NHỮNG TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC CHAMPA BÌNH ÐỊNH BỊ TẢN THẤT:
Mong đợi ngày về
Các tác phẩm nghệ thuật Champa thường gắn liền với những công trình kiến trúc, tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn đều không còn nguyên vẹn, không còn gắn với di tích gốc - đền tháp, tản thất đến nhiều nơi trên thế giới.
Tượng Shiva tìm thấy ở tháp Bánh Ít hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Guimet, Paris.
Năm 1858, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, nhiều quan chức và nhà khảo cổ học người Pháp đã đến Việt Nam và bắt đầu khám phá các di tích đền tháp Champa tại miền Trung Việt Nam, thu thập hàng trăm tác phẩm điêu khắc thông qua các cuộc khai quật khảo cổ hoặc phát hiện ngẫu nhiên. Các bộ sưu tập này, hiện nay đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, trong đó đáng chú ý là Bảo tàng Rietberg (Thụy Sĩ), Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Hoa Kỳ) và đặc biệt là ở Pháp, đơn cử như Bảo tàng Nghệ thuật châu Á, Bảo tàng Guimet tại Paris.
1.
Theo sách “Chỉ nam về Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn” của Thái Văn Kiểm và Trương Bá Phát (1974) các hiện vật về nghệ thuật Champa có thể được bắt đầu chú ý sưu tầm từ năm 1866, khi Toàn quyền Đông Dương De La Grandière ra lệnh thu thập hiện vật từ những di tích của tất cả các dân tộc trên bán đảo Đông Dương.
Henri Parmentier - một kiến trúc sư và là một nhà khảo cổ người Pháp làm việc cho Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (École Francaise d’Extrême-Orient - EFEO) - là người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Champa. Ông thực hiện nhiều bản vẽ các đền tháp, tác phẩm điêu khắc Champa trong quá trình khảo sát phát lộ di tích, lập bảng niên đại đầu tiên cho hệ thống kiến trúc và điêu khắc Champa, tạo nền tảng cơ bản cho việc nghiên cứu tiến trình phát triển và phân loại kiến trúc và điêu khắc Champa. Ông cũng chính là người khởi xướng xây dựng công trình mà ngày nay chính là Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Tuy nhiên khác với hầu hết các quan chức thuộc địa, Parmentier không đồng ý với cách thức họ ứng xử với đền tháp và điêu khắc Champa. Ông cho rằng không nên tách rời các bộ phận kiến trúc đền tháp và hiện vật điêu khắc ra khỏi các ngôi đền “nếu không có động cơ mang tính khoa học hoặc một ý định nhằm bảo quản”. Ngay cả khi buộc phải tách rời, các hiện vật điêu khắc Champa thu thập được, cần phải trưng bày ở các bảo tàng nằm gần nơi xuất xứ của chúng. Tuy nhiên, trên thực tế việc sưu tập của một số người đã được thực hiện bởi động cơ sở hữu cá nhân và sau đó là thương mại. Một lượng lớn tác phẩm điêu khắc Champa đã được chuyển về Pháp bởi các quan chức thuộc địa và các nhà sưu tập người Pháp.
2.
Năm 1862, Charles Lemire được bổ nhiệm làm việc tại Việt Nam, đầu tiên ở Nam Kỳ, sau đó làm Công sứ tại Quy Nhơn, Đồng Hới và một số tỉnh khác ở miền Trung. Lemire rất quan tâm đến đền tháp và điêu khắc Champa. Sưu tập các tác phẩm nghệ thuật Champa như một thú vui, nhưng sau đó ông xuất bản “Bộ sưu tập Đông Dương của Charles Lemire”, công bố giữa năm 1887, giới thiệu 592 hiện vật thu thập được, trong đó có nhiều hiện vật điêu khắc Champa đã sưu tập khi làm Công sứ ở Bình Định và các tỉnh miền Trung Việt Nam. Đặc biệt, năm 1890 Lemire đưa bộ sưu tập này về TP Abbeville (tỉnh Somme, thuộc vùng Hauts-de-France, miền Bắc nước Pháp) - quê hương ông - và tổ chức triển lãm ngay tại đây.
Trong tác phẩm “Les Tours kiames de la Province de Binh Dinh” (Các đền đài Chàm ở tỉnh Bình Định), Charles Lemire chép: “… Các tháp Bạc (tháp Bánh Ít) phô bày hàng loạt công trình đáng lưu ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc bằng đá. Tượng cuối cùng che vòm đã được mang sang Pháp năm 1886. Gần 80 tấn đá chạm được dành cho Bảo tàng Lyon đã được tàu Mekong chuyển về Pháp”.
