Tráng ca thời thanh nữ
Năm 2020, tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Những nữ tù tuổi đôi mươi ngày nào giờ đã ở tuổi "lên lão". Với họ, 6 năm nơi nhà tù “có một không hai” trong lịch sử chiến tranh thế giới là những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng, như khúc tráng ca thời thanh nữ.
Tại Trại giam nữ tù binh Phú Tài (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) trong tổng số 904 nữ tù của 30 tỉnh, thành, Bình Định có khoảng 1/3, đông nhất nước. Khởi xướng thành lập Đảng trong tù và được bầu Bí thư Đảng ủy là người Bình Định, 5/7 thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ là người Bình Định, 5/10 chi bộ cũng là của Bình Định. Và, trong số 8 nữ tù anh dũng hy sinh trong tù, Bình Định có đến 5 người!
Những “bông hoa thép”
Thuộc số ít nữ tù tham gia cách mạng từ chống Pháp đến chống Mỹ, nhiều lần bị giam cầm tra khảo, nhưng khi biết nơi mình đang phải đến là trại giam nữ Phú Tài, nữ tù Nguyễn Thị Quyết (tức Tám Chỉ, hiện 86 tuổi, ở Quy Nhơn) không khỏi hoang mang.
Ban liên lạc nữ tù Phú Tài - Bình Định chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Nữ tù binh Trại giam Phú Tài trong lần thăm di tích trại giam cuối năm 2020.
Vượt qua tất cả, người nữ tù dày dạn này đã thể hiện vai trò tiên phong. Là đảng viên, bí thư chi bộ trước khi vào tù, bà Quyết bí mật khởi xướng việc thành lập Đảng trong tù. Ngày 19.8.1968, Đảng ủy trại giam Phú Tài biệt hiệu “BK” (bất khuất) ra đời; Ban Chấp hành có 7 người do đồng chí Tám Chỉ, cán bộ phụ nữ tỉnh Bình Định làm Bí thư, ngoài ra còn có 4 đồng chí khác cũng người Bình Định: Tôn Thị An (Hoài Nhơn) - Phó Bí thư, Đặng Thị Minh Hường (Hoài Nhơn), Phan Thị Tảo (Phù Cát) và Trần Thị Duy Vinh (Tuy Phước) - Đảng ủy viên. Từ sự ra đời của Đảng ủy BK, các tổ chức quần chúng: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đội Quyết tử, Đội Xung kích… được thành lập, thực hiện thành công mục tiêu nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng và xây dựng mặt trận chống địch trong trại giam.
Bà Ngô Thị Thanh Trúc, Trưởng Ban liên lạc nữ tù binh Phú Tài - Bình Định, bí thư chi bộ, phụ trách đội văn nghệ (hiện ở Quy Nhơn) tự hào: “Bị bao hình thức tra tấn về thể xác, tinh thần, song mọi khắc nghiệt lao tù không thể làm lung lay ý chí cách mạng, tinh thần trẻ trung yêu đời và nét nữ tính ở người nữ tù”.
Trại giam nữ tù binh Phú Tài do đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng, hoạt động từ tháng 6.1967 - 5.1972, giam giữ khoảng 1.000 tù binh nữ bị địch bắt trên 4 vùng chiến thuật từ sông Bến Hải trở vào Cà Mau. Ðây là trại giam nữ tù binh duy nhất ở Việt Nam và cũng là “có một không hai” trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Thành lập 4 tổ học văn hóa, dưới sự canh gác, bảo vệ của đội quyết tử, bí mật tự tạo dụng cụ học tập và dạy cho nhau, chị em đã biến trại giam thành trường học, nhiều cô giáo trong tù là người Bình Định: Lê Thị Hóa, Võ Thị Thanh Quyết (Phù Cát), Đinh Thị Thơ (Tuy Phước), Trần Thị Kính, Trần Thị Yên (Hoài Nhơn)…
Đội văn nghệ TK (trung kiên) ra đời, “nghệ sĩ” son phấn bằng bột gạo và hoa, lá màu đỏ, dùng lời ca tiếng hát xoa dịu nỗi đau, tranh thủ mọi điều kiện để sáng tác, dàn dựng, biểu diễn, cổ vũ khí thế đấu tranh.
