Người Bình Ðịnh thàng hậu
Từ “Thàng” - chỉ người Bình Ðịnh, Phú Yên dùng mà thôi, đố ai kiếm có địa phương nào dùng từ này. “Thàng” - thàng hậu, chỉ bản chất hiền lành, một trong những tính cách đáng yêu, đáng quý của người Bình Ðịnh mình.
Người Phú Yên cũng dùng từ “thàng”. Vì sao vậy? Mấy câu ca dao sau đây lý giải điều này: “Anh về Bình Định thăm cha/Phú Yên thăm mẹ/Khánh Hòa thăm em” -cho thấy sự “đồng văn”, gắn bó máu thịt của ba vùng đất này, cho nên có một số từ địa phương mấy tỉnh này xài chung.
“Thàng” biểu cảm cho những câu ca dao được cho là khắc họa tính cách thàng hậu của các địa phương: “Quảng Nam hay cãi/Quảng Ngãi hay lo/Bình Định nằm co/Thừa Thiên ních hết”.
“Nằm co” không phải là thụ động, mà im lặng, lắng nghe, quan sát để thấu hiểu. Thực tế trong cộc sống cũng vậy, nếu “không biết dựa cột mà nghe”, chẳng nên phát biểu gì nếu không mới mẻ, không ý nghĩa, bổ ích gì. Đó cũng là cách ứng xử của người hiểu biết.
Trong lời tựa cho cuốn “Ngựa nản chân bon” của nhà văn đồng hương Nguyễn Mộng Giác, tác giả có viết về từ “thàng”: “Thàng cũng là tiếng riêng của địa phương. Ngoài vùng Bình Định Phú Yên ra, tôi chưa hề nghe nơi nào khác dùng tiếng này. Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng, cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghĩa gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không… Người thàng, thàng từ tiếng cười, giọng nói, nét mặt, thàng đi. Mà người thàng thì trời ơi, trong trí nhớ của tôi, tôi mường tượng mọi người Bình Định đều thàng hết: anh Ba, chị Bốn, ông Bảy, bà Năm, cô Tư, cậu Tám... Hết thảy, không ai là không thàng. Muôn người như cùng một vẻ, một giọng”.
Tính cách thàng hậu đáng quý của người Bình Định còn thể hiện ở những câu ca dao mộc mạc: “Một mai ai chớ bỏ ai/Chỉ thêu nên gấm sắc mài nên kim” - kêu gọi sự chung tình gọi dùng từ “chớ” thì “thàng hậu” quá đi, không ngăn cấm, không phản ứng mạnh mẽ, chỉ khuyên răn nhẹ nhàng điều hay lẽ phải!
Giọng nói và tiếng địa phương Bình Định cũng rất thàng hậu. Những từ như “mô, tê, răng, rứa…” bỏ hết bên kia đèo Bình Đê, để người Bình Định nói theo giọng “nẫu”. Tỷ như “dìa, cà phơ, bử (bưởi), tuốt luốt, thiền (thuyền), làm thơ (hổng phải làm thi sĩ mà làm thuê!)… Hoặc những từ địa phương như “thẵng, cỏn (chỉ chồng, vợ - ngôi thứ 3 số ít), dẫy na, dẫy nghen… đặc sệt địa phương và thàng hậu cả trong ngôn ngữ. Có người nói người Bình Định “làm biếng”, hổng chịu cong môi uốn lưỡi nói cho đúng từ vựng, có lẽ cũng đúng nhưng nó phản ánh tính cách thàng hậu của người Bình Định, hiền lành, sống đơn giản, có hậu, có tình, ít chấp nhất.
Nhà thơ Quách Tấn, văn nhân nổi tiếng người Bình Định, trong tác phẩm “Nước Non Bình Định” của mình, ông dành hẳn một chương “Tánh tình” (trang 391, NXB Thanh Niên, năm 2004) để viết về tính cách của người Bình Định. Ông viết: “Người Bình Định phần đông chất phác, đôn hậu, chuộng khí tiết, trọng nhân nghĩa. Ngoài xã hội lấy trung tín làm gốc. Trong gia đình lấy hiếu thuận làm nền”. Và Quách Tấn cũng rất công tâm, đề cập cả những thói xấu của người Bình Định như nặng óc địa phương, giàu lòng tự ái, hay kiện cáo… Và ông kết luận: “Nghĩa là người Bình Định có rất nhiều dân tộc tính”!
Cuối cùng có câu ca dao này tôi phân vân mãi: “Thương chi cho uổng công tình/Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ”. Có thể người con gái tỉnh nào gần đó trách chàng trai Bình Định vô tình chăng? Nhưng nghĩ kỹ đó chỉ là lời trách yêu thôi mà, bởi vậy, hôm trước về Bình Định thăm quê, được nghe các bạn cải biên hai câu thơ này thành một bài hát theo điệu bài chòi thiệt vui: “Thương chi cho uổng công tình/Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ/Bơ vơ thì mặc bơ vơ/Nẫu về nẫu nhớ viết thư thăm mình/Thơ rằng còn nặng nợ duyên/Tình chung một lối tình riêng nhiều nhà…”.
Vậy đó, người Bình Định thàng hậu cả trong tình yêu, sao không yêu được!
LƯU NHI DŨ