Về quê khởi nghiệp “xanh”
Họ là những chàng trai có nhiều ý tưởng sáng tạo, tiếp thu được những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mong muốn đem sức trẻ về quê lập nghiệp và hướng đến mục tiêu “xanh và sạch” nhằm tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.
Trịnh Hưng Công khởi nghiệp từ trồng rau hữu cơ.
ƯỚC MƠ MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP SẠCH
“10 người khi nghe đến chuyện về quê làm nông nghiệp sạch của tôi thì cả 10 đều nói rằng sẽ sớm thất bại. Nhưng đến giờ này, tôi thấy mình đã đúng khi bước đi trên con đường này -
Con đường làm nông nghiệp sạch”. Đó là chia sẻ của anh Trịnh Hưng Công (30 tuổi, ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn), Giám đốc Công ty CP Yuuki Farm, người đã xây dựng được thương hiệu rau hữu cơ có tiếng trong tỉnh.
Năm 2016, Công đi xuất khẩu lao động theo diện tu nghiệp sinh về nông nghiệp trồng trọt ở Nhật Bản. “Xác định ra nước ngoài không chỉ lo mưu sinh, tôi chú ý tìm hiểu cách làm nông nghiệp của đất nước này. Và may mắn là được làm việc ở một nông trại chuyên sản xuất rau hữu cơ vi sinh thuộc tỉnh Kagawa. Quá trình làm việc và quan sát, tôi thấy người Nhật rất chú trọng về kỹ thuật, nhất là lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, sản phẩm làm ra luôn chuẩn về hình thức và chất lượng. Khi đã quen với công việc, tôi đăng ký học thêm lớp trung cấp ở Trường ĐH Takamatsu, ngành xử lý đất...”, Công kể. Tháng 7.2019, Công về nước. Gần 800 triệu đồng dành dụm sau thời gian lao động vất vả ở xứ người, chàng trai trẻ thuê đất, đầu tư xây dựng khu vườn trồng rau sạch khoảng 1 ha.
Đến thăm khu vườn của Công, tôi thấy được sự khác biệt với các vườn rau canh tác theo phương pháp thông thường. Tất cả quy trình trồng rau ở đây không hề có “dấu vết” của phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Tôi nhặt thử một nhánh cải cay đưa lên miệng nhai, vị cải có mùi thơm, cay nồng xộc lên mũi giống như ăn mù tạt. Công bảo: “Rau trồng theo cách hữu cơ sẽ giữ lại độ đậm, ngọt nguyên chất. Anh đã ăn rau hữu cơ rồi thì rất dễ bị “nghiện”, ăn rau trồng theo phương pháp khác sẽ không thấy ngon”.
Nguyên tắc cơ bản mà Công áp dụng trong quá trình sản xuất là “kiểm soát đầu vào và lượng dinh dưỡng”. Trong đó, khâu xử lý đất là một trong những yếu tố then chốt. Để thực hiện khâu này, Công sử dụng chế phẩm vi sinh để rút ngắn thời gian chuyển từ đất vô cơ sang đất hữu cơ. Cũng vì vậy, 6 tháng đầu mới làm, nhiều người bảo Công là ném tiền qua cửa sổ, khi trồng cây đến ngày thu hoạch thì lại cày dập hết xuống đất. Những người làm ở vườn nhiều lúc “nóng mặt” với số tiền Công bỏ ra hàng tháng, đem thắc mắc hỏi anh, đều nhận được nụ cười kiên định.
Tuy năng suất trồng rau hữu cơ thấp hơn khoảng 30% so với trồng bình thường, nhưng bù lại giá bán rau hữu cơ thương hiệu Yuuki Farm cao gấp 2 lần trở lên. Đặc biệt, do tập trung làm tốt khâu xử lý đất nên vườn của Công có thể trồng được các loại rau hay nông sản ôn đới như: Súp lơ, cà rốt, cải kale… Hiện mỗi ngày vườn cung ứng ra thị trường khoảng 70 kg rau, sắp tới sẽ tăng gấp đôi, với giá thấp nhất là 35.000 đồng/kg. Sản phẩm được bán chủ yếu tại vườn, bán qua mạng và 3 cửa hàng tại TP Quy Nhơn (599 Trần Hưng Đạo, 08 Tô Vĩnh Diện và 207 Lê Hồng Phong) và đều được kiểm định, đảm bảo an toàn. Người tiêu dùng có thể truy nguồn gốc từng sản phẩm.