Trong bài viết về bộ sưu tập Champa tại Bảo tàng Guimet, Giám tuyển Pierre Baptise đã ghi chép về 23 hiện vật điêu khắc trưng bày tại bảo tàng này, trong đó nhiều hiện vật được gửi về bởi các quan chức thuộc địa, các nhà sưu tập người Pháp.
Tượng Linga-Yoni tháp Bánh Ít trưng bày ở Bảo tàng Guimet, Paris.
3.
Như đã nói ở trên, Charles Lemire không phải là người duy nhất đưa các báu vật Champa về Pháp. Năm 2005, Bảo tàng Guimet, Paris tổ chức trưng bày sưu tập “Những báu vật của nghệ thuật Việt Nam - Điêu khắc Champa thế kỷ V-XV”, trong đó có tượng Shiva và tượng Linga-Yoni cùng của tháp Bánh Ít, Bình Định.
Năm 1885, khi là Công sứ ở Quy Nhơn, Eugène Navelle đã cho đưa tượng Shiva bằng sa thạch khi đó đang được thờ tại trong lòng tháp chính của tháp Bánh Ít (thế kỷ XI - XII, cao 1,54 m, rộng 1,03 m) về Pháp. Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Guimet ghi nhận, bức tượng này do Eugène Navelle - Công sứ Pháp tại Quy Nhơn - tặng cho Bảo tàng Louvre. Một thời gian sau tượng được chuyển đến trưng bày ở Viện Bảo tàng Đông Dương ở Trocadéro và sau đó chuyển về Viện Bảo tàng Guimet. Tượng Linga-Yoni chế tác bằng vàng và bạc (cao 27 cm, rộng 24 cm). Theo tài liệu lưu trữ ở Bảo tàng Guimet, tượng được tìm thấy ở chân đồi tháp Bánh Ít và chỉ ghi là vật mua, không nói rõ việc chuyển tượng về Pháp và mua bán thế nào.
Những năm gần đây, dù rất thận trọng và dè dặt nhưng Pháp và nhiều nước châu Âu đã khởi động tiến trình trao trả các di sản, cổ vật, hiện vật văn hóa, lịch sử bị chiếm đoạt dưới thời thuộc địa. Đáng chú ý là các vấn đề xung quanh việc sưu tập hiện vật điêu khắc Champa dưới thời thực dân đang được nhìn nhận trở lại. Mong rằng, trong tương lai không xa Pháp sẽ thay đổi Luật di sản để tạo điều kiện cho quá trình trao trả lại các cổ vật của Việt Nam và nhiều quốc gia thuộc địa khác.
Bác sĩ Claude Jean Albert Morice (1848 - 1877) là bác sĩ của lãnh sự quán Pháp tại Quy Nhơn. Là bác sĩ nhưng Morice lại có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử tự nhiên, nhân chủng học, ngôn ngữ học và khảo cổ học. Một số tài liệu ghi nhận rằng ông đã… nhặt ở vịnh Quy Nhơn khoảng 40 hiện vật điêu khắc Champa bằng sa thạch, những điêu khắc ấy là vật trang trí ở các đền tháp - nơi thờ cúng linh thiêng của người Champa vùng Vijaya - Bình Ðịnh. Qua tàu Mekong (thuộc Công ty Hàng hải Messageries Maritimes) bác sĩ Morice gửi bộ sưu tập này về Bảo tàng Lịch sử thiên nhiên ở Lyon, Pháp. Ngày 17.6.1877, trong hành trình từ Sài Gòn đi Marseille, tàu Mekong bị đắm ngoài khơi bờ biển Somalia, cách mũi Guardafui vài hải lý về hướng Nam.
Sau nhiều năm chuẩn bị, tháng 10.1995, Robert Stenuit - người tổ chức một nhóm gồm các nhà khảo cổ, sử học, thợ lặn chuyên nghiệp…, đã tìm được tung tích nơi tàu Mekong đắm. Sau hai tháng dò tìm, trục vớt, nhóm của Stenuit đã thu hồi rất nhiều hiện vật điêu khắc và các mảnh vỡ có chạm trổ và chuyển về châu Âu. Dù vậy, theo Robert Stenuit, trong hầm tàu Mekong vẫn còn nhiều pho tượng Champa chưa đủ điều kiện để trục vớt được.
NGUYỄN THANH QUANG