Lãng đãng võ nhân Bình Định
Sau 10 năm lăn lộn ở Bình Ðịnh, quen biết với nhiều võ sư, võ sinh, ruổi rong qua nhiều lò võ, làng võ, tôi nghiệm ra rằng, vượt lên trên chuyện môn phái, chiêu thức, quyền cước, đến một cảnh giới nào đó, nhiều võ nhân sống bình dị, chất phác và đầy tình cảm.
Võ sư Lê Xuân Cảnh truyền dạy bài đánh roi cho các học trò. Ảnh: TÔ HỒNG PHƯƠNG
CÁCH LUYỆN VÕ “SÂU RỄ, BỀN GỐC”
Nhiều người luyện võ thuật yêu thích những đường roi tuyệt kỹ của họ Hồ ở làng Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn), còn tôi lại có ấn tượng đặc biệt về quan điểm gìn giữ truyền thừa của dòng họ này. Theo võ sư Hồ Sừng (83 tuổi), dòng họ Hồ xem võ là tổ nghiệp của gia đình, không thể để mai một nhưng cũng luôn động viên con cháu cố gắng học văn hóa. “Cái vốn văn hóa càng dày thì cái chất võ biền càng giảm. Đó mới là cách luyện võ sâu rễ, bền gốc”, võ sư Hồ Sừng nói. Người họ Hồ ở Thuận Truyền đều kín tiếng, điềm tĩnh, không thích nhắc nhiều đến chuyện động thủ mà hay nhắc đến chuyện luyện tập, đạo lý, tương thân tương ái, có lẽ cũng bắt đầu từ quan niệm này đây.
Uy tín roi Thuận Truyền gắn với tên tuổi cố võ sư huyền thoại Hồ Ngạnh (1891 - 1976), người sáng tạo tuyệt kỹ roi “đánh nghịch”, ngược với cách đánh thuận thông thường. Khoảng 100 năm qua, trải qua 5 - 6 thế hệ, họ Hồ vẫn vững vàng trong nhóm các gia tộc nhất lưu võ thuật ở Bình Định. Võ sư Hồ Sừng (cháu nội của cố võ sư Hồ Ngạnh) có 7 người con đều theo nghiệp võ. Trong đó, võ sư Hồ Bé đang dạy võ tại võ đường của gia tộc, võ sư Hồ Sỹ công tác tại Bảo tàng Quang Trung và đang giữ chức Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tây Sơn, các võ sư Hồ Dư, Hồ Sửu, Hồ Hiệp đang dạy võ tại nhà... Thế hệ thứ 5 của họ Hồ cũng là những gương mặt nổi tiếng trong giới võ thuật tỉnh Bình Định như: Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Đức Thiệt (con của võ sư Hồ Cương), Hồ Thị Thảo (con của võ sư Hồ Bé), Hồ Đức Hạnh (con của võ sư Hồ Hiệp)...
Ở Bình Định có 185 võ đường, CLB với trên 12.000 võ sinh tập luyện thường xuyên. Dù là võ đường đã duy trì được vài trăm năm hay mới xuất hiện 1 - 2 thế hệ thì nét chung là đều được dẫn dắt bởi những người tâm huyết, bền bỉ, bất kể đó là chi trên hay chi dưới, nội tộc hay ngoại truyền.
Có lần tôi tìm đến nhà để viết bài về võ sư Lý Xuân Hỷ (ở phường Đập Đá, TX An Nhơn), trò chuyện được một đỗi thì ông quên mất trước mặt mình là phóng viên mà nghĩ rằng võ sinh ở đâu đến xin chỉ điểm nên kéo ra sân rồi tự mình biểu diễn để minh họa, giảng giải về chiêu thức. Ông say mê giảng giải, còn tôi vừa nghe vừa lấy máy chụp hình lia lịa. Khi vào nhà xem lại ảnh, võ sư mới sực hay tôi không biết gì về võ cả.
