Ðại học Quy Nhơn đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Xem hợp tác quốc tế là một trong những hướng đi mũi nhọn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ÐH Quy Nhơn đã có nhiều hoạt động, chương trình liên kết với nhiều trường, học viện, tổ chức giáo dục trên thế giới.
Hướng đi mũi nhọn
Có thể xem dự án SI (South Initiatives) của tổ chức VLIR-UOS tài trợ theo ký kết giữa Trường ĐH Quy Nhơn và ĐH KU Leuven (Vương quốc Bỉ) do GS.TS Nguyễn Minh Thọ (quê ở Quảng Nam, làm việc tại Trường ĐH KU Leuven) điều phối vào năm 2014 là tiền đề quan trọng cho hợp tác quốc tế của khoa Hóa nói riêng và Trường ĐH Quy Nhơn nói chung.
Theo đó, dự án hỗ trợ khoa Hóa xây dựng chương trình thạc sĩ tiên tiến đạt chuẩn châu Âu chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa lý, hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng thí nghiệm Hóa học tính toán và mô phỏng. Trong khuôn khổ dự án này, nhiều giáo sư Trường ĐH KU Leuven đã sang giảng dạy cho các lớp cao học tại Trường ĐH Quy Nhơn. Kể từ đó, tổ chức VLIR-UOS tiếp tục hỗ trợ thực hiện các dự án, như: Cải thiện chương trình đào tạo và nghiên cứu trong chương trình thạc sĩ vật lý chất rắn tại Trường ĐH Quy Nhơn; tăng cường năng lực của Trường ĐH Quy Nhơn - Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề địa phương bằng cách xây dựng một chương trình đào tạo tiến sĩ.
Đại diện Trường ĐH Quy Nhơn làm việc với đoàn công tác của bang Saxony Anhalt, CHLB Đức.
Bên cạnh hợp tác với Trường ĐH KU Leuven, Trường ĐH Quy Nhơn còn thỏa thuận, hợp tác song phương trong đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên… với nhiều trường đại học danh tiếng khác như: ĐH Evora (Bồ Đào Nha), ĐH Camerino (Italia), ĐH Ryukoku (Nhật Bản) hay ĐH Sookmyung Women (Hàn Quốc).
Mới đây, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Trường ĐH Quy Nhơn và Học viện Lithan (Singapore) cũng đã hoàn tất ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo chuyên ngành kỹ sư phần mềm và chuyên ngành kinh doanh kỹ thuật số. Theo đó, chương trình học do Học viện Lithan phụ trách, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn học theo hình thức trực tuyến với các giảng viên của Học viện Lithan. Ở một số môn, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn đứng lớp hỗ trợ thêm cho sinh viên bên cạnh bài giảng của giảng viên Học viện Lithan. Điểm nhấn của chương trình ký kết là sinh viên vừa học vừa làm và được trả lương; sinh viên sẽ được làm việc tại các công ty, DN trong và ngoài nước, là đối tác của Học viện Lithan. Sau khi hoàn thành khóa học, ngoài bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Quy Nhơn, Học viện Lithan sẽ cấp chứng chỉ cho sinh viên.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Chương trình hợp tác là bước đi phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường, trong đó chú trọng đến hợp tác quốc tế và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao với khả năng làm việc linh động mọi lúc mọi nơi đáp ứng xu thế làm việc của tương lai”.
Từng bước khẳng định vị thế
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, từ việc nhà trường tìm đến các đối tác thì giờ đây, các đối tác trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến trường để hợp tác. Cách đây không lâu, trong khi lựa chọn danh sách 20 trường đại học tiêu biểu tại Việt Nam trên tổng số 130 trường, phía đối tác Nhật Bản đã đề nghị Trường ĐH Quy Nhơn là 1 trong 2 trường phải có tên trong danh sách để các tổ chức Nhật Bản mở rộng mối quan hệ giữa các trường đại học tại Việt Nam. Để đạt được những kết quả này, từ nhiều năm qua, cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn trường được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Nhận xét về cách làm việc, thái độ hợp tác của Trường ĐH Quy Nhơn trong việc đi đến ký kết hợp tác quốc tế, ông Hoàng Anh Tứ, Giám đốc Quốc gia - Việt Nam, Học viện Lithan, cho biết: “Chúng tôi rất hài lòng và đặc biệt cảm ơn Trường ĐH Quy Nhơn về sự nhiệt tình, sâu sát cũng như tính chuyên nghiệp của họ trong việc thực hiện dự án với Học viện Lithan”.
Đặc biệt, trong giai đoạn mới, nhà trường còn chú trọng gắn hợp tác quốc tế với đồng hành cùng các địa phương trong khu vực để hướng đến sự phát triển chung. Trong đó, mở rộng hợp tác quốc tế hướng đến việc giải quyết những “bài toán” khó của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên thông qua nghiên cứu khoa học với những dự án thiết thực, mang lại nhiều lợi ích. Qua đó, nhà trường đã được đưa vào hồ sơ làm việc để trở thành đối tác trong dự án IUC 10 năm do Chính phủ Bỉ tài trợ, với mức 600 nghìn euro/năm.
Chia sẻ về các dự án này, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Quy Nhơn, nhận định: “Đây là các dự án trọng tâm của Trường ĐH Quy Nhơn hướng đến sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn trong xu thế quốc tế hóa và tự chủ đại học.”
T.KHUY - T.HUỲNH