“Chị em chúng tôi đã nhường nhau từng miếng ăn, manh áo. Trước đòn roi, người khỏe ôm người ốm yếu che chắn, tự nguyện chịu đau đớn thay đồng đội mình. Sức mạnh vượt qua tất cả chính là làm theo lời của Bác Hồ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Quyết, Đoàn trưởng Đoàn chiến thắng nữ tù Phú Tài - Bình Định, xúc động. Nói rồi bà rưng rưng hồi ức đọc mấy câu thơ của người bạn tù Nguyễn Thị Thanh Tùng (TP Hồ Chí Minh): “Em sống trong lò lửa đấu tranh, vẫn tươi như đất nước mùa xuân...”.
Đẹp tươi câu thề
Nữ tù binh Phú Tài là người Bình Định có một lời thề: “Sống trong tù kiên trung, bất khuất; sống ngoài đời tình nghĩa, thủy chung”. Trong niềm vui tự do (ngày 15.2.1973 tại sân bay Lộc Ninh - Bình Phước, sau Hiệp định Paris, phía Mỹ thực hiện trao trả tù binh), tạm biệt nhau, họ nhắc lại lời thề, cùng hứa tiếp tục sống xứng đáng.
Hai nữ tù Nguyễn Thị Quyết (trái) và Ngô Thị Thanh Trúc bồi hồi xem lại những ảnh tư liệu về đồng đội, tập thể mình.
Bà Võ Thị Thanh Quyết (69 tuổi, ở Quy Nhơn), thành viên Ban liên lạc tỉnh, nữ tù trẻ tuổi nhất, cho hay, sau ngày trao trả, đa số nữ tù Bình Định trở về địa phương hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng. Trong công tác, nhiều người sau khi nghỉ hưu tiếp tục đóng góp cho địa phương, với cuộc sống đời thường, chị em phát huy phẩm chất “trung hậu, đảm đang”, khéo vun vén hạnh phúc gia đình.
Một trong những tấm gương tiêu biểu là bà Trần Thị Dư ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, từ khi về hưu đến nay tròn 70 tuổi chưa lúc nào ngơi nghỉ với các nhiệm vụ ở cơ sở và công tác nhân đạo từ thiện. Một điển hình khác là bà Trương Thị Phụng ở xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn, thương binh hạng 2, chồng là thương binh hạng 1, họ vẫn “biến sỏi đá thành cơm”, nuôi cả 4 con học đại học và trưởng thành, là gương lao động sản xuất giỏi, gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Hoài Nhơn có 93 nữ tù Phú Tài, đông nhất tỉnh, hiện còn sống 78 người. Cùng phụ trách ban liên lạc, bà Phụng và bà Trần Thị Yên (ở Hoài Hương) luôn nỗ lực tạo mối dây gắn kết đồng đội ở địa phương cũng như trong tỉnh để kịp thời hỗ trợ, động viên nhau trong cuộc sống.
Mỗi dịp cuối năm, các nữ tù còn có thể đi lại được đều tổ chức gặp mặt, cùng đi thăm lại nơi ghi dấu thời thanh nữ khốc liệt mà rực rỡ. Những người phụ nữ chưa từng khuất phục trước bạo tàn tra tấn của kẻ thù, mỗi lần gặp lại đồng đội đều không kìm được nước mắt. Sự kiện tập thể được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân đúng vào dịp Quốc khánh 2.9.2020 là niềm tự hào của tất cả. Đón nhận tin vui đặc biệt đó, những nữ anh hùng không nhắc về gian khổ, mất mát đã qua, lòng mãn nguyện vì đóng góp của mình đã được ghi nhận xứng đáng.
Bài, ảnh: TƯỜNG MINH