Định hướng của Công trong thời gian tới là tạo ra một điểm du lịch nhà vườn, thu hút sự chú ý đối với phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ an toàn cho sức khỏe, mà còn tạo ra quang cảnh đẹp, sự thú vị khi cùng trồng trọt với nhà nông. Ngoài ra, anh đang liên kết với 19 hộ dân khác ở địa phương để chuyển giao kỹ thuật thực hiện mô hình tương tự trên diện tích 5 ha. “Một khi mô hình được nhân rộng, giá thành sản phẩm sẽ hạ xuống, bà con được nâng cao thu nhập, sản phẩm sạch cũng đến được với đông đảo người dân. Đó là mục tiêu lớn nhất mà mình mong muốn khi theo đuổi mô hình này”,Trịnh Hưng Công tâm sự.
Tỷ phú làm phôi nấm Nguyễn Xuân Truyện.
“VUA” LÀM PHÔI NẤM
Hành trình trở thành tỷ phú làm phôi nấm của chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Truyện (31 tuổi, ở thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) chỉ mất vỏn vẹn gần 10 năm.
Duyên nợ và may mắn. Đó là điều mà Truyện đúc kết khi “kết duyên” với nghề. Năm 2011, Truyện tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Yersin (Đà Lạt) rồi đến TP Hồ Chí Minh để thực hiện đam mê làm nấm. “Khi đó, gia đình tôi phản đối quyết liệt, bởi bố mẹ quá hiểu những vất vả của làm nông nên không muốn tôi theo. Nhưng trót yêu rồi! Hơn nữa, tôi may mắn được các chuyên gia đầu ngành về nấm như TS Trương Đình Nguyên, Th.S Phạm Nữ Kim Hoàng “cầm tay chỉ việc” trong thời gian đi thực tế lúc là sinh viên năm 3 ở Viện Sinh học Tây Nguyên. Vì vậy, tôi kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, bố mẹ cũng chấp nhận”, Truyện kể.
Bắt tay vào việc, từ 200 triệu đồng gia đình hỗ trợ, anh Truyện thuê 3.000 m2 đất ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) để đầu tư sản xuất phôi nấm bào ngư xám và nấm linh chi. Dù đã có kiến thức nền và dày công nghiên cứu, học hỏi nhưng do kinh nghiệm còn non cộng với quy trình sản xuất phôi chưa chuẩn nên năng suất và chất lượng phôi nấm thấp. Điều đó khiến nguồn vốn khởi nghiệp ban đầu của chàng trai trẻ thâm hụt nghiêm trọng. “Thời điểm ấy, tôi căng thẳng lắm. Nhiều lúc chỉ muốn ở dưới xưởng chứ không dám về nhà vì sợ ba mẹ la rầy. Mỗi lần khó khăn, bế tắc là mỗi lần tôi học tính kiên trì và đúc kết thêm kinh nghiệm để tạo ra một quy trình sản xuất phôi nấm chuẩn nhất. Phải mất 3 đến 4 năm “lên bờ xuống ruộng” như thế, cơ sở sản xuất phôi nấm của tôi mới đi vào ổn định”, Truyện chia sẻ.
Cơ sở sản xuất phôi nấm của anh Truyện ở xã Vĩnh Lộc A có khách hàng ở khắp các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, doanh thu bình quân đạt 8 tỷ đồng mỗi năm. Khi đã có uy tín cùng lượng khách hàng ổn định, năm 2019, anh Truyện quyết định về quê Hoài Ân mở cơ sở sản xuất phôi nấm thứ 2 trên diện tích 1.000 m2. Hiện cơ sở sản xuất phôi nấm ở thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông mỗi tháng xuất khoảng 120 nghìn - 150 nghìn phôi nấm, doanh thu bình quân đạt 6 tỷ đồng/năm. Cơ sở tạo việc làm cho 17 lao động với mức thu nhập ít nhất 5 triệu đồng/người/tháng.
Cuối tháng 11 vừa qua, Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và cung cấp phôi nấm bào ngư xám trên địa bàn tỉnh Bình Định”do anh Truyện thực hiện đã đạt giải ba Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2020. Với dự án này, Truyện kỳ vọng sản phẩm nấm sạch sẽ có giá thành rẻ để có thể đến được mâm cơm của nhiều gia đình hơn nữa.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC