Máy may góp phần “giữ đất, giành dân”
Sau thắng lợi chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích chiến lược của Mỹ vào thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc, khi họp soát xét toàn bộ tình hình trước khi Hiệp định Paris 1973 chính thức được ký kết, Tỉnh ủy Bình Định chủ trương phối hợp và đẩy mạnh đồng thời nhiều mũi giáp công: Đấu tranh chính trị và binh vận tiếp tục tấn công tinh thần, tư tưởng ngụy quân, ngụy quyền. Đấu tranh pháp lý buộc địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, tôn trọng các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đấu tranh vũ trang đập tan âm mưu lấn chiếm, “bình định” và kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của địch.
Sáng 28.1.1973, trên toàn miền Nam ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, địch tung lực lượng quân sự vào các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” hòng xóa cho được thế “cài răng lược” giữa vùng ta và vùng chúng kiểm soát, chúng coi là mục tiêu trọng tâm. Tại Bình Định, cuộc đấu tranh cắm cờ, giữ đất, giành dân giữa ta và địch diễn ra giằng co quyết liệt trên phạm vi toàn tỉnh. Liên tục trong nhiều ngày, địch và ta đánh nhau, giành giật từng tấc đất, cắm cờ và nhổ cờ, có ngày diễn ra 3 - 4 đợt.
Chiếc máy may (ảnh) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh - do một gia đình cơ sở cách mạng ở đồng bằng chuyển lên khu căn cứ Cát Sơn (huyện Phù Cát) tặng cho Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Định tháng 12.1971 - phục vụ cho việc may cờ Mặt trận treo ở những vùng ta đã giải phóng là một vật chứng cho phong trào cách mạng giai đoạn này.
Những năm 1972 - 1973, phong trào giành dân giữ đất lên cao điểm, ta buộc phải chạy đua cắm cờ với địch ở phía Đông tỉnh. Tình hình cấp bách như vậy, chỉ có một chiếc máy may nhưng cấp trên yêu cầu trong vòng 32 giờ phải may đủ 200 lá cờ, kịp thời đưa xuống cắm ở An Nhơn, Tuy Phước. Ban Tuyên huấn lập tức tập trung nhân lực làm theo phương pháp dây chuyền: May thưa, may nhanh, không may biên, không cho máy nghỉ.
Nhờ Tỉnh ủy chỉ đạo mở đợt chỉnh huấn tư tưởng và sinh hoạt chính trị rộng rãi trong Đảng bộ, các LLVT và nhân dân nhận thức rõ thắng lợi tất yếu của ta và xu thế thất bại không tránh khỏi của địch; nhận thức rõ nội dung cơ bản và cơ sở pháp lý của Hiệp định để đấu tranh chống địch bằng mọi hình thức công khai hợp pháp. Đồng thời phê phán, uốn nắn, khắc phục những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực về nhận thức tình hình, đánh giá địch - ta, dao động về tư tưởng trước tình hình mới, nên mọi việc diễn ra trong tính toán chiến lược.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta giành được thắng lợi cuối cùng là nhờ tích lũy từng chiến thắng nhỏ trong từng giai đoạn. Đẩy mạnh cắm cờ giữ đất giành dân là cuộc đấu tranh căng thẳng và chiếc máy may là hiện vật minh chứng cho giai đoạn lịch sử này.
HỒ THÙY TRANG