Chúng tôi học 5 điều Bác Hồ dạy
Có những điều, nguyên tắc quý giá thoạt đầu nom hết sức đơn giản do tính cô đọng, hàm súc về hình thức của nó. Nhưng theo thời gian, cùng với sự chiêm nghiệm, những tầng giá trị ẩn sâu bên dưới dần xuất lộ. 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng là một trường hợp như vậy.
1. Tôi biết 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng đúng vào buổi học đầu tiên của năm lớp 1. Mở đầu buổi học lớp 1C, Trường PTCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn hôm ấy, sau khi cô trò chào nhau xong, cô giáo chủ nhiệm Châu Thị Trúc đứng ở chỗ bàn giáo viên, tay trỏ vào một tấm bảng nhỏ treo sau lưng chỗ cô ngồi, tay nhịp thước, yêu cầu chúng tôi đứng nghiêm trang đọc to theo cô: 5 điều Bác Hồ dạy/ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào… Tôi nhớ, không chỉ lớp tôi, không chỉ khối 1 mà cả trường cùng vang lên lời dạy của Bác. Ngay khi chúng tôi lục tục ngồi xuống, trước khi đi vào bài giảng, cô giáo lại chỉ về phía khuôn hình ông cụ có đôi mắt cười ấm áp ở phía trên bảng đen, nói: “Đây là Bác Hồ, hay còn gọi là Chủ tịch Hồ Chí Minh. 5 điều các con vừa đọc là do Bác dạy cho các con đấy!”.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu
Tôi cùng chúng bạn nhanh chóng thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy và sau này thường ao ước mọi bài giảng cũng được viết sao cho dễ nhớ như vậy. Nhưng hồi ấy, chúng tôi còn bé quá, chỉ nhớ máy móc chứ cũng chưa biết gì nhiều về ý nghĩa.
Cho đến năm lớp 3, đột nhiên không biết vì lý do gì mà thằng bạn Vũ Ngọc Hùng lại hỏi cô Trương Thị Bích Cầu, giáo viên chủ nhiệm lớp 3C chúng tôi năm ấy, về hai tiếng “đồng bào”. Thật sung sướng làm sao là suốt giờ sinh hoạt cuối tuần sau đó cô dành hết thời gian để kể sự tích “đồng bào”. Những chi tiết gắn bó với yếu tố đầu tiên thường rất khó quên vậy đó. Chính ở giờ sinh hoạt ấy cô giáo tôi kết hợp rằng “yêu Tổ quốc + yêu đồng bào = yêu nước”, vì lẽ gọi là yêu nước thì phải giữ gìn quê hương, đất nước đồng thời yêu cả đồng bào mình. Nói nôm na là yêu đất nước mình, thương nòi giống mình.
2. Mãi đến năm tôi học lớp 5, thầy giáo Hà Vân Trình mới giảng giải cho chúng tôi nghe một cách bài bản và hệ thống về 5 điều Bác Hồ dạy. Chuyện bắt đầu từ việc thầy la rầy hai nhóm bạn trong lớp ẩu đả với nhau trong giờ ra chơi. Sau một hồi giảng giải, thầy tôi chỉ về phía bảng đen, mắng: Như vậy làm sao là “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” được. Cuối buổi học, thầy tôi dành thời gian giảng giải cho chúng tôi nghe thật chi tiết về 5 điều Bác Hồ dạy. Một điều tôi không thể nào quên là khi thầy giảng đến chữ “đồng bào”, tôi láu táu khoe là biết rồi. Thầy bèn cho tôi đứng lên nói những điều mình biết. Nghe tôi kể lại những gì cô Trương Thị Bích Cầu đã dạy hồi năm lớp 3, thầy khen tôi nhưng cũng ngầy nhẹ tính láu táu và đến khi giảng đến điều 5 “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, thầy nhắc lại đoạn tôi láu táu và nhắc nhở - như trò Phùng cũng có thể gọi là thiếu khiêm tốn. Lời thầy nhắc chả hiểu sao lại đến tai ba tôi. Ba tôi lại mắng tôi thêm một chặp nữa vì cho là tôi tự kiêu. Sau thầy biết chuyện ấy, cười hiền bảo tôi bỏ cái tính láu táu đi và hứa sẽ nói lại với ba tôi - có thiếu khiêm tốn nhưng chưa đến mức tự kiêu.
