Những bóng hồng say mê nghiên cứu khoa học
Bằng sự đam mê và tận tụy với công việc, các nhà khoa học nữ đã có nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu hiệu quả, mang đến luồng gió mới cho hoạt động nghiên cứu khoa học của tỉnh.
Thách thức bản thân và dám chấp nhận thất bại
Người mới làm nghiên cứu khoa học nên chọn khởi đầu khó để thách thức bản thân, qua đó tự đánh giá năng lực và học hỏi nhiều hơn”, dược sĩ CKI Nguyễn Thị Hải Lý (SN 1988), Tổ trưởng Tổ nghiên cứu mới thuộc Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR), bộc trực mở đầu cuộc trò chuyện như vậy.
Dược sĩ Hải Lý có dáng người nhỏ nhắn, nhưng nhanh nhẹn và cá tính. Tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội và CKI ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, chị làm việc cho BIDIPHAR từ năm 2011. Gần 10 năm công tác, chị đã thực hiện 10 công trình nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, bổ sung vào danh mục các sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao được sản xuất tại địa phương. Tổng Giám đốc BIDIPHAR Phạm Thị Thanh Hương cho biết: “Dược sĩ Hải Lý hiện là người trực tiếp thực hiện các công trình nghiên cứu mới và khó của Công ty”.
Viên nén sủi bọt chứa canxi khối lượng lớn (Bonevit) hay viên nén chứa Diltiazem 6 mg điều trị tăng huyết áp là những sản phẩm tâm huyết của dược sĩ Lý và hiện được bán rộng rãi ở trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm nghiên cứu của chị có giá rẻ hơn các thuốc cùng loại trên thị trường, nhờ đó giúp người bệnh cắt giảm chi phí điều trị.
Dược sĩ Lý được nhận bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2016, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2017 và nhiều danh hiệu khác. Khi được hỏi về bí quyết thành công, chị Lý nhẹ cười: “Có bí quyết gì đâu, với tôi, nếu đã chọn công việc nghiên cứu thì phải học cách kiên trì, nhẫn nại và chấp nhận thất bại. Thất bại ở đâu, mình đứng lên ở đó, có thế mới thành công”.
Toàn tâm toàn ý với khoa học
Từ năm 2014 đến nay, TS Lê Thị Kim Nga (SN 1978), Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN, Trường ĐH Quy Nhơn, đã thực hiện 7 đề tài nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới nhất như: Trí tuệ nhân tạo, IoT, thị giác máy, thực tế ảo... vào các lĩnh vực y học, y sinh học, nông nghiệp, bảo tàng và du lịch. Mới đây, nghiên cứu hệ thống nhận diện khuôn mặt tích hợp mà chị tham gia cùng các cộng sự của Viện lần đầu tiên được ứng dụng vào “ATM gạo” giúp người dân TP Quy Nhơn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm phát hiện người nhận gạo nhiều lần trong ngày. Chị cũng đang triển khai đề tài xây dựng bảo tàng ảo tại Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn.
Với TS Nga, làm khoa học là ước mơ, là đam mê, nhưng để thành công, bấy nhiêu chưa đủ. “Người làm khoa học phải toàn tâm toàn ý, chịu khó trau dồi kiến thức, đặc biệt phải giữ tâm sáng”, chị đúc kết. Trong vai trò “cánh chim đầu đàn” của Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN, TS Nga đang nỗ lực kết nối để đưa các sản phẩm nghiên cứu đến gần với đời sống.
Nhờ những nỗ lực và cống hiến, TS Nga đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2018, giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2017, Trí thức tiêu biểu về KH&CN cấp tỉnh năm 2018, bằng khen của Bộ GD&ĐT năm 2017,... và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Nỗ lực và đam mê, thành công sẽ đến
Tốt nghiệp thạc sĩ Hóa lý thuyết và Hóa lý ở TP Hồ Chí Minh, Th.S Lê Thị Bích Thuận (SN 1982) “đầu quân” cho Trung tâm Phân tích và đo lường chất lượng Bình Định (Sở KH&CN) vì mê công việc kiểm nghiệm. Công việc mỗi ngày của chị gắn liền với bình, chai, lọ, cốc, ống nghiệm... Chị Thuận tâm sự: “Công việc nhiều, giờ giấc thất thường, vì vậy để cân bằng việc cơ quan và việc nhà không phải dễ, nếu không thực sự nỗ lực và đam mê. Nuôi dưỡng được niềm đam mê, thành công nhất định sẽ đến. Phụ nữ làm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn hơn nam giới. Nếu không thật sự đam mê và nghị lực, rất khó có được thành công”.
Hiện giữ cương vị Phụ trách Phòng Hóa sinh, Trung tâm Phân tích và đo lường chất lượng, nhưng Th.S Lê Thị Bích Thuận vẫn cân đối thời gian giữa công tác quản lý, kiểm nghiệm và nghiên cứu khoa học. Theo chị Thuận, nghề kiểm nghiệm viên đòi hỏi tính kiên nhẫn, cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực và phải đảm bảo chất lượng kết quả đầu ra của sản phẩm. Do vậy, người làm nghề này phải thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn.
Thời gian qua, chị Thuận cùng đồng nghiệp trong phòng nỗ lực xây dựng nhiều quy trình kỹ thuật mới, trong đó phải kể đến hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn mực quốc tế ISO/IEC-17025 và cập nhật phiên bản hệ thống tài liệu ISO 17025: 2017.
Nhiều nghiên cứu của chị Thuận cũng được áp dụng vào thực tế tại Trung tâm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Trung tâm trong lĩnh vực kiểm nghiệm. Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết, một trong những đề tài có ý nghĩa của Th.S Thuận là xác định hàm lượng độc tố Ochratoxin A trong thực phẩm bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao. Trước khi nghiên cứu này được áp dụng, Trung tâm phải gởi mẫu vào TP Hồ Chí Minh để thực hiện chỉ tiêu Ochratoxin A. Nghiên cứu không những góp phần nâng cao độ chính xác của kết quả thử nghiệm, mà còn giúp tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho khách hàng.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