Hoàng Đế Quang Trung - Nguyễn Huệ: Tầm vóc vĩ đại khởi nguồn từ văn hóa
“Ðánh cho để dài tóc/ Ðánh cho để đen răng/ Ðánh cho nó chích luân bất phản/ Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
1. Mỗi khi nghe, hoặc đọc lại lời hịch của Hoàng đế Quang Trung từng vang lên vào giờ xuất quân tiến ra Thăng Long thành đại phá quân Thanh, tôi cũng đều xúc động và yêu kính “Người Bình Định số 1” này hơn.
Mục đích của trận đánh quyết định, trận đánh cuối cùng mà Quang Trung đích thân chỉ huy không chỉ để đuổi giặc, giải phóng Thăng Long. Nếu chịu khó kết nối bài hịch sẽ thấy đây là chiến dịch thần tốc, đánh cho kẻ thù phương Bắc không kịp bưng tai, phải kinh hoàng đến trăm năm, để bảo vệ giang sơn Việt, khẳng định chủ quyền của một nước Đại Việt độc lập, và cao hơn nữa là để bảo vệ nền văn hóa Việt, phong hóa Việt, nhân cách Việt. Lời hịch nôm na, giản dị mà thấm thía biết bao! Có thể nói, Hoàng đế Nguyễn Huệ - Quang Trung là một thiên tài trên nhiều lĩnh vực, một thiên tài toàn diện mà cả nghìn năm trong nhân loại mới xuất hiện một người. Lâu nay, người ta thường nhấn mạnh đến thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ.
Khách tham quan phòng trưng bày về cuộc kháng chiến chống quân Thanh tại Bảo tàng Quang Trung, với các hiện vật được trưng bày như: Tượng hoàng đế Quang Trung, ấn tín “Triều đường chi ấn”, kiếm lệnh; trích các lời hịch, bài chiếu của Vua Quang Trung. Ảnh: ĐÌNH PHƯƠNG
Là một người yêu nước vĩ đại, một anh hùng “áo vải cờ đào”, với Nguyễn Huệ, chỉ có Tổ quốc và nhân dân mới là hai hằng số vĩnh cửu, mới khiến ông suốt đời hiến dâng những năng lực kỳ vĩ của mình cho nó, chứ không phải ở ngôi vua, không phải ở quyền lực và quyền lợi mà ngai vàng mang lại.
2. Tôi đọc lại “Chiếu cầu hiền” của Vua Quang Trung do nhà nhân văn tài ba Ngô Thì Nhậm chấp bút, mà lòng rưng rưng: “Kia như, trời còn tăm tối, thì đấng quân tử phải trổ tài. Nay đương ở buổi đầu của nền đại định, công việc vừa mới mở ra. Kỷ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan. Dân còn nhọc mệt chưa lại sức mà đức hóa của trẫm chưa kịp nhuần thấm khắp nơi. Trẫm nơm nớp lo lắng, ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh. Nghĩ cho kỹ thì thấy rằng: Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình. Suy đi tính lại trong vòm trời này cứ cái ấp mười nhà ắt phải có người trung thành tín nghĩa. Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?”.
Trong lịch sử nhân loại, được bao nhiêu vị hoàng đế khiêm cung như vậy! Lời văn chiếu trầm tĩnh mà thống thiết, vừa kêu gọi lại vừa khuyến khích người tài trong quốc gia ra giúp nước. Xin nhớ cho, GIÚP NƯỚC chứ không phải giúp cho ngôi vị của quân vương. Ngôi nhà quốc gia không thể chống đỡ chỉ bằng một cái cột lớn, và trong xóm ấp luôn có người trung thành, trên dải đất văn hiến như Việt Nam (thời ấy gọi là Đại Việt) luôn có những nhân tài có thể ra giúp nước. Chỉ là phải thân mời được họ, tạo những điều kiện cần và đủ cho họ hiến dâng tài năng của mình.
Tất cả những bài chiếu của Hoàng đế Quang Trung, chất lý tưởng luôn bừng sáng một cách giản dị. Lý tưởng ấy thể hiện trong từng câu từng chữ ở những trước tác mà Quang Trung để lại, thể hiện ở cách suy nghĩ, thu phục và sử dụng hiền tài của ông, ở cả cách trừng phạt nghiêm khắc bất cứ kẻ lộng quyền nhũng nhiễu nào, dù họ từng là tướng tâm phúc dưới trướng của mình.
“Cầu hiền tài” - ba chữ ấy thể hiện đức khiêm nhường và nguyện vọng của Hoàng đế Quang Trung muốn tạo mọi điều kiện để tài năng không bị lãng phí, người tài được trọng dụng. Vì khi nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, thì phải hiểu, nguyên khí ấy xuất phát từ đâu, và làm sao để có được nguyên khí ấy cho một đất nước cần xây dựng lại sau bao năm chiến tranh loạn lạc.
Tôi lại đọc đoạn văn này của “Chiếu cầu hiền” mà cứ nghĩ như nó mới được viết ra ngày hôm nay, cho hôm nay: “Người nào có tài năng học thuật, mưu hay hơn đời, cho phép được dâng sớ tâu bày sự việc. Lời nói nào có thể chọn dùng được, thì cất nhắc không kể thứ bậc; chỗ nào không dùng được thì gác lại, không vì lời nói sơ suất vu khoát mà bắt tội. Còn người có nghề hay nghiệp giỏi, có thể cống hiến cho đời, thì cho phép các quan văn, quan võ được tiến cử, nhưng vẫn dẫn vào đợi ra mắt, tùy tài lục dụng. Hoặc người nào từ trước đến nay tài năng còn bị che kín, chưa được người đời biết đến, thì cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử, chớ hiềm vì mưu lợi mà phải bán rao”.