Võ sư Lý Xuân Hỷ. Ảnh: H.TRỌNG
Giữa lúc tôi đang lo sẽ bị võ sư giận vì tâm huyết cả buổi trò chuyện bị “trút lên đầu vịt” thì ông lại cười nhẹ nhàng rồi nói: “Muốn biết võ thì lên nhà bác ở lại ít nhất 6 tháng để luyện căn bản, bác có gì ăn nấy. Sau 6 tháng thì lên ở lại thứ Bảy và Chủ nhật để luyện tập”. Những năm gần đây, vì tuổi đã cao nên ông không trực tiếp dạy võ mà giao hẳn cho người con trai trưởng là võ sư Lý Xuân Vân, còn bản thân mình thì tìm vui ở thú luyện gà, bốc thuốc trị bệnh.
Võ sư Lê Xuân Cảnh (ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) là người sống hiền lành, mực thước nhưng cũng chịu tiếng là “đa mang”. Ngoài việc duy trì võ đường của mình, ông còn đảm trách CLB Võ thuật phường Nhơn Hưng, dạy võ dưỡng sinh cho người cao tuổi, khởi xướng và đào tạo đội võ sinh để thi đấu cờ người võ thuật, luyện tập đội lân - sư - rồng để đi biểu diễn... Có lần tôi dẫn nhóm bạn ở Đà Nẵng đến thăm võ sư Lê Xuân Cảnh, biết khách yêu thích võ thuật nên ông dẫn ra sân dạy cho vài đường rồi khuyên: “Con đường truy cầu võ đạo không bao giờ muộn. Luyện tập càng sớm thì càng dễ có thành tựu nhưng lớn tuổi rồi mới luyện cũng có chỗ diệu dụng riêng, tốt cho sức khỏe là một cái được không nhỏ”.
TINH HOA HỘI TỤ
Nhắc đến những nhân vật đỉnh phong trong giới võ thuật đương thời ở Bình Định phải kể đến võ sư Phi Long (tên thật là Trần Quốc Long), nhà vô địch võ thuật Đông Dương năm 1968, được mệnh danh là “độc cô cầu bại” của võ thuật Việt Nam trước năm 1975. Năm 1999, võ sư Phi Long quy ẩn, dựng nhà bên này đèo An Khê nghiên cứu võ thuật, chăm sóc cây cảnh và... trồng rừng.
Đầu năm 2018, giới võ thuật khá bất ngờ khi hay tin võ sư Phi Long dù đã 74 tuổi, sau nhiều năm “vắng bóng giang hồ” bỗng dưng viết đơn thách đấu võ sư Nam Anh (năm đó 71 tuổi), Chưởng môn phái Vịnh Xuân Nam Anh. Nếu được đồng ý, trận đấu này sẽ diễn ra ở Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 7 tại Bình Định vào năm 2019. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trận đấu đã không diễn ra như nhiều người mong đợi.
Giữa năm 2018, ngay tại Quy Nhơn, thủ phủ của đất Võ, các võ sư đồng môn Lê Thanh huynh đệ (các võ sĩ thuộc võ đường Lê Đại Hoan ở Sài Gòn trước năm 1975) tổ chức buổi hội ngộ với võ sư Lê Thanh Tùng. Võ sư Lê Thanh Tùng là ngôi sao sáng của võ thuật Việt Nam vào thập niên 70 của thế kỷ trước, thường xuyên đánh bại đối phương bằng đòn chân trong 1 đến 2 hiệp nên còn được mệnh danh là “thần cước”... Năm 1978, ông sang Mỹ định cư cho đến khi về hưu mới trở lại Việt Nam, ẩn cư tại một làng ven biển TX Sông Cầu (Phú Yên).
