Bay xa đi những cánh chim mơ ước
Bây giờ, về thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, hỏi thăm về ông Lê Văn Tám, nhiều người biết rất rõ, bởi gia đình ông là một hiện tượng đặc biệt: Sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng có tới 2 đứa con du học Nhật Bản!
Ðừng quá ngạc nhiên, gia đình ông Lê Văn Tám chỉ là một trong nhiều trường hợp được ông Nguyễn Tổng, thành viên Tổ Tư vấn của Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin (Nhật Bản) giúp đỡ. Có thể xem cha con ông Tổng là cầu nối để nhiều học sinh Bình Định đến Nhật Bản du học.
Cha và con cùng mở lối du học
Ông Nguyễn Tổng từng là giáo viên nổi tiếng của Trường cấp 3 Quang Trung, TP Quy Nhơn (nay là Trường Quốc Học Quy Nhơn). Nhưng vì nhiều lý do, ông xin nghỉ việc sớm để cùng vợ kinh doanh, nuôi các con ăn học. Từng là thầy giáo nên ông đặc biệt quan tâm đến việc học của các con, nhất là học ngoại ngữ. Thấm thía những khó khăn, vất vả khi thực hiện kế hoạch đưa các con du học cộng với tâm huyết, kinh nghiệm, ông và con trai của mình - PGS.TS Nguyễn Chí Nghĩa (làm việc tại Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin) đã đưa chương trình học bổng của Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin về Bình Định.
Ông Nguyễn Tổng thăm du học sinh Bình Định tại Nhật. Ảnh: NVCC
Năm 2003, anh Nguyễn Chí Nghĩa học chuyển tiếp chuyên ngành Luật và Quản trị Kinh doanh tại Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin. Anh là sinh viên Việt Nam đầu tiên của trường và là người kết nối học sinh Việt Nam với Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin sau này. Từ năm 2014, học sinh giỏi của Bình Định có cơ hội nhận học bổng du học Nhật Bản với nhiều hỗ trợ miễn phí, tận tâm từ gia đình ông Tổng. Cứ thế, ở Nhật Bản, PGS.TS Nguyễn Chí Nghĩa tìm cách kết nối, đưa chương trình học bổng về Bình Định và giúp đỡ sinh viên Việt bên Nhật; ở Việt Nam, ông Nguyễn Tổng cần mẫn hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ học sinh.
Hồ sơ du học qua Nhật không dễ, những trường hợp bình thường, một bộ hồ sơ cần 19 loại giấy tờ, nhưng những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt hơn, số loại giấy tờ lên đến 32. Để học sinh, phụ huynh không bị rối, ông Tổng chịu khó tư vấn tỉ mỉ và hướng dẫn làm từng bước một, xong bước nào phải chắc bước đó. Do vậy, các bộ hồ sơ gửi đi đều được trường đánh giá là hoàn hảo.
Tính đến nay, đã có 70 học sinh Bình Định tham gia học tập tại Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin. Khi nói về các em, ông Tổng kể rành rọt từng hoàn cảnh gia đình, cả tính cách, sở thích các em. Có lần ông Tổng tâm sự, tôi mơ ước, suy nghĩ và tâm huyết nhất là thành lập cộng đồng người Việt Nam tại Nhật và hiện đã tập trung 70 em sinh viên Bình Định ở đó.
Như tự nhận lãnh trách nhiệm, ông Tổng hay qua Nhật thăm các du học sinh mỗi khi tốt nghiệp, vào năm học mới hoặc Trung thu. Dịp Tết Trung thu, vợ chồng ông mang bánh trung thu tặng các cháu để gợi nhớ hương vị quê nhà. Câu nhắc nhở thường xuyên của ông luôn là: “Thầy chỉ mong một điều là khi trưởng thành, các con cố gắng giúp thế hệ đàn em có cơ hội học tập, nghiên cứu tốt”!
Mỗi học sinh là một hạt giống tốt
Gặp ông Lê Văn Tám (ở thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước), người cha có 2 đứa con đi du học Nhật, tôi hỏi vui, chú đã bán bao nhiêu con bò rồi? Ông Tám thật thà đáp, cũng phải hơn chục con rồi, nhà quê tính mọi thứ bằng bò, bằng lúa, rau thôi.
Ông Tám nhớ lại: Hồi thầy Tổng lên Trường THPT số 1 Tuy Phước tư vấn tuyển sinh, thằng con lớn của tôi - Lê Đức Khải, học tốt lắm, thầy khuyên nên du học ở Nhật Bản. Nghe thầy đánh giá cao con mình, tôi rất vui mừng, nhưng lo lắng nhiều hơn. Tính tới tính lui mà không thấy cửa nào đảm đương nổi chi phí du học, hơn nữa Khải còn 3 đứa em. Thầy năm lần bảy lượt đến động viên nhưng ở quê không có nổi số tiền vậy. Nhắm không ổn, tôi bảo Khải thôi con lựa lời nói với thầy là mình xin rút. Rồi gần tới ngày phỏng vấn, hai vợ chồng cứ trằn trọc không ngủ được. Sau đó thầy nhiệt tình tư vấn, động viên cả gia đình nội ngoại hai bên gom góp thêm cho đủ tiền gửi ngân hàng chứng minh năng lực kinh tế. Đợt đó thầy vất vả nhiều.
Nối bước anh trai Lê Đức Khải, em gái Lê Mỹ Nhật Hoàng cũng vừa sang Nhật Bản du học. Mỗi lần con đi là mỗi lần vợ chồng ông Lê Văn Tám lại bộn bề hơn. Nhắc đến nỗi vất vả, vợ chồng ông Tám cười hiền bảo: Giờ còn nợ nần nhiều lắm nhưng thấy con mình có điều kiện học tập sinh sống vậy, thật sự đó là động lực, làm cực như thế nào cũng thấy khỏe!
Hiện tại, chương trình học bổng của ĐH Aomori Chuo Gakuin đang liên kết với 4 trường tại Bình Định là: THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quốc học Quy Nhơn, THPT Trưng Vương, THPT số 1 Tuy Phước với các mức học bổng là 80%, 70%, 60%. Sắp tới, chương trình sẽ mở rộng thêm 2 trường là Trường THCS và THPT iSchool Quy Nhơn, THPT số 1 An Nhơn. Hơn nữa, cha con ông Nguyễn Tổng và Nguyễn Chí Nghĩa tiếp tục tìm và xin được một vài chương trình học bổng khác, đây là học bổng phổ biến rộng rãi với mức học bổng gồm 57% và 67%.
“Tôi sẽ yểm trợ để các cháu làm hồ sơ miễn phí. Tôi quan niệm, mỗi học sinh du học thành công là quê hương, dân tộc có thêm một hạt giống tốt, chứ không chỉ riêng gia đình, quê hương Bình Định mình đâu. Tôi hỗ trợ được một cháu ở nông thôn du học thành công nhiều khi mừng vui hơn một cháu ở phố. Thành ra hễ nghe ở nông thôn có cháu nào muốn du học là tôi tìm tới tận nơi tìm cách giúp để các cháu thỏa nguyện!”, ông Tổng chia sẻ.
ĐỖ THẢO