Đó là sự thành tâm cầu hiền tài một cách dân chủ, không phân biệt, và tuyệt đối không tư lợi, không phe cánh, không “lợi ích nhóm”, mà chỉ vì lợi ích quốc gia. Mà đó lại từ một vị hoàng đế chưa bao giờ thất bại! Bây giờ chúng ta có làm được điều mà Quang Trung đã làm từ hơn hai trăm năm trước? Người suy nghĩ được như vậy là người có tầm vóc văn hóa lớn, vì chỉ khi có ánh sáng văn hóa dẫn đường, nhà lãnh đạo quốc gia mới có được sự công bằng, lòng nhân ái, đức vị tha, trí tuệ minh triết và tầm nhìn xa rộng.
Người ta sẽ hỏi: Vậy Hoàng đế Quang Trung học từ đâu, tích chứa và hàm súc từ đâu để có một tầm vóc văn hóa như vậy, trong điều kiện bị hạn chế rất nhiều mặt của đất nước và nền chính trị thuở ấy?
Câu trả lời đơn giản: Nguyễn Huệ là một thiên tài, nhưng câu trả lời phức hợp hơn, là Nguyễn Huệ đã uẩn súc được chiều sâu văn hóa ấy từ chính đời sống, từ nhân dân mà Người gắn bó, từ những bậc đại hiền mà Người đã thu phục được bằng nhân cách và lòng vị tha vô lượng của mình. Nếu bây giờ chúng ta nhận ra tài năng sáng chói của Ngô Thì Nhậm, thì ngày xưa ấy chắc chắn Hoàng đế Quang Trung đã nhận ra ngay khi mới tiếp xúc với Ngô Thì Nhậm, khi mới nghe những lời tâm huyết mang tầm văn hóa lớn của người sẽ cộng tác chung thủy với mình.
3. Tôi lại đọc những đoạn trong bài “Chiếu khuyến nông”, cứ như được cập nhật những tư tưởng mới trong thời hiện đại, vừa cụ thể vừa mang tính khả thi rất cao: “Chính sự đạo vương cốt vun gốc, vén ngọn, làm cho dân yên ổn cấy cày, nhờ đó trong nước không có người lười biếng, ngoài đồng không có đất bỏ hoang. Trải qua buổi loạn ly binh lửa triền miên, lại thêm nạn đói kém, nhân dân lưu tán, ruộng đất bỏ hoang. Trẫm chịu mệnh trời giữ nghiệp lớn bốn bề trong lặng. Nay buổi đầu đặt định, chính sách khuyến khích sản xuất làm cho dân giàu phải được tiến hành lần lượt”.
Những cải cách về tiền tệ, thuế khóa, đinh điền rất cụ thể của Quang Trung khiến bây giờ chúng ta phải kinh ngạc về sự thấu đáo và hợp lý của nó. Ví như ruộng đất cũng được chia ra làm 3 hạng để đánh thuế, gồm: Nhất đẳng điền (150 bát thóc), nhị đẳng điền (80 bát thóc), tam đẳng điền (50 bát thóc). Sự phân chia hợp lý này còn mãi tới trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong đó đất công điền và tư điền cũng phân định rõ, nó giúp nhà nước vừa dễ quản lý, mà người nông dân lại được khuyến khích sản xuất vì họ sẽ thu được lợi nhuận cho chính mình ngay trên cánh đồng mà họ làm chủ.
Tôi lại lần giở đọc sang “Lập học chiếu” của Hoàng đế Quang Trung và thêm một lần kinh ngạc về tính cập nhật trong thời hiện đại của tư tưởng bài chiếu này: “Nay xuống chiếu cho quan viên và toàn thể dân chúng trong thiên hạ được biết: Xây dựng đất nước lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp!”. Nghe cứ như lời hịch trong “Bình Ngô đại cáo” của thiên tài Nguyễn Trãi. Đúng là việc giáo dục cũng cấp bách, cũng quan trọng không kém gì việc đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Mà không chỉ có vậy, Hoàng đế Quang Trung cũng rất chu đáo, bài bản: “Chiếu này ban xuống, dân các xã nên lập nhà học của xã mình, chọn những Nho sĩ có học hạnh, đặt làm chức giảng dụ cấp xã để dạy dỗ học trò. Còn như từ vũ ở các phủ thì cho phép dân địa phương chọn làm nơi để quan huấn đạo của phủ đến đặt làm trường giảng tập của phủ. Hẹn trong năm nay sẽ mở khoa thi hương chọn lấy những Tú tài hạng ưu sung vào trường quốc học, còn hạng thứ thì đưa về trường học ở phủ. Những người đỗ Hương cống của triều cũ chưa được bổ nhiệm thì đưa đến triều đình đợi sung bổ vào các chức Huấn đạo, Tri huyện. Các Nho sinh và sinh đồ cũ đều cho đợi đến kỳ để vào thi. Loại ưu thì được vào tuyển, loại kém thì trả về trường học của xã”. Rất công khai, rất rành mạch, không một chút úp mở hay mù mờ nào. Và đó chính là nền móng của một nền giáo dục toàn dân và toàn diện, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, ai cũng có cơ hội học hành và đóng góp cho xã hội.
***
Quang Trung - Nguyễn Huệ đúng là một “đa thiên tài” trong một thiên tài, người không chỉ là “Vua chiến trường” mà còn là người chỉ huy kiến quốc, trị bình, làm hưng thịnh đất nước. Người ấy dù vụt qua cuộc đời như một khối sao băng, nhưng để lại cho chúng ta một vóc hình đất nước khiến dân tộc Việt Nam mãi mãi tự hào.
THANH THẢO