Quy Nhơn qua thư tịch xưa
Ðất Quy Nhơn nằm bên đầm Thi Nại, nơi hợp lưu, giao hòa giữa sông và biển, định hình từ trong thế đất “thủy khẩu giao nha - răng nanh giao mũi”, từ trên cao nhìn xuống trông như cổ con rùa nằm sát đất, gọi là mũi Cổ Rùa (Quy Cảnh Chủy) có điểm chóp lưỡi cát (mũi Tấn) cùng với gành Hổ (Hổ ky) như hai chiếc răng nanh làm hai cánh cửa cho nước trong đầm Thị Nại theo lớp lang tuôn ra biển. Theo cách nhìn về phong thủy, Quy Nhơn có thế đất tốt, đem lại phồn thịnh, ấm no.
Đình làng Chánh Thành. Ảnh tư liệu
1.
Quách Tấn ở tác phẩm Nước non Bình Định nhận định Quy Nhơn “… được xây dựng trên đất Thị Nại xưa của Chiêm Thành gồm hai phần chính: Đầm nước mặn và động Kỳ Mang, bao gồm đồn Thạch Kiên (nội thành Quy Nhơn hiện nay)”, buổi đầu có tên thôn Vĩnh Khánh, điểm này trên minh văn Thái Bình hồng chung chùa Long Khánh (1715) có nhắc đến.
Theo dòng lịch sử, vào thế kỷ XVII, do luồng lạch bị cạn dần, tàu bè không thể vào đến cảng thị Nước Mặn, trung tâm đô thị vùng ven đầm Thị Nại nhích về phía hạ lưu sông Côn, dời về Gò Bồi. Đến thế kỷ XVIII, luồng lạch tiếp tục bị bồi lấp, việc giao thương cũng cần không gian rộng lớn, thuận tiện hơn, thương cảng Thị Nại và vùng đô thị mà ngày nay chính là nội thành Quy Nhơn dần đảm nhiệm vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội. Giao thương trao đổi buôn bán tại đây ngày càng tăng, đô thị mang tên Quy Nhơn hình thành và phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XIX.
Năm 1803, đầu đời vua Gia Long, triều đình chia thôn Vĩnh Khánh làm 2 ấp: Ấp Cẩm Thượng tứ chánh khách hộ ấp và ấp Thượng Lộc tứ chánh khách hộ ấp (tiền thân của thôn Chánh Thành sau này). Cư dân sinh sống, làm ăn tập trung quanh cửa biển, ven bờ đầm từ Mũi Tấn đến Quán Chẹt (gần ngã ba Đống Đa ngày nay), kéo dài gần như song song đường Bạch Đằng và đường Trần Hưng Đạo hiện nay.
Trong tác phẩm Đồng Khánh dư địa chí ghi: “Phong tục 2 thôn Chánh Thành, Cẩm Thượng và 3 tổng Quảng Nghiệp, Nhơn Ân, Dương Minh cũng giống phong tục tổng An Nghĩa huyện Tuy Viễn… Việc cưới xin tang tế cùng các lễ tiết trong năm cũng giống như các huyện của phủ Hoài Nhơn, nhưng có phần trọng hậu hơn… Song dân tục có phần xa hoa, ngày rỗi thường bày trò vui... việc qua lại quà cáp biếu tặng nhau cũng phần nhiều phù phiếm lãng phí. Ngày xuân có nơi lập điếm đánh bài, đánh cờ người. Các trò chọi gà, đánh đu vui chơi đến 10 ngày mới tan…”. Như vậy còn có một điểm nữa đáng ghi nhận là đến đời vua Đồng Khánh, Cẩm Thượng và Chánh Thành đã lên cấp thôn.
2.
Theo hiện trạng ngày nay, lấy đường Trần Cao Vân làm mốc chia làm đôi thì phần đất phía bên chùa Long Khánh thuộc Cẩm Thượng còn nửa kia kéo dài đến Mũi Tấn thuộc Chánh Thành.
Thôn Cẩm Thượng ngày xưa gồm các phường Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo ngày nay, được tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định năm 1803 ghi nhận: Nhộn nhịp sầm uất trên bến dưới thuyền. 1.530 tầm (tương đương 3,2 km tính từ cầu Tân Hội, tục gọi cầu Đôi) đường toàn cát mịn, phía nam dọc theo núi, phía bắc có gò tục gọi là núi Miệt, dưới gò này có tháp, trước mặt tháp có miếu thờ công thần, đến chợ Cẩm Thượng, tục gọi là chợ Triều, hai bên chợ có quán xá rất trù mật, khách đi đường có thể nghỉ lại đây”.
