PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI DÂN MIỀN NÚI:
Ðiểm sáng Vĩnh Thạnh
Những năm gần đây, huyện Vĩnh Thạnh chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân địa phương; nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.
Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên trong hoạt động thực thi pháp luật; là phương tiện chuyển tải đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước tới cán bộ và nhân dân. Do đó, hằng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện tăng cường thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong công tác PBGDPL; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và người dân. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Vĩnh Thạnh là 1/61 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Huyện có 8 xã, 1 thị trấn; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 37%. Hiện huyện có 17 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 97 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 59/59 tổ hoà giải ở cơ sở với 388 hòa giải viên.
Năm 2020, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện đã tổ chức 279 cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 23.000 lượt người tham gia. Công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp ở làng, thôn, khu phố; biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật; xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; tư vấn pháp luật.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm, như: Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; ATGT…
Bên cạnh đó, huyện tổ chức 4 cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, thu hút gần 5.000 lượt người tham gia. Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) tổ chức 12 đợt tuyên truyền, tư vấn pháp luật, TGPL lưu động với gần 1.200 lượt người tham dự.
Bà Đinh Thị Lanh, ở làng K4, xã Vĩnh Sơn, cho biết: “Qua hoạt động tuyên truyền pháp luật và TGPL, tôi biết thêm nhiều quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày. Cụ thể như đưa xe máy cho trẻ em chưa đủ 16 tuổi điều khiển là vi phạm pháp luật; nam, nữ không được phép cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn; hành vi chồng đánh đập, chửi mắng vợ con là vi phạm pháp luật và cần bị lên án, phê phán…”.
Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh còn xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) pháp luật. Hiện toàn huyện có 30 mô hình CLB pháp luật với gần 800 thành viên tham gia. Trong đó, một số mô hình tiêu biểu, như: “phụ nữ với pháp luật”; “phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; “không sinh con thứ ba”; “phụ nữ không phát rừng làm rẫy trái phép”; “tiền hôn nhân”; “phòng, chống bạo lực gia đình”…
Thông qua các đợt sinh hoạt CLB thường kỳ, các tuyên truyền viên đã tuyên truyền, giải đáp nhiều vướng mắc pháp luật phát sinh trong cuộc sống. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật và kịp thời tháo gỡ, giải quyết các mâu thuẫn ngay từ lúc mới khởi phát.
Ông Đinh Trên, trú xã Vĩnh Kim, cho hay: Tham gia CLB “phòng, chống bạo lực gia đình” tôi được tiếp cận, tìm hiểu nhiều kiến thức pháp luật rất thiết thực, bổ ích. Nắm bắt được kiến thức pháp luật, tôi vừa áp dụng cho bản thân, vừa tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình và bà con trong làng thực hiện đúng quy định, tránh vi phạm”.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh ngày càng có nền nếp, đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả nổi bật. Thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân; từng bước hình thành ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật. Từ đó, hiểu biết, kiến thức, tinh thần tự giác chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt.
Bài, ảnh: VĂN LỰC