Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: Vi phạm luật pháp quốc tế
Sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam một cách bất hợp pháp tháng 1-1974, đã làm Biển Đông cuộn sóng với luồng dư luận phản đối gay gắt không chỉ từ ngày ấy đến bây giờ, mà mãi mãi đến mai sau. Nguyên tắc, luật pháp quốc tế nghiêm cấm việc dùng vũ lực đánh chiếm, thôn tính lãnh thổ của quốc gia khác. Mọi vùng đất, vùng trời, vùng biển có được từ hành vi bất hợp pháp ấy đều không được công nhận.
Nói không với vũ lực - mấu chốt của hòa bình thế giới
Lịch sử thế giới từ thời cổ đại, trung đại đến cận đại, hiện đại còn ghi lại sự tàn bạo của nhiều cuộc chiến tranh tranh đẫm máu, gây bao đau thương, tang tóc cho loài người. Từ những cuộc chiến thời Hy Lạp, La Mã cổ đại cho đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thứ 2 của thế kỷ XX đều ghi đậm dấu ấn của bạo lực và lợi quyền. Đất đai, tài nguyên, thị trường luôn luôn là những nguyên cớ để các quốc qia, thế lực mạnh tìm mọi thủ đoạn thôn tