Thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn thực phẩm
(BĐ) - Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của ngành Y tế năm 2021 tập trung mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể từ 30 người mắc/vụ. Đến hết năm, có trên 92% cơ sở tuyến tỉnh, 75% cơ sở tuyến huyện thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 100% cơ sở thuộc diện không cấp giấy chứng nhận được phân cấp quản lý. Có từ 92% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được thanh tra, kiểm tra đạt yêu cầu về ATTP.
Trên cơ sở đó, ngành Y tế tập trung các hoạt động truyền thông, xem đây là hoạt động chính trong công tác bảo đảm ATTP, được triển khai thường xuyên, liên tục. Tổ chức các chiến dịch truyền thông vào dịp tết Nguyên đán, tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu, mùa hè, mùa thi tuyển sinh, mùa lũ lụt... Chú trọng tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, khu du lịch, lễ hội, kinh doanh thức ăn đường phố.
Đáng chú ý, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP. Duy trì việc triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành vào các đợt cao điểm ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã và các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất khác. Ở tuyến tỉnh, tổ chức từ 6 - 8 đợt thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành về ATTP; thanh tra, kiểm tra ít nhất 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Bên cạnh đó, nâng cao công tác quản lý cơ sở và cấp giấy chứng nhận, tiếp nhận về ATTP theo từng loại hình và theo thẩm quyền quản lý; tăng cường năng lực kiểm nghiệm thực phẩm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phục vụ công tác quản lý ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Xây dựng, áp dụng một số mô hình điểm về đảm bảo ATTP đối với loại hình dịch vụ nấu ăn lưu động, bếp ăn tập thể…
HOÀNG ANH