Qua đối chiếu khảo sát thực tế, so sánh khoảng cách ở các cự ly thì chợ Cẩm Thượng thời ấy nằm ở khoảng giữa đường Ỷ Lan kéo tới đường Phan Đình Phùng hiện nay. Theo lời kể các bậc cao niên, trước đây thuyền bè từ các nơi đến giao thương đều lấy mốc cây Gòn rất lớn và cao dưới đoạn dốc đường Ỷ Lan - Đặng Trần Côn làm chuẩn để cập bến. Cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, chợ này vẫn còn họp với tên mới là chợ Bạch Đằng. Chỉ đến khi chính quyền cho san lấp một phần đầm để làm khu dân cư thì chợ mới dứt.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thôn Cẩm Thượng có sự phát triển mạnh mẽ khi người Hoa từ các thị tứ Đập Đá, Gò Bồi, Nước Mặn chuyển về đây lập nghiệp, hình thành các tuyến phố buôn bán sầm uất. Trong đó tuyến phố mà ngày nay là đường Trần Hưng Đạo nhộn nhịp hơn cả. Đây cũng là khu vực có nhiều hội quán Hoa kiều, như: Triều Châu hội quán, Quỳnh Phủ hội quán, Quảng Đông hội quán, Phúc Kiến hội quán... Những cơ sở này tồn tại đến những năm 70 của thế kỷ XX.
Thôn Chánh Thành ngày xưa gồm các phường Lê Lợi, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hải Cảng ngày nay. Năm 1837, Chánh Thành khi còn mang tên ấp Chánh Lộc từng tồn tại một khu đô thị cổ nằm dưới sự quản lý của Phố trưởng Trần Đức Hiệp, cai trưởng Ngô Văn Phóng. Các cư dân ở đây (người Việt chiếm khoảng 89%, người Hoa 11%) phần nhiều là thương nhân, khá giàu nhờ buôn bán có tổ chức, phường hội. “Trong 444 tầm (tương đương 948 m tính từ chợ Cẩm Thượng) đường toàn bằng cát mịn, hai bên phố xá liền nhau, là nơi buôn bán rất tấp nập, khách đi đường nghỉ lại rất tiện. Sau lưng phố này trông ra hướng Bắc là dọc theo đầm biển cạn (đầm Thị Nại), nước sâu và mặn, thuyền bè có thể ra vào, đến chợ Thượng Lộc tục danh chợ Giã, hai bên chợ có quán xá rất đông đúc, khách đi đường có thể nghỉ lại đây…” (Hoàng Việt nhất thống dư địa chí).
Nếu đình Cẩm Thượng còn tồn tại đến nay thì năm 1947 đáng tiếc đình làng Chánh Thành bị triệt hạ, tiêu thổ phục vụ kháng chiến.
Vị trí đình làng Chánh Thành nay là khu đất với ước lượng diện tích 50 m x 90 m thông hai đầu đường Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo ôm trọn góc chữ U của hai ngã tư Phan Bội Châu - Lê Thánh Tôn và Lê Thánh Tôn - Trần Hưng Đạo. Hướng đình quay về phía đầm Thị Nại. Vật chứng còn lại khẳng định sự tồn tại của đình làng Chánh Thành trong lịch sử là bức sắc phong thần năm Khải Định thứ 9 (1924), hiện được cất giữ tại đình Thanh Minh - ở tổ 20, KV 3, phường Trần Phú.
3.
Ngày 2.7.1932, Toàn quyền Đông Dương Pasquies ra nghị định chính thức loại bỏ các làng xã tại Quy Nhơn. TP Quy Nhơn được chia làm 5 khu… Mỗi khu có một người phụ trách và có tổ chức giống như làng bình thường trong tỉnh; tuy nhiên, chức sắc được bầu làm nhiệm vụ của lý trưởng sẽ có chức danh là trưởng khu. Hai làng Cẩm Thượng, Chánh Thành cùng với không gian làng xã chính thức lùi lại trong lịch sử, hòa quyện trong lòng thành phố theo sự phát triển tất yếu của đô thị.
HOÀNG BÌNH