Xuân đầu tiên ở làng mới An Dũng
Khu dân cư đông vui, nhà cửa khang trang, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ... là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Khu tái định cư An Dũng (huyện An Lão) vào dịp cuối năm. Và mùa xuân đầu tiên đã về ở nơi bắt đầu cuộc sống mới của người dân An Dũng...
Vùng đất mới của người dân An Dũng.
1.
Trong các xã miền núi của tỉnh bây giờ, khó tìm ra nơi nào có cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ như xã An Dũng (huyện An Lão). Theo Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Lớ, để phục vụ thi công hồ chứa nước Đồng Mít, đến nay đã có 477 hộ với 1.763 nhân khẩu dời từ làng cũ đến nơi tái định cư. Tại nơi ở mới, bên cạnh khu hành chính, cơ sở hạ tầng điện đường trường trạm, nhà văn hóa 4 thôn... đã hoàn thiện, khang trang hiện đại, nhà dân cũng mọc lên ngày càng nhiều.
“An cư” để “lạc nghiệp”
“Ðến nay, có thể nói bà con An Dũng đã ổn định cuộc sống mới ở nơi tái định cư. Nhà cửa đàng hoàng, cơ sở vật chất đầy đủ; điện, nước sinh hoạt đảm bảo; từng bước xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Vấn đề lớn nhất bây giờ là quy hoạch, bố trí đất sản xuất cho bà con. Chúng tôi đang tiến hành giao đất đợt 2, nỗ lực hết mức để bà con sau “an cư” là phải được “lạc nghiệp”!”.
Chủ tịch UBND huyện An Lão TRƯƠNG TỨ
Bế cháu đi dạo trên con đường bê tông phẳng lì, ông Đinh Văn Bích (60 tuổi) không giấu được xúc động khi có người hỏi thăm về cuộc sống nơi ở mới. “Giờ, đi họp không còn phải qua sông qua suối. Làng này qua làng kia cũng chỉ cách mấy bước chân. Nhưng, chẳng gì bằng trạm y tế gần nhà, bệnh viện cũng không xa, khỏi sợ đêm hôm đau ốm”, ông chia sẻ.
2.
Khu tái định cư của xã An Dũng bây giờ cũng phổ biến mô hình bên cạnh nhà sàn truyền thống là ngôi nhà mới xây bề thế theo hướng hiện đại. Chuyển xuống khu tái định cư cũng khá lâu, nhưng chị Đinh Thị Nhựa (ở thôn 2) làm nhà sàn trước để có chỗ trú tạm. Sau đó, chị mới tính toán, đầu tư cho căn nhà xây kiên cố. Hôm chúng tôi đến thăm, tốp thợ bắt đầu những công đoạn cuối như lát gạch, tô tường...
“Nhà ở làng cũ chỉ 65 m2, nhà mới này đến 98 m2, tính hết chi phí chắc cũng tầm 300 triệu đồng. Bắt đầu xây từ tháng 7, mà thiếu thợ nên kéo dài đến nay, hy vọng mẹ con tôi được đón Tết trong nhà mới. Nhà ở gần nhà san sát nhau, chắc Tết này bà con mình đầm ấm hơn”, chị vui vẻ nói. Nụ cười giòn tan, ánh mắt lấp láy của người phụ nữ Hrê như mùa xuân đã đến trong nắng tươi rạng rỡ.
Cách đó không xa, cũng là người thôn 2, anh Đinh Văn Niên đang tất bật với công việc tại xưởng mộc nhỏ. Dời đến nơi tái định cư từ tháng 3, cuộc sống mới đã dần ổn định. Rời nhà cũ, anh không quên mang theo cả vườn lan, chỉ mong Tết này hoa sẽ nở ở vùng đất mới.
Lâu nay, đời sống của người dân An Dũng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào rừng núi. Rau sạch trên núi, con ốc dưới suối phục vụ cho bữa ăn hằng ngày cũng như bữa tiệc ngày Tết. Ông Đinh Văn Bích tâm sự rằng, việc đón cái Tết đúng nghĩa vẫn cố gắng duy trì nhưng chắc chắn sẽ khác trước. Bởi, lúa nếp làm rượu cần phải đi mua, chiếc lá dong gói bánh cũng đi mua. Cúng bến nước, cúng mừng lúa mới chắc sẽ không còn.
“Bù lại, Tết năm nay bà con tập trung hết ở nhà văn hóa cộng đồng mới xây. Mấy bộ cồng chiêng mới được tặng sẽ làm cho không khí thêm phấn khởi, vui tươi”, ông Bích nói thêm.
Giờ chơi của cô trò Trường Mẫu giáo An Dũng.
3.
Ngay trước trụ sở UBND xã là Trường Mẫu giáo An Dũng, ngày ngày vang lên những giọng nói cười tươi vui, hồn nhiên. Ở lớp chồi, 2 cô giáo Nguyễn Thị Bích Liền và Nguyễn Thị Bích Chi đang cho 22 đứa trẻ tập hát múa. Cô Liền mới nhận công tác được 1 tháng, còn cô Chi đã có 10 năm gắn bó với những đứa trẻ Hrê. Và, chẳng lạ lẫm gì với cái vất vả, gian nan. “Trong mơ cũng không dám nghĩ đến cơ sở trường lớp như hiện nay, phòng học sạch sẽ thoáng mát, có cả khu vui chơi. Các cháu đều được bố trí học bán trú, ăn uống đàng hoàng nên tăng cân rõ rệt”, cô Chi xúc động kể.
Mấy năm gần đây, cứ gần Tết âm lịch, tôi lại có dịp tháp tùng lãnh đạo tỉnh đến thăm, tặng quà người dân An Dũng. Sau những lời chia sẻ, động viên, hứa hẹn, vẫn còn đó những nét mặt lo lắng. Thế rồi, theo thời gian, thực tế cuộc sống nơi tái định cư chính là câu trả lời thuyết phục nhất cho những thắc mắc, e ngại.
Chiều xuống, nắng dần tắt sau những mái ngói đỏ tươi. Những đứa trẻ hồn nhiên chạy trên sườn dốc, vô tư vui đùa cùng mấy con chó nhỏ. Một khung cảnh thanh bình như bất cứ làng quê nào, chừng như chưa từng có một cuộc “di cư lịch sử” để phục vụ thi công hồ Đồng Mít...
Bài, ảnh: HOÀI NHÂN