Chủ tịch UBND xã Cát Thắng trả lời khiếu nại của ông Hồng
Gửi đơn đến Báo Bình Định, ông Lê Xuân Hồng, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước (ông Hồng được em ruột là Lê Tấn Huy ủy quyền về việc khiếu nại tranh chấp đất đai) trình bày: Thửa đất số 833, tờ bản đồ số 4 thuộc thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát là đất của ông bà để lại, có số hiệu 252, số biên ở sách điền chủ 173, diện tích 3 sào 4 thước (tương đương 1.700 m2) được Đại Nam Trung kỳ Chánh phủ trích lục theo tỷ lệ 1/2.000 cấp cho ông Lê Viễn (ông cố của ông Hồng) và được xây dựng ngôi nhà thờ họ từ trước năm 1975. Năm 1994, ông Lê Tấn Huy (em ruột ông Hồng) xây dựng ngôi nhà tại khu đất nói trên với diện tích gần 40 m2, đến năm 2008, UBND xã lập biên bản và cho rằng ông Huy cất nhà trên đất lấn chiếm.
Ngôi nhà ông Huy tại thửa đất số 833, tờ bản đồ số 4 thuộc thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát.
Từ đó, ông Hồng khiếu nại: “Trong đơn kê khai tình hình sử dụng đất do lấn chiếm (mẫu số 2, ký ngày 21.5.2008) không phải chữ ký của ông Huy và các giấy tờ, thủ tục liên quan đều do một người khác ký. Hơn nữa, vì sao đất của ông bà chúng tôi để lại, có trích lục rõ ràng, nhưng UBND xã Cát Thắng ngang nhiên lập thủ tục đưa vào đất công ích do UBND xã quản lý?”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND xã cát Thắng, cho biết: Thửa đất số 833, tờ bản đồ số 4, tại thôn Hưng Trị mà ông Lê Xuân Hồng cho rằng đất của ông bà để lại, có trích lục, theo hồ sơ quản lý đất tại xã, trước đây là loại đất màu, có diện tích 1.110 m2, không có người sử dụng. Trong quá trình cải cách ruộng đất theo Nghị định 64-CP năm 1993 của Chính phủ thì phần đất này là đất nông nghiệp nên giao lại cho hộ gia đình và cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Gia đình ông Hồng lúc đó đi lập nghiệp nơi khác, và cũng không chứng minh được nguồn gốc đất, nên phần đất này đưa vào diện xã quản lý và đã được Sở Địa chính tỉnh Bình Định phê duyệt ngày 7.2.1996.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Cát Thắng, sau những năm sinh sống tại nơi khác, năm 1994, ông Lê Tấn Huy trở về địa phương và cất nhà ở khoảng 40 m2 tại thửa đất số 833, tờ bản đồ số 4 tại thôn Hưng Trị. Khi địa phương thực hiện Quyết định 15/QĐ-UBND ngày 18.3.2008 của UBND tỉnh về việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, giao đất không đúng thẩm quyền thu tiền không đúng quy định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đủ điều kiện tiếp tục sử dụng đất ở trên địa bàn tỉnh, có xử lý trường hợp của ông Huy. Ngày 26.1.2011, UBND xã có báo cáo tình hình sử dụng đất do lấn chiếm của ông Huy để xác lập hồ sơ theo Quyết định 15/UBND tỉnh, đề nghị cấp có thẩm quyền xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 833, với diện tích 510 m2 (trong đó 200 m2 đất ở, 310 m2 đất vườn); yêu cầu ông Huy nộp tiền thuế sử dụng đất để nhà nước cấp giấy chứng nhận, nhưng đến nay ông không thực hiện.
“Còn việc ông Huy cho rằng chữ ký trong “Đơn kê khai tình hình sử dụng đất do lấn chiếm” không phải là của ông mà do cán bộ xã tự kê khai, qua làm việc, ông Huy xin đến cơ quan chức năng để giám định chữ ký, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Tài cho biết thêm.
VĂN LƯU