Võ Bình Ðịnh - mạnh mẽ một sức sống
Võ cổ truyền Bình Ðịnh đang nắm giữ vị thế số 1 ở đấu trường quốc gia bằng chính thực lực của mình. Ðể duy trì điều đó, việc quan tâm đến hệ thống võ đường, CLB ở cơ sở là hết sức quan trọng.
Việc mở ra nhiều sân chơi, địa điểm thi đấu giúp các võ sinh có thêm cơ hội cọ xát, kích thích tinh thần tập luyện tại các võ đường, CLB.
- Trong ảnh: Một trận đấu trong chương trình Đêm võ đài Bình Định tổ chức tại TP Quy Nhơn.
Trong lần gặp nhau cách đây chưa lâu, võ sư Hồng Kha (Hội Võ thuật TP Quy Nhơn) ghé tai tôi với giọng đầy phấn khởi: “Không khéo ở giải võ cổ truyền toàn tỉnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung sắp tới có đến hơn 70 võ đường, CLB tham gia đó em. Bây giờ nhiều người mở phòng tập quá, trang bị dụng cụ đầy đủ nữa”.
Quả đúng như lời ông nói, võ cổ truyền ngày càng phổ biến ở khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó, võ sư Hồng Kha được coi là một trong những nhân tố tích cực hàng đầu. Bởi ông vẫn giữ ngôi vị số 1 không chỉ ở Bình Định mà cả toàn quốc trong vai trò người tổ chức nhiều đợt võ đài liên tỉnh nhất.
Không chỉ tạo cơ hội cọ xát, kích thích phong trào tập luyện ở các địa phương, võ sư Hồng Kha còn phổ biến võ cổ truyền đến nhiều vùng đất mới; ngoài khu vực ngoại thành Quy Nhơn, Tuy Phước, nhiều năm qua ông lên tận huyện miền núi Vân Canh gầy dựng phong trào. Từ những đêm võ đài Bình Định do ông tổ chức, đã có nhiều võ sĩ Chăm H’roi xuất sắc như: Chăm So Hoàng, La Ma Nin Bảo Phúc, Lê Ba Na Ngọ… Một trong những học trò ưu tú của võ sư Hồng Kha là Đoàn Đăng Nguyên được tuyển vào đội tuyển tỉnh, gặt hái nhiều thành công để rồi xứng đáng có tên trong danh sách đội tuyển kickboxing Việt Nam. Mới đây, võ sư Hồng Kha còn khoe: “Tôi vừa mở thêm điểm tập ở chùa Phú Thọ (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), mấy đứa nhỏ tập hào hứng lắm”. Với ông, võ như đã ngấm vào máu và chuyện ông lăn lộn, trăn trở với di sản này là nhu cầu tự thân.
Trong hành trình truyền bá võ cổ truyền, võ sư Hồng Kha không hề đơn độc. Ngay cạnh bên, võ sư Phi Long Vinh (Phó Chủ tịch Hội võ thuật huyện Tuy Phước) cũng hăng hái không kém. Bận rộn với núi công việc từ nhận đặt tiệc tổ chức đám cưới, trồng nấm, trồng mai, mới đây còn thêm nuôi lươn không bùn, ông võ sư nông dân này vẫn dồn rất nhiều tâm huyết cho võ. Hiện võ sư Phi Long Vinh đang phụ trách 5 điểm tập (2 điểm tại xã Phước Nghĩa, 2 điểm ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước; 1 điểm ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn). Để quán xuyến tốt chuyên môn, ông gọi cậu con trai Thái Hùng Linh - từng là thành viên đội tuyển tỉnh - về hỗ trợ.
Võ sư Phi Long Vinh chia sẻ: “Dạy võ bây giờ cũng có đôi chút khác với xưa, trang thiết bị đầy đủ hơn, việc đi lại thuận tiện hơn, nhưng giới trẻ có rất nhiều lựa chọn khác cho nhu cầu vui chơi giải trí. Do đó, phải có giáo án vừa đảm bảo cơ bản nhưng vừa đủ sức hấp dẫn để các em cảm thấy thích thú. Ngay cả việc tổ chức võ đài cũng khác, giờ tôi đứng ra vận động kinh phí và tổ chức công diễn chứ không thể trông chờ vào tiền bán vé như trước”. Tâm huyết với võ, trong nhiều năm qua, võ sư Phi Long Vinh đã giới thiệu hàng chục võ sinh xuất sắc cho đội tuyển tỉnh, để rồi họ trở thành những VĐV đem về nhiều huy chương quý giá. Gần đây nhất là Nguyễn Thị Hằng Nga với tấm HCV môn kickboxing tại SEA Games 30 năm 2019.
Từ những nguồn khác nhau, nhiều võ đường, CLB trong tỉnh hiện được trang bị thêm dụng cụ tập luyện bài bản, võ sinh nhờ đó có điều kiện giao lưu, cọ xát thường xuyên hơn. Với cách thức tập luyện mới, phòng tập thiết kế bắt mắt, hiện đại, nhiều CLB do các VĐV, cựu VĐV đội tuyển tỉnh như Nguyễn Quốc Tiển, Nguyễn Thế Quyền, Đặng Đình Văn (mở tại TP Quy Nhơn), Bùi Lê Tấn Vũ (xã Phước Hòa, Tuy Phước), Trần Quốc Hậu (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) đang tạo sức hút với đông đảo thanh thiếu niên. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế, góp phần tích cực phát triển phong trào tập luyện võ thuật trong giới trẻ. Bên cạnh đó, chủ trương đưa võ cổ truyền vào trường học đã và đang được thực hiện khá hiệu quả, tạo sức lan tỏa trên diện rộng, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn di sản của quốc gia.
Đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, chia sẻ: “Để bảo tồn và phát huy di sản võ cổ truyền, không thể chỉ một tổ chức hoặc vài cá nhân làm được mà cần sự chung tay của cả hệ thống, của cộng đồng. Đáng mừng là rất nhiều người đã nhận thức được rõ vai trò của mình để có những đóng góp tương xứng, làm tôn lên giá trị tốt đẹp của võ cổ truyền. Những thành tích của võ cổ truyền Bình Định những năm qua tại các giải quốc gia, quốc tế đã phần nào phản ánh được sự vững chắc của hệ thống phong trào. Và chúng ta vẫn phải dành sự quan tâm đúng mực để nâng cao công tác bảo tồn, quảng bá để võ Bình Định luôn giữ được sức sống mạnh mẽ ở vùng đất võ trời văn này”.
Bài, ảnh: HOÀNG QUÂN