KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ÐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28.1.1941 - 28.1.2021)
Bước ngoặt lịch sử trong đấu tranh giải phóng dân tộc
Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước vào mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng yêu cầu khách quan của phong trào cách mạng trong nước. Người cùng với Trung ương Ðảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Ðảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân.
Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 5.6.1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây (Pháp), bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Cuối cùng, Người đã tìm được và đi theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tranh vẽ Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (28.1.1941) tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ảnh: hochiminh.vn
Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Ngày 3.2.1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam.
Về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng
Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6.1940) theo Người nhận định “Là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Tháng 10.1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Trong thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đi đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12.1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ gặp Người tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 và đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng. Lời đề nghị này trùng với nhận định của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Cao Bằng yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này.
Ngày 28.1.1941 (tức ngày mùng hai tết Nguyên đán Tân Tỵ), đồng chí Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Đồng bào Pác Bó - nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, kết thúc chặng đường dài 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đầy khó khăn, hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
Với sự lựa chọn thiên tài của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước đi đến thắng lợi mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).
Những chỉ đạo chiến lược của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Cao Bằng
Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, từ ngày 10 - 19.5.1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Hà Quảng). Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên…
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã đưa ra những quyết sách quan trọng, trước hết là chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, tập trung giải quyết một cách đúng đắn, khoa học nhất mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Đối với cách mạng ở 3 nước Đông Dương, Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất; ở Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); đối với Lào và Campuchia, Hội nghị chủ trương giúp đỡ nhân dân hai nước thành lập Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh. Về mặt chính quyền, Hội nghị nêu rõ, sau khi cách mạng thành công sẽ lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội nghị quyết định xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân trong giai đoạn hiện tại; đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo công cuộc chuẩn bị và tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Từ Pác Bó - Cao Bằng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với phong trào cách mạng; công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ; xây dựng LLVT cách mạng, tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền; xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở Đảng; xây dựng quan hệ quốc tế. Tại đây, Người chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, công tác vận động xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng nhằm tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
QUANG LỢI