi. Sau lễ, nhà gái chia bánh hỏi thành từng phần và thêm thịt heo quay gửi biếu cho họ hàng… Sức hấp dẫn bền lâu của bánh hỏi đã được thể hiện qua việc tồn tại các làng nghề truyền thống làm bánh hỏi ở Bình Định. Hình ảnh những người phụ nữ ngồi bên thúng bánh hỏi ven đường đã in sâu vào ký ức của nhiều thế hệ người dân Quy Nhơn. “Nhà tôi ở Đập Đá, làm bánh hỏi đã nhiều đời. Theo mẹ đi bán bánh hỏi từ năm 13 tuổi, rồi gắn bó riết với nghề đến nay đã gần 50 năm”, bà Nhung, một người bán bánh hỏi ở gần khách sạn Điện Ảnh (đường Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn), cho biết.
Về cơ bản thì cách làm bánh hỏi hay nguyên liệu ăn kèm với bánh hỏi ở Bình Định cũng giống như nhiều địa phương, nhưng khác biệt là không dùng hành lá mà có “điểm nhấn lá hẹ”, tạo ra hương vị độc đáo riêng: Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ/ Em thương một người có mẹ không cha/ Bánh xèo bánh đúc có hành hoa/ Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn. Cách ăn đặc trưng nhất của dân xứ Nẫu là ăn bánh hỏi với bánh tráng chín, hoặc cuốn bánh tráng sống. Hai kiểu ăn dân dã này lại “rất hiểu nhau” trong việc phối hợp tạo ra sự ngon miệng, no lâu…
Mới đây, tôi thử tung ảnh chụp dĩa bánh hỏi thịt heo quay lên facebook kèm theo câu hỏi: “Mấy bạn đi xa có nhớ bánh hỏi quê mình?!”. Ngay lập tức nhận được phản hồi từ cậu bạn ở TP Hồ Chí Minh: “Bánh hỏi ở Sài Gòn chỉ là “hàng nhái”, không ngon bằng ở Quy Nhơn”, cùng nhiều sự tán thưởng của bạn bè khắp nơi. Còn trên trang web xunau.org (Nơi gặp gỡ những người yêu xứ Nẫu), một Việt kiều Mỹ gốc người Bình Định đã chia sẻ: “Hôm nay mời các bạn món bánh hỏi thịt nướng nhé!. Nhớ lúc con gái còn nhỏ, mỗi lần thấy nhà làm bánh hỏi là reo lên ghẹo mẹ: “Oh! hôm nay Má làm Questions cake”… cháu rất thích ăn”.
HOÀI THU