“Quan Bình Định chăn dân”
Khi quan sát về Bình Ðịnh mấy năm gần đây tôi hay nghĩ đến hai từ “trọng dân”. Tôi hay nghĩ về chuyện này và khi gần gũi với dân Bình Ðịnh tôi thấy họ vui, họ vui tới mức nhiều người tếu táo khen quan. “Chăn” cho dân vui rất khó, làm cho dân khen không phải là dễ thấy.
Trọng dân không phải là chuyện mới mẻ gì. Ngày xưa, Mạnh Tử khẳng định: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Và không chỉ có vậy, các Nho gia ngày trước đều đề cao nguyên tắc trị quốc theo nguyên lý “dân là nước, nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền”. Xem ra con thuyền Bình Định đang rẽ sóng băng băng…
Làm mọi thứ để dân vui
Nỗi vất vả của những người lãnh đạo hiện nay là làm sao để quyết sách của mình phải chạm vào đời sống của đại đa số người dân, được đồng thuận cao nhất, nói cách khác là làm cho dân vui. “Không một thứ gì có thể che mắt được dân. Vì vậy, chỉ có thật tâm của người lãnh đạo thì mới mong tìm được sự “đồng thuận cao nhất” ấy. Công việc có trôi chảy hay nghẽn mạch cũng đều bắt nguồn từ chỗ này, tức là chỗ thực tâm của người lãnh đạo”. Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã nói như trên khi tôi “lạm bàn” đến cụm từ “trách nhiệm của người đứng đầu với dân”.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (hàng trước, bên trái) đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Hoài Ân (tháng 11.2020). Ảnh: TIẾN SỸ
Có thể nói, nhiệm kỳ qua, nhất là trong hai năm trở lại đây là một thử thách không nhỏ cho những người lãnh đạo tỉnh Bình Định. Ngoài khó khăn chung mà tỉnh nào cũng phải đối mặt như dịch giã, thiên tai làm ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển KT-XH, Bình Định còn có những đặc thù mà nếu không có bước đột phá từ lãnh đạo thì vẫn cứ giẫm chân tại chỗ. Năm 2020 Bình Định hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước và vượt mức 23,5%; trong bối cảnh rất nhiều khó khăn tưởng không cần nhắc lại, phải thấy rằng để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng dương, thu ngân sách tốt thật không dễ dàng gì.
Không phải tự nhiên mà Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Đẩu, trải lòng: “Dịch bệnh làm thay đổi rất nhiều kịch bản dự lường của ngành Thuế, tuy nhiên nhờ lãnh đạo tỉnh sâu sát, liên tục đưa ra nhiều quyết sách chính xác, khớp với thực tế lại đi vào đời sống nhanh chóng nên kinh tế tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng dương. Đây là nền tảng quan trọng để việc thu ngân sách đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đặt ra”.
Quan nhỏ khen quan to chăng? Không phải vậy. Làm lãnh đạo thì không nên kể lể với dân rằng mình không có ngày nghỉ. Nhiều vị lãnh đạo hiện nay, khái niệm thứ Bảy hay chủ nhật chỉ là tên gọi thoáng qua. Gần như toàn bộ các ngày nghỉ của các “quan Bình Định” đều dành cho công việc. Tôi thử đọc lại các bản tin trên báo Bình Định và mỉm cười thấy dự đoán của mình là đúng, họ gần như có mặt trên các công trường trọng điểm mà ở Bình Định: Đường giao thông như mắc cửi, nhà máy điện mặt trời, điện gió, hạ tầng các khu công nghiệp… Xin thưa, nói không quá mấy năm gần đây, công trình dày có khi còn hơn mạ!
"Tôi cũng không còn nhớ là mình có được nghỉ ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật trong nhiệm kỳ tôi làm Chủ tịch tỉnh không nữa”. Nghe ông Hồ Quốc Dũng “than” vậy, có người bạn vặc lại ông: “Thì cứ nghỉ chứ có ai cấm đâu nào?”. Ừ, thì chả có ai “cấm” chủ tịch tỉnh nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật cả. Nhưng đối với các vị lãnh đạo “chưa già và không còn trẻ” ở Bình Định thì khác. Đơn giản là công việc đã giành mất quyền ưu tiên trước nhiều dự định mang tính riêng tư của họ. Nói đúng hơn là công việc nó như thỏi nam châm, hút lấy “trách nhiệm trước dân” của họ. “Bão lụt ập vô ngày thứ Bảy hay Chủ nhật, anh có dám nghỉ không?”. Ông Hồ Quốc Dũng hỏi lại người đã “thắc mắc” với ông như thế. Bão lụt và dịch giã là trường hợp bất khả kháng, nhưng có những vụ việc, có thể “di dời” sang một ngày khác để xử lý, song cũng chưa thấy vị Bí thư tuổi “Con Ngựa - 1966” này dừng vó bao giờ.