3. Nhiều năm kế tiếp, chúng tôi lớn lên với 5 điều Bác Hồ dạy dù không còn cùng nhau đọc to vào đầu mỗi buổi học. Ý nghĩa của những điều Bác dạy cứ thế đi vào cuộc sống chúng tôi, tự nhiên như tất cả những điều tốt đẹp khác. Chúng tôi đã đủ lớn để tin chắc vào tính chân lý của 5 điều Bác Hồ dạy, không một ai mảy may hoài nghi. Cho đến một ngày trong tuổi sinh viên, nhân đang lúc mạn đàm, một người bạn tôi đột nhiên đặt ra câu hỏi gần như một phản đề - Vì sao trong 5 điều Bác Hồ dạy, Người không dạy thiếu niên, nhi đồng yêu mẹ cha, gia đình? Bọn sinh viên chúng tôi tranh luận rất dữ, và chỉ ngã ngũ khi có sự vào cuộc của thầy tôi Lê Hồng Phong.
Nghe thủng câu chuyện, thầy tôi vừa bật cười ha hả, vừa ngắm bọn đồ đệ “ngựa non” yêu thương, phẩy tay bảo: “Có đấy! Sao không!”. Đoạn thầy phân tích, khi dạy thiếu niên, nhi đồng là Bác dạy qua thư, cháu còn nhỏ nên Bác vắn tắt. Nhưng dù vậy, bao trùm lên cả 5 điều là hình bóng mẹ cha, là gia đình. Tất cả các ông bố bà mẹ đều mong muốn con mình làm được 5 điều như vậy. Khi làm được 5 điều như Bác Hồ dạy tức thị ta sẽ thấy được hình ảnh gia đình, người thân, sẽ thấy trong đất nước có gia đình, trong đồng bào có anh em, khái quát lên thì trong cái chung có cái riêng và ngược lại.
4. Nếu bạn đã đọc đến đây hẳn bạn biết Bát nhã ba la mật đa tâm kinh còn gọi là Bát nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh là tạng kinh ngắn nhất của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Tâm Kinh chỉ có 260 chữ. Nhưng 260 chữ ấy lại hàm chứa tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm tới 600 cuốn. Tâm Kinh được hầu hết các Phật tử tại Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng, và Trung Quốc biết đến và rất thường dùng trong việc đọc tụng.
Nói một cách vắn tắt, việc quán chiếu Tâm Kinh nhằm mục đích đưa người tu tập trở thành một người có trí huệ, toàn vẹn! Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng ở đây xin nói thêm,
30 chữ của 5 điều Bác Hồ dạy cũng hàm chứa những giá trị tương tự, khi nó hướng con người ta đến với những giá trị mà bất cứ người tử tế nào cũng tha thiết muốn vươn tới.
Khi thấm nhuần tinh yếu Tâm Kinh, các hành giả sẽ tự mình vạch lối tiếp cận Đại Bát Nhã cũng như những kinh điển khác, mọi con đường tiếp cận chân lý đều vậy cả. Khi viết thư khuyên các cháu thiếu niên, nhi đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến nguyên lý ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hành. Không chỉ có vậy, khi thấm thía giá trị toát yếu từ đó, tự mỗi cháu sẽ biết cách nâng cao cách thức thực hành, tiếp cận chân lý và tự mình nâng mình lên.
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ðội Thiếu Niên Tiền Phong Việt Nam (15.5.1941 - 15.5.1961), theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư Bác căn dặn:
“Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh,
Thật thà, dũng cảm”.
Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ bản thảo gốc của bức thư đó. Đến cuối năm 1965, theo đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, lúc đọc lại Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng chưa được cân đối - 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ còn 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ. Bác bèn bổ sung cho đủ mỗi câu cùng có 6 chữ. Vì vậy trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ - loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965,
5 điều Bác Hồ dạy được tinh chỉnh như sau:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
BÁ PHÙNG