Bộ trưởng Bộ Tài chính:
Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công trong 5 năm tới
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Cơ cấu thu ngân sách đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, tăng tỷ trọng thu nội địa, giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô.
Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 vượt mục tiêu đề ra
Tại phiên làm việc sáng 27.1 trong khuôn khổ Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ Tài Chính - Đinh Tiến Dũng đã trình bày tham luận với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế theo cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy quá trình đổi mới, cơ cấu lại, phát triển nền kinh tế, hội nhập quốc tế; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng
Về thu ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, ngành Tài chính đã xây dựng được hệ thống chính sách thu ngân sách, động viên hợp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bao quát các nguồn thu, chống chuyển giá, công khai, minh bạch; chuyển phương thức quản lý thu từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa công tác quản lý thu; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
"Tổng thu ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 vẫn vượt mục tiêu đề ra và đạt khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, tương ứng trên 25% GDP" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cơ cấu thu ngân sách đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế, tăng tỷ trọng thu nội địa lên mức 82% giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2020 đạt mức 85,5%, giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong giai đoạn tới
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong giai đoạn tới. Thứ nhất là tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách huy động.
Phát triển hệ thống thu hiện đại, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập và thông lệ quốc tế, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiện đại, thuận tiện. Tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, bảo đảm nguồn thu đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, ngành Tài chính hướng tới tăng cường quản lý ngân sách, triển khai đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch vay - trả nợ công 5 năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô vững chắc, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.
Ngày làm việc thứ ba Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Về việc sắp xếp, tăng hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước, ngành Tài chính đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp Nhà nước, tập trung vào các doanh nghiệp Nhà nước có vị trí quan trọng, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ cấu lại, phát triển các doanh nghiệp này theo cơ chế thị trường, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
"Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng với ý chí và quyết tâm cao, ngành Tài chính xin hứa trước Đại hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính- ngân sách nhà nước, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra" - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Ngọc Thành - Hoàng Lê - Trọng Phú (VOV.VN)