Suốt 5 năm qua, đặc biệt là 2 năm trở lại đây, khi xảy ra nhiều dịch bệnh, và đỉnh điểm là dịch Covid-19 “gõ cửa” từng khu phố, từng xóm thôn thì trách nhiệm luôn réo gọi các quan đầu tỉnh. Tỉ như ngay từ trước những ngày đất nước buộc phải sống trong điều kiện giãn cách xã hội, toàn bộ các vị lãnh đạo tỉnh đều xông pha trên tuyến đầu. Vị thì làm việc với Co.opmart Quy Nhơn để tái khẳng định với dân - không có chuyện thiếu lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, bà con đừng tích trữ; vị thì động viên các cơ sở y tế, đặc biệt là Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định để tuyên bố - không thiếu khẩu trang, không thiếu nước rửa tay diệt khuẩn, xin đồng bào yên tâm! Đến ông Bí thư, Chủ tịch tỉnh mà nhiều hôm còn “quên bữa” chứ đừng nói chi đến thứ Bảy hay Chủ nhật, vậy thì hệ thống cán bộ cấp dưới sao dám xao nhãng! Vì vậy, ngay tại TP Quy Nhơn chỉ “sốt” những mặt hàng khan hiếm chừng nửa buổi một ngày!
Cái hay là lãnh đạo Bình Định không đưa ra nhiều các mệnh lệnh hành chính, thú vị ở chỗ là đã động viên để những ai có ý định “găm hàng” cũng phải từ bỏ để đưa vai ra gánh vác và chia khó với người dân trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy. Chính những người có sức găm hàng, làm giá lại là những người cam kết sẽ cung ứng đủ! Mọi việc vì thế ổn định một cách dễ chịu đến bất ngờ.
Người dân vùng rốn lũ Tuy Phước sẽ còn nhớ mãi câu chuyện, khi bão số 9 hôm tháng 11.2020 đã thập thò ngoài biển rồi mà những người lãnh đạo tỉnh này vẫn có mặt ở nơi “chín áo một quần”, chỉ để làm một việc là “kiểm tra xem dân đã thật sự rời khỏi nơi nguy hiểm và đến nơi an toàn?”. Ai không đi thì kiên quyết buộc phải dời đi, không “trình bày hoàn cảnh” bằng bất cứ lý do gì để mà ở lại.
Cũng như vậy, nghe báo cáo sạt lở nặng trên Vĩnh Thạnh lúc giữa khuya mà sáng sớm, lãnh đạo tỉnh đã có mặt ngay tại những điểm ấy rồi. Chủ tịch tỉnh mà “dậy sớm” để có mặt tại những nơi nguy hiểm ấy thì không một chủ tịch huyện hoặc giám đốc sở nào liên quan có thể “ngon giấc” được cả. Phải lên tận nơi, nhìn tận mắt và đưa ra các giải pháp tại chỗ để thông đường cho dân đi lại càng sớm càng tốt.
Đối thoại với dân
Ngán ngại nhất của lãnh đạo các tỉnh hiện nay là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tỉnh Bình Định cũng vậy. Ngày xưa là giao thông cách trở, đi lại không thuận lợi. Nhưng giờ mọi chuyện đã hanh thông nhờ hệ thống cầu đường gần như đã hoàn chỉnh. Nếu trước đây phải mất cả tiếng để “đi vòng” từ sân bay Phù Cát vô TP Quy Nhơn rồi qua cầu Thị Nại mới đến được Nhơn Hội thì bây giờ, chỉ mất có … 17 phút là có mặt tại khu kinh tế này rồi.
Tôi đặt câu hỏi: “Rồi lãnh đạo tỉnh phải làm gì để giải phóng mặt bằng đặng còn kịp làm đường?”. Ông Hồ Quốc Dũng đáp gọn: “Đối thoại, đối thoại, đối thoại!”. Từ này nghe cũng quá quen đến mức mòn sáo. Nhưng, ở Bình Định đối thoại phải đi kèm với chính sách đền bù thỏa đáng. Dĩ nhiên đối thoại ở đây còn kèm theo một ý này: Nói cho dân để họ “vỡ lẽ” là mình di dời nhà cửa cũng là một sự hy sinh cho cái chung. Hy sinh thì phải được đền bù đúng với chính sách, tính đúng tính đủ lợi ích hợp pháp của dân. Một khi người dân đã “thông” rồi thì họ vui vẻ chấp hành. Đó là cái cách mà Bình Định đã làm khi “đụng” đến dân. Sự lý nó đơn giản đến tột cùng vậy đó!
Gần như tất cả các cửa ngõ vào sân bay, hải cảng, nhà ga, tỉnh Bình Định đã mở rộng theo hình thức “vừa động viên vừa đền bù thỏa đáng” như thế trong 2 - 3 năm qua. Bốn tuyến đường gồm sân bay Phù Cát đi Nhơn Hội,
QL 19 đi cảng Quy Nhơn, từ Quy Nhơn đi Canh Vinh và đường ven biển từ Nhơn Hội chạy dọc ra phía bắc tỉnh. Đường nào cũng rộng “khủng”, một khối lượng công việc lớn như vậy nhưng đâu vẫn vào đó chỉ trong 2 - 3 năm, nếu không “chăn dân” tốt nhất định không thể làm được.
Trách nhiệm trước dân là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ cả. Dân chỉ tin vào lãnh đạo khi trách nhiệm kia được “hóa thân” vào công việc hằng ngày. Mọi việc sẽ đơn giản hơn với các nhà quản lý một khi dân tin vào sự điều hành của họ.
TRẦN ÐĂNG