Cứu sống bệnh nhân nguy kịch qua telehealth
Trong vài tháng gần đây, nhiều bệnh nhân nguy kịch tại BVÐK tỉnh được cứu sống nhờ hội chẩn trực tuyến telehealth kết nối với các bệnh viện tuyến trên.
Ca bệnh được cứu sống ngoạn mục
Trong nhiều ca bệnh được cứu sống kịp thời nhờ telehealth, ngoạn mục nhất là trường hợp bệnh nhân Nguyễn S. (SN 1953, ở TP Quy Nhơn), với hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) thông qua hệ thống hội chẩn trực tuyến telehealth.
Cuối tháng 11.2020, ông S. nhập viện cấp cứu tại khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK tỉnh trong tình trạng viêm phổi phải - suy hô hấp, hôn mê chưa rõ nguyên nhân trên tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu. Chỉ sau 2 ngày nhập viện, bệnh chuyển biến nặng, bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy, ngừng tim có hồi phục, tụt huyết áp phải dùng Adrenalin và Noradrenalin, dùng kháng sinh Tienam, Levofloxacin. Vài ngày sau, bệnh nhân tiếp tục rơi vào hôn mê, co giật toàn thân, suy hô hấp tiến triển nhanh, suy thận cấp, vô niệu, tăng kali máu. Kết quả cấy đàm cho thấy bệnh nhân có vi khuẩn Acinetobacter Baumani, đa kháng kháng sinh, phải dùng Colistin.
Bệnh nhân Nguyễn S. đã hồi phục sau điều trị. Ảnh: BVĐK tỉnh cung cấp.
Trước tình hình đó, Th.S, bác sĩ CKII Nguyễn Phan Anh Ngọc, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, đã báo cáo tình trạng bệnh nhân và đề nghị lãnh đạo BVĐK tỉnh mời hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Chợ Rẫy để yêu cầu hỗ trợ lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Cầu hội chẩn nhanh chóng được thiết lập lúc 9 giờ cùng ngày, với hỗ trợ từ bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - người trực tiếp điều trị thành công bệnh nhân người Anh nhiễm Covid-19 thứ 91, và các cộng sự. Đến 17 giờ cùng ngày, đoàn chuyên gia hỗ trợ gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên lọc máu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK tỉnh để tiến hành lọc máu liên tục kéo dài 48 giờ cho bệnh nhân; màng lọc và dịch lọc được chuyển gấp từ TP Đà Nẵng vào Bình Định.
Kết quả sau lọc máu, tình trạng bệnh nhân tốt lên nhiều, huyết áp ổn định, ngưng dùng Noradrenalin, hết tăng kali máu. Tình trạng suy hô hấp cũng giảm nhiều, bệnh nhân Nguyễn S. được vận chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán viêm phổi do Acinetobacter, đa kháng kháng sinh, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), suy thận cấp tăng kali máu. Sau gần một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh, đi lại bình thường.
“Trước đây, những trường hợp như bệnh nhân Nguyễn S. chúng tôi đều chủ động chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, bệnh nhân quá nặng, nguy cơ tử vong cao, không thể chuyển viện, buộc phải tiến hành lọc máu liên tục ngay tại chỗ. Từ năm 2021, chúng tôi được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật lọc máu liên tục để triển khai một cách bài bản hơn”, bác sĩ Nguyễn Phan Anh Ngọc cho biết.
Lợi cho bệnh nhân, tốt cho bác sĩ
Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Thành Nam Bình cho hay, BVĐK tỉnh là bệnh viện tuyến dưới, một trong 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa được Bộ Y tế khánh thành ngày 25.9.2020 và tham gia đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025. Từ khi tham gia đề án, BVĐK tỉnh đã thực hiện có hiệu quả việc hội chẩn từ xa với 7 bệnh viện tuyến trên ở TP Hồ Chí Minh gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Thống Nhất.
“Nhờ hiệu quả mang lại từ đề án khám, chữa bệnh từ xa với ứng dụng của hệ thống telehealth, nhiều ca bệnh nguy kịch tại bệnh viện đã được cứu sống kịp thời. Hội chẩn trực tuyến giúp người dân tiếp cận với thành tựu y tế hiện đại, chất lượng cao từ bất cứ nơi đâu”, bác sĩ Bình nói.
Tất cả các trường hợp mà bệnh viện đưa ra hội chẩn từ xa đều là các ca bệnh nặng, phức tạp, khó khăn trong chẩn đoán, điều trị; bệnh nhân được cứu sống nhờ các chuyên gia cùng các bác sĩ BVĐK tỉnh hội chẩn, đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời. Qua hội chẩn, các y bác sĩ của BVĐK tỉnh còn được bệnh viện tuyến trên hỗ trợ đào tạo, cập nhật kiến thức.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), chia sẻ: Mỗi buổi hội chẩn từ xa không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà thông qua các cuộc trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
MAI HOÀNG