Khẩn trương chuẩn bị cho cuộc bầu cử ÐBQH và HÐND các cấp
Những ngày cuối tháng 1.2021, cận tết Nguyên đán Tân Sửu, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương đang khẩn trương các công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đảm bảo hội nghị hiệp thương lần thứ nhất diễn ra trước ngày 17.2 (mùng 6 Tết).
Khởi động sớm nhất có thể
Ngày 12.1, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ ban hành các hướng dẫn, văn bản có liên quan trong việc Mặt trận tham gia công tác bầu cử; chuẩn bị công tác hiệp thương; xây dựng kế hoạch, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác bầu cử của Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương trong tỉnh; tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Đến ngày 19.1, Ban chỉ đạo công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã được thành lập do bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - làm Trưởng ban. Các thành viên Ban chỉ đạo đã có sự phân công cụ thể về nhiệm vụ và địa bàn theo dõi công tác bầu cử.
Mới đây nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố trong việc tham gia công tác bầu cử. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải đảm bảo thực sự dân chủ khách quan; đúng luật và đảm bảo tiến độ, thời gian quy định cho từng công việc; đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng người được giới thiệu.
“Theo dự kiến, ngay sau khi Đoàn đại biểu tỉnh Bình Định dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trở về, ngày 4.2, Ủy ban bầu cử tỉnh sẽ triển khai các nội dung liên quan công tác bầu cử đến cấp xã. Ngày 5.2, Mặt trận tỉnh sẽ bàn bạc, phối hợp cùng các ngành để chuẩn bị tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Ngày 8.2, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất dự kiến sẽ diễn ra. Nội dung quan trọng nhất của Hội nghị này là thống nhất về phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH tỉnh khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026”, ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết.
Chiều 26.1, Thành ủy Quy Nhơn tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Trần Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Quy Nhơn - yêu cầu: “Các ban, ngành liên quan, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các xã, phường gấp rút triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng để khi Ủy ban bầu cử tỉnh triển khai nhiệm vụ là có thể bắt tay vào làm ngay, vì hội nghị hiệp thương lần thứ nhất sẽ phải diễn ra trước ngày 17.2 (tức mùng 6 Tết). Ủy ban bầu cử thành phố khẩn trương tham mưu các văn bản cần thiết, danh mục nhiệm vụ cần làm gắn với thời gian thực hiện cụ thể, đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xây dựng kế hoạch riêng để đảm bảo tiến độ của các hội nghị hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri. Các xã, phường cũng chủ động triệu tập các thành phần liên quan đến công tác bầu cử, thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác bầu cử”.
Chú trọng các điểm mới
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đặc biệt nhấn mạnh đến một số nội dung cơ bản, cần chú ý.
Về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, ông Mẫn nhấn mạnh: Cần phải được tiến hành 3 lần nhằm bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Trong đó, có 3 điểm mới tại kỳ bầu cử lần này đối với việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử. Đó là quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đến ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận phối hợp với chi hội trưởng các đoàn thể họp với bí thư chi bộ, trưởng thôn để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Hội nghị cử tri nơi công tác có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có ít nhất 2/3 tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri nhưng phải bảo đảm ít nhất là 70 cử tri tham dự. Hội nghị cử tri nơi cư trú cũng nhấn mạnh tới số lượng cử tri tham dự. Nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri tham dự; nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri kỳ này có 2 điểm mới. Điểm mới thứ nhất là trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác. Thứ hai là những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Mặt khác, đến ngày 13.4, việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử phải tiến hành xong”.
Bài, ảnh: AN PHƯƠNG