Võ sư Phi Long, người được mệnh danh “độc cô cầu bại” của võ thuật Việt Nam trước năm 1975. Ảnh: H.TRỌNG
Nhiều lần trò chuyện với tôi, võ sư Lê Thanh Tùng hay nhắc đến những kỷ niệm đẹp về “Đất Võ” Bình Định, đặc biệt là những trận thượng đài tại SVĐ Quy Nhơn vào năm 1972. Có lần, võ sư Lê Thanh Tùng nói: “Trở lại mảnh đất Võ Bình Định, tôi cảm tưởng như mình được sinh ra tại đây chứ không phải ở Sài Gòn. Từ khi sang Mỹ lập nghiệp, tôi luôn luôn hướng về quê hương đất nước. Tôi tưởng như mình chưa bao giờ rời xa đất Bình Định, nơi địa linh nhân kiệt này”.
Cũng vì những ấn tượng tốt đẹp và những kỳ vọng về võ thuật với người Bình Định nên từ năm 2018 đến nay, võ sư Lê Thanh Tùng nhiều lần giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật thượng đài, luyện tập võ đối kháng... với võ sư, võ sinh ở vùng đất này. Không những vậy, ông còn hỗ trợ 1 thành viên trong nhóm Lê Thanh huynh đệ thành lập CLB Việt Võ Tự Do tại TX An Nhơn để đào tạo, huấn luyện võ tự do, võ cổ truyền, boxing... Dịp hội ngộ 48 năm đồng môn Lê Thanh huynh đệ (diễn ra trong 2 ngày 23 - 24.1.2021), võ sư Lê Thanh Tùng cũng chọn tổ chức tại Nhà thi đấu ở SVĐ Quy Nhơn.
Hàng chục năm qua, võ sư Olivier Barbey (người Thụy Sĩ), Chưởng môn phái Sơn Long Quyền Thuật, cũng thường đưa gia đình và các đệ tử của mình từ khắp nơi trên thế giới về Bình Định để giao lưu, học hỏi võ thuật. Võ sư Olivier Barbey là học trò của võ sư Nguyễn Đức Mộc (1913 - 2009, nguyên quán Bắc Ninh), người sáng lập môn phái Sơn Long Quyền Thuật tại Pháp. Sơn Long Quyền Thuật hiện được truyền dạy tại nhiều nước ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... với hàng chục nghìn võ sinh, võ sư. Trước khi mất vào tháng 5.2009, võ sư Nguyễn Đức Mộc chuyển giao lại trách nhiệm điều hành môn phái cho võ sư Olivier Barbey với lời dặn dò phải tập hợp, đoàn kết anh em trong môn phái và có di nguyện đưa môn phái trở về với cội nguồn ở Việt Nam. Thực hiện di nguyện của sư phụ, từ năm 2017 đến nay, võ sư Olivier Barbey đưa vợ và 2 con trai về Hà Nội thuê nhà để sinh sống, mở lò dạy võ miễn phí tại Bích Câu đạo quán (phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo võ sư Olivier Barbey, năm 1998, võ sư Nguyễn Đức Mộc dẫn ông và một số võ sinh đến ở lại Bình Định 2 tháng để học những bài võ Tây Sơn, các bài binh khí tiêu biểu... Nhờ sự giảng dạy nhiệt tình của các võ sư ở Bình Định nên võ sư, võ sinh của Sơn Long Quyền Thuật đạt được nhiều tiến bộ. Từ đó đến nay, Sơn Long Quyền Thuật luôn giữ mối liên kết chân tình với võ cổ truyền Bình Định, với võ đường chùa Long Phước và đặc biệt là gia đình võ sư Nguyễn Văn Cảnh (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định). Hằng năm, các võ sư Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định được Sơn Long Quyền Thuật mời sang các nước châu Âu, châu Phi vài tháng để dạy võ.
Những võ sư, võ sinh sống gần gũi, nhiệt tình và đầy tinh thần thượng võ đã đưa võ cổ truyền Bình Định theo chân nhiều người đi năm châu, bốn bể và rồi cũng từ tấm chân tình của họ mà tinh hoa võ thuật khắp nơi lại hội tụ ở vùng đất này. Trong mắt tôi, “Đất Võ” Bình Định dễ thương như vậy đó!
HOÀNG TRỌNG