Trăm nẻo đường mai...
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, một số người chơi cây cảnh ở xã Nhơn An (TX An Nhơn) đã sưu tầm, chọn lọc ra giống mai vàng nhiều cánh, dễ dàng tạo dáng, dễ nở đúng dịp Tết. Có lẽ khi đó không ai nghĩ rằng cây mai sẽ trở thành một phần quan trọng trong “nền kinh tế mai” không chỉ của An Nhơn mà còn tỏa lan khắp Bình Ðịnh.
Sắc hương mai vàng Bình Định.
TỪ “THỦ PHỦ” MAI VÀNG AN NHƠN…
Nhiều nghệ nhân trồng mai ở Bình Định cho rằng nghề trồng mai vàng của tỉnh bắt đầu từ ông Đặng Văn Lang, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (nay đã qua đời), vốn là một cán bộ về hưu. Ông là người đưa giống mai miền Nam về trồng trước nhà mình. Thấy cây mai tốt tươi, một vài người trong thôn xin giống về trồng. Sau đó, những người con của cụ Lang và một số người khác nhân rộng giống mai vàng và bán mai Tết. Từ đó, không chỉ Háo Đức, nghề trồng mai còn phát triển ra các thôn khác như Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái...
Nghề trồng mai phát triển nhanh và mạnh, bắt rễ sang nhiều xã khác ở TX An Nhơn như Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh… Giá trị kinh tế do mai mang lại vượt tầm tưởng tượng của nhiều người. Không chỉ vậy, người trồng mai còn sưu tầm, chọn lọc những giống mai mau lớn, kháng bệnh tốt, dễ phân chi, tạo dáng, cho đóa hoa to, nhiều cánh, sắc vàng tươi tắn, đặc biệt dễ nở đúng dịp Tết.
Năm 2012, nhãn hiệu mai vàng Nhơn An đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận. Hơn nữa, TX An Nhơn còn xúc tiến Đề án Phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng ở Nhơn An. Theo đó, thị xã sẽ lập vùng chuyên canh mai rộng 75 ha ở xã Nhơn An và xã Nhơn Phong, xây dựng chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch.
Nghề trồng mai giúp cuộc sống của nhiều hộ dân An Nhơn khấm khá. Lấy ví dụ ở Nhơn Hậu - một xã phát triển nghề trồng mai mới chừng 10 năm nay, nhưng giờ 7/9 thôn của xã đã trồng mai, doanh thu mùa kém cũng đạt 10 tỷ đồng/năm. Con số mà trước đây khi làm ruộng, trồng rau, chưa ai nghĩ tới.
Ông Ngô Sĩ Thái (ở thôn Nam Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu), một trong những người trồng mai sớm nhất ở Nhơn Hậu, kể: “Trước đây, mỗi dịp cận Tết, tôi đến Nhơn An làm nghề bốc dỡ mai lên xe. Thấy người ta trồng mai thu nhập cao quá, tôi lân la hỏi thăm cách trồng, cách chăm sóc rồi để ý tới lui học hỏi. Hồi đó chưa có lớp lang bài bản như bây giờ thành ra cũng khó, nhiều bận thất bại mới thành nghề. Giờ thì bà con cầm tay chỉ việc cho nhau cùng làm!”.
… ĐẾN KINH TẾ MAI Ở BÌNH ĐỊNH
Từ An Nhơn, nghề trồng mai dần phát triển đến các địa phương khác trong tỉnh như Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn…
20 năm trước, sau một lần theo bạn bè đến An Nhơn mua mai chưng Tết, ông Nguyễn Đức Hậu (thôn Vân Tường, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) quyết định học nghề trồng mai. Ông Hậu tâm tình: “Nhờ nghề trồng mai mà kinh tế gia đình tôi vững vàng, nhà cửa khang trang! Trước đây, người trồng mai chủ yếu trồng cây dáng trực để bán xô, nhưng giờ thì kiểu mai bonsai, cây già tuổi, dáng thế bài bản được chuộng hơn. Mình bắt nhịp sớm mấy năm nên cũng đỡ!”.
An Nhơn là thủ phủ mai vàng nhưng ngôi vị “vua mai” lại thuộc về ông Lương Văn Trực ở thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát. Gần 30 năm trước, ông Trực tìm đến làng mai Nhơn An để “tầm sư học đạo”. Với khu vườn rộng rãi ven sông Chùa, chẳng những đã màu mỡ mà còn khá cao ráo, lại nhờ rặng tre quanh nhà chắn gió đông, giữ mát mẻ vào mùa hè, có thể nói ông Trực sớm có “địa lợi”. Khi đến Nhơn An học nghề cũng là lúc nghề trồng mai bước vào cao trào nên coi như ông Hậu gặp “thiên thời”. Ông lại được anh em, bạn bè nhiệt tình hợp tác, vợ con cũng đắm đuối với cây mai, có thể nói ông có cả “nhân hòa”. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, ông Trực mở rộng khu vườn của gia đình, đồng thời tập trung chế tác mai bonsai. Tuyệt kỹ của ông Trực được giới làm mai thừa nhận là bí quyết khiển cho cây mai có bộ đế to, dáng thế uyển chuyển, mềm mại đẹp mắt với thời gian ngắn hơn mọi người nhiều lần. Ông Trực cho biết: “Anh em thương quý họ nói thế thôi chứ tôi chỉ là một anh nông dân trồng mai, chăm sao đến Tết có nhiều cây trúng bông để bán được giá. Muốn cây mai mau lớn, sạch bệnh, nở hoa đúng Tết, mọi công đoạn chăm sóc phải thật tỷ mẩn, bạn bè tôi hay ví von - mình thương nó để nó thương mình!”.
Không những trồng mai để bán, nhiều nghệ nhân đã chọn hướng đi khác là cho thuê mai. Họ tập trung đầu tư vốn săn lùng những cội mai nhiều tuổi về chăm sóc, tạo dáng thế độc lạ kiểu bonsai để cho thuê chưng Tết.
Cũng bắt đầu từ trồng mai bán xô, qua nhiều đợt Tết chở mai ra Đà Nẵng bán, nhận thấy nhu cầu thuê mai bonsai ở đây, anh Trần Cư (thôn An Cửu, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) quyết định chuyển hướng, đầu tư trồng mai để cho thuê. Theo anh Cư, so với việc chở mai đi bán, cho thuê mai đỡ vất vả, thu nhập ổn hơn.
Đi theo hướng riêng, nghệ nhân Nguyễn Trí Tuấn (vườn mai Tuấn Ngọc - thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, TX An Nhơn) là người phát triển mai bonsai thuộc hàng sớm nhất tỉnh. Ông cũng là người chọn lọc thành công giống mai giờ đây được nhiều người gọi tên là “mai Tuấn Ngọc”. Sau một thời gian dài bán ồ ạt mai bonsai thương phẩm, gần đây ông chủ yếu bán lẻ qua website từng tác phẩm một. Hơn nữa, với khả năng sáng tạo độc đáo đậm dấu ấn cá nhân, mai Tuấn Ngọc được nhiều người ưa chuộng.
* * *
Mùa xuân, những chuyến xe chất đầy mai đang he hé nụ xuân thì lại ngược xuôi khắp chốn, chở mùa xuân đi gieo vui trên muôn nẻo đường quê.
Bài, ảnh: T.KHUY - N.NHUẬN