Vân Canh sạt lở bờ sông, đất sản xuất bị xâm thực
Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Hà Thanh đoạn từ khu phố Tân Thuận đến khu phố Thịnh Văn 2, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh xảy ra ngày càng nghiêm trọng, làm cho hàng chục héc ta đất hoa màu của người dân bị cuốn trôi.
Do cơn bão số 9 và 12 năm 2020 đã làm bờ sông Hà Thanh trên địa bàn thị trấn Vân Canh sạt lở, nhiều diện tích đất của người dân bị nước lũ cuốn trôi.
Dẫn chúng tôi đi về phía đoạn bờ sông bị sạt lở, xâm thực, ông Trương Văn Vĩnh, ở khu phố Tân Thuận, lo lắng nói: Bờ sông sạt lở ngày càng nghiêm trọng nên ai cũng nóng ruột và lo lắng, cứ qua mỗi mùa mưa lũ, đất của các hộ dân bị mất dần, tình trạng này kéo dài thì chẳng còn đất mà sản xuất. Nhân dân kiến nghị lên lãnh đạo thị trấn thì được trả lời là chưa có kinh phí, phải chờ nên chưa thực hiện xây dựng bờ kè. Tại những kỳ tiếp xúc với đại biểu HĐND, bà con chúng tôi cũng kiến nghị nhà nước cần có giải pháp ngăn chặn bờ sông sạt lở, đất bị xâm thực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ghi nhận và hứa sẽ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nhưng chưa thấy giải quyết.
Còn ông Lê Quốc Thanh, ở khu phố Thịnh Văn 2, có đất sản xuất hoa màu nằm sát mép sông Hà Thanh, lo ngại: “Qua nhiều năm bờ kè không được xây dựng, nên cứ qua mỗi mùa mưa lũ là nhiều đoạn bờ sông lại bị khoét sâu thêm từ 5 - 7 m, kéo dài cả cây số. Năm nay nếu không được khắc phục kịp thời thì không những phần đất sản xuất của nhà tôi biến mất, mà về lâu dài nhà dân ở khu vực gần bờ sông có nguy cơ đổ sụp xuống sông”.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Hiếu Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh, cho biết: Tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hà Thanh chảy qua địa bàn đoạn từ khu phố Tân Thuận đến khu phố Thịnh Văn 2, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống mà người dân ở đây phản ánh là đúng. Không những bờ sông bị sạt lở, một số đoạn kè trên sông Hà Thanh đoạn qua địa bàn thị trấn đã được xây dựng kiên cố cũng bị mưa lũ vừa qua làm hư hỏng nặng. “Trước tình hình như vậy, địa phương cũng đã báo cáo lên huyện. Nhiều lần đoàn công tác của Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với chính quyền địa phương đi kiểm tra thực tế và ghi nhận vụ việc. Tuy nhiên, việc khắc phục bờ sông bị sạt lở rất tốn kém nên địa phương cũng đang trông chờ vào cấp trên để có kinh phí sửa chữa”, bà Nam thông tin thêm.
Phần kè tại khu vực suối Mây (khu phố Tân Thuận) do ảnh hưởng thiên tai cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Ông Sô Y Lũy, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Không riêng gì đoạn đê tại thị trấn Vân Canh, tình trạng sạt lở bờ sông thời gian qua xảy ra khá nhiều ở các địa phương trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy tình trạng sạt lở có chiều dài khoảng 1 km, có nhiều đoạn bị xâm thực sâu đến 10 m, làm mất nhiều đất canh tác. Huyện cũng đã cố gắng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa những đoạn, tuyến đê bị sạt lở nằm trong khả năng của địa phương, nhưng cũng ở mức độ tạm thời. Về lâu dài, UBND huyện sẽ đưa danh mục xây dựng kè từ khu phố Tân Thuận đến khu phố Thịnh Văn 2 vào kế hoạch đầu tư xây dựng để báo cáo UBND tỉnh xin vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh.
“Vì công trình này có quy mô lớn, việc khắc phục bằng cách gia cố tạm thời không mang lại hiệu quả cao, cần thiết phải xây dựng kè kiên cố. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình đê, kè kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên phải xin kinh phí từ cấp trên và phải phân kỳ từng danh mục công trình để xây dựng thì mới thực hiện được”, ông Lũy nói.
Bài, ảnh: VĂN LƯU