Mạch nguồn sâu lắng
Trong quá trình mở mang, định hình nên một vùng đất mới, dâu bể thời gian khiến nhiều từ ngữ khi phát âm đã bị biến đổi so với lúc ban đầu, trở thành bản sắc riêng của vùng đất ấy. Bình Ðịnh là một trong những vùng đất như vậy.
1.
Cuối năm cũng là mùa cưới. Ở Bình Định, nhất là ở những vùng nông thôn, đám cưới diễn ra giản dị nhưng ấm cúng, thơm thảo tấm lòng bà con và láng giềng, đồng thời có nhiều chuyện vui vui vì người ở quê hồn hậu chất phác.
Tại một đám cưới ở quê tôi, một vùng ven sông Côn, thật thú vị khi nghe người dẫn chương trình nói: “Mời chú rở và cô dâu giao bâu”. Người ở xa đến, chắc không kịp nghe ra “giao bâu” là cái gì. Do một số vùng, người ta phát âm ê thành ơ, ôi thành âu nên chú rể biến thành chú rở, giao bôi thành giao bâu, rất đặc trưng Bình Định.
Cũng bởi đặc trưng ôi - âu này, mà dân gian vẫn lưu truyền giai thoại “đàn bò bơi qua sông, trâu chết 3 con” như một cách điển hình hóa về phương ngữ Bình Định. Đại khái một người ở xa đến, hỏi thăm một nông dân rằng đợt lũ lụt vừa rồi nhà bác có thiệt hại gì không? Bác nông dân bèn đáp: Lụt to hung! Đàn bò của tui bơi qua sông, trâu mất 3 con.
Anh kia nghe không ra và cũng không hiểu, vì sao đàn bò bơi qua sông, mà lại chết 3… con trâu nên cứ thắc mắc. Sau được giải thích rằng, nhiều vùng ở Bình Định vẫn phát âm ôi thành âu; ví dụ: Bà nội - bà nậu, cầu Đôi - cầu Đâu; thì anh kia mới vỡ lẽ, cười rộ bảo: Có thế chứ! Hóa ra là bị trôi mất 3 con bò. Chứ làm gì có chuyện bò bơi qua sông mà trâu lại chết!
Đến phần văn nghệ, khi người dẫn chương trình giới thiệu một vị khách có tên là Vệ lên hát tặng một bài thì có đến hai người cùng lên giành micrô. Một vị đã chếnh choáng say còn một vị thì vẫn tỉnh. Vị khách còn tỉnh tên đúng là Vệ nhưng không giành micrô được với vị đã say kia vì lý lẽ: “Nhắc đến vợ là tui ưng rồi. Nên tui phải lên hát tặng các bà xã một bài”, do ông này nghe nhầm vệ thành vợ.
Rồi ông ta bước lên sâu khấu, tự giới thiệu: Tui xin hát tặng cô dâu chú rở và bà con cô bác bài Trái tim bên… lờ.
2.
Bạn tôi kể, lâu ngày mới từ Bình Định về Bắc, khi đi chợ quê mua ít đồ lặt vặt đã đưa tờ 500 nghìn đồng và nói: Bà thối tiền cho con. Ngay lập tức, bà cụ bán hàng đang nhai trầu bỏm bẻm hóm hỉnh nói: Tiền của bà toàn tiền thơm, không có tiền thối cháu ạ!
Trong tiếng Việt, thối vừa có nghĩa là thối, theo đúng nghĩa đen, nhưng ở Bình Định và một số tỉnh miền Trung, còn có nghĩa là trả lại, lùi lại. Tùy theo ngữ cảnh, thối còn nhiều nghĩa khác như đã bị hư hỏng, quá rẻ. Ví dụ, quả đạn thối, quả dưa thối, rẻ thối…
Bà cụ bán hàng ở chợ quê đã bắt ngay cái khoảnh khắc khách từ miền Trung ra nói thối tiền để chơi chữ, đưa ra “cặp phạm trù” tiền thối - tiền thơm rất độc đáo. Thì rõ rồi, tiền của cụ tuy chắt bóp từng đồng nhưng thơm thảo mồ hôi công sức, tảo tần một nắng hai sương.
3.
Có đốt đuốc tìm từ Âu sang Á, từ Thanh Hóa đến Sài Gòn, thì cũng không có cuốn từ điển nào có giải nghĩa từ quã - một đặc sản của phương ngữ Bình Định.
Thay vì dùng từ ủa để biểu thị sự ngạc nhiên, thì người Bình Định lại dùng từ quã. Mỗi lần tôi về quê nội, một làng nhỏ ven sông Côn, gặp người quen, thế nào họ cũng hỏi: Quã, mày dìa hầu nào dẫy? (Ủa, mày về hồi nào vậy?).
Vì là đặc sản của phương ngữ Bình Định, nên chỉ có dân Bình Định phát âm từ quã mới… chuẩn và đặc sắc. Tuy mộc mạc, thậm chí hơi thô nặng nhưng nghe rồi là nhớ miết và thường trực luôn ở trong đầu.
4.
Tiếng Việt phong phú và phức tạp. Giữa vùng này và vùng kia có nhiều từ ngữ nếu không có người “phiên dịch” thì chịu chết, chẳng hiểu được. Chính nhờ sự khác biệt đó mà tiếng Việt trở nên hấp dẫn, lung linh, tạo thành bản sắc riêng của mỗi vùng đất.
Bản sắc không phải được định hình bằng những thứ ào đến ào đi, dữ dội như bão lũ, mà lặng lẽ mỗi ngày một ít, nhẹ nhàng sâu lắng, ăn sâu bén rễ, như mạch nguồn âm thầm chảy, thấm đẫm vào tâm hồn con người ta lúc nào chẳng biết. Phương ngữ chính là văn hóa của một vùng đất và tạo nên bản sắc, giá trị của vùng đất ấy. Bình Định không chỉ có võ, có văn mà còn có hẳn một “khoảnh trời riêng” phương ngữ.
Có thể nói, phương ngữ Bình Định không phải chỉ là những giao tiếp hàng ngày, mà còn như những mạch nguồn sâu lắng, làm nên bản sắc của người Bình Định.
HUỲNH THÚC GIÁP