CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯ DÂN DUY TU, SỬA CHỮA TÀU CÁ VỎ THÉP:
Giúp ngư dân yên tâm bám biển
Ðầu tháng 1.2020, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 và Nghị định 17 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển nghề biển của tỉnh.
Tàu cá vỏ thép của ngư dân trong tỉnh lên đà “làm nước” tại Nhà máy đóng tàu Tam Quan, TX Hoài Nhơn.
Theo Nghị định 67 và Nghị định 17, tàu cá vỏ thép hoạt động 1 năm sẽ phải bảo dưỡng, 2 năm tiến hành tiểu tu, 3 năm trung tu, 4 năm đại tu. Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép đóng mới, nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên theo định mức kinh tế kỹ thuật.
Ông Bùi Xuân Nam, chuyên viên Phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: “Để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân được hưởng chính sách, Chi cục phối hợp các địa phương hướng dẫn các chủ tàu cá vỏ thép thực hiện các thủ tục, trình tự theo quy định để được hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa. Đến nay, cả tỉnh có 12/45 tàu cá vỏ thép đang hoạt động khai thác thủy sản được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa tàu”.
Năm 2017, ngư dân Nông Thành Điền, ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát) đóng mới và hạ thủy con tàu vỏ thép BĐ 99478-TS, trị giá hơn 16 tỷ đồng. Sau thời gian hoạt động, đầu năm 2020, anh đưa tàu lên đà sửa chữa con tàu. Anh Điền cho biết: “Trong quá trình “làm nước” con tàu, tôi được ngành Thủy sản hướng dẫn các trình tự, thủ tục hồ sơ để được hưởng chi phí hỗ trợ theo quy định. Sau khi hoàn tất các hồ sơ, tôi được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ hơn 138 triệu đồng. Trước đó, các chính sách hỗ trợ nhiên liệu, mua bảo hiểm tàu cá, thuyền viên... được tỉnh quan tâm thực hiện để tiếp sức cho ngư dân bám biển sản xuất. Những chính sách như vậy khiến ngư dân rất phấn khởi”.
Tương tự, tàu cá vỏ thép BĐ 99245-TS của ngư dân Trần Định Sơn, ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) cũng được hỗ trợ hơn 141 triệu đồng. Ông Sơn chia sẻ: “Để được hỗ trợ thì phải thực hiện theo quy định, chứ tự ý đưa tàu lên đà “làm nước” mà không báo cáo là không được hỗ trợ. Như tàu tôi “làm nước” tại Kiên Giang vào tháng 5.2020, trước khi sửa chữa, tôi phải báo cáo cơ quan đăng kiểm và nhà máy sửa chữa tàu tiến hành khảo sát, xây dựng nội dung, hạng mục sửa chữa và thực hiện theo các hạng mục đó. Tàu “làm nước” xong, phải được cơ quan đăng kiểm nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; nhà máy sửa chữa tàu nghiệm thu khối lượng để thanh lý hợp đồng kinh tế, rồi tôi làm hồ sơ gửi cho Chi cục Thủy sản tỉnh với đầy đủ giấy tờ theo trình tự, thủ tục để được hỗ trợ chi phí sửa chữa tàu theo quy định”.
Còn ngư dân Ngô Văn Chí, ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99789-TS, bộc bạch: “Tàu tôi hạ thủy và đưa vào hoạt động cuối năm 2016, trị giá hơn 18 tỷ đồng. Giữa năm 2020, tôi đưa tàu lên đà “làm nước” tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan với chi phí hơn 200 triệu đồng. Theo quy định, mức hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép không quá 1% giá trị đóng mới con tàu (không tính ngư lưới cụ), tàu tôi được hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa hơn 107 triệu đồng. Nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi yên tâm ra khơi”.
Sau ngày 31.12.2020, một số chính sách theo Nghị định 67, Nghị định 17, như: Hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trường, máy trưởng, thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới; chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá, thuyền viên cho tàu cá công suất máy từ 90 CV trở lên; chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu... hết hiệu lực thi hành; những chủ tàu chậm trễ trong việc làm thủ tục, thời gian sửa chữa nằm ngoài khung quy định sẽ không được hưởng lợi nữa. Các chính sách còn hiệu lực, như hỗ trợ nhiên liệu, hỗ trợ bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 tỉnh ta vẫn thực hiện theo quy định.
Trao đổi với PV Báo Bình Định, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thông tin: Sau hơn 5 năm triển khai chính sách Nghị định 67, Nghị định 17, bên cạnh hiệu quả mang lại, vẫn còn nhiều vướng mắc, như: Việc chuyển đổi chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67 làm ăn kém hiệu quả, chính sách bảo hiểm tàu cá, xử lý nợ xấu vốn vay đóng tàu, việc đào tạo các chức danh tàu cá... Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT dự thảo Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 67, Nghị định 17 về một số chính sách phát triển thủy sản để trình Chính phủ thông qua trong năm nay. Hy vọng với những chính sách mới sẽ được ban hành sắp tới, ngư dân sẽ được tiếp thêm động lực để nâng cao năng lực sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nghề cá bền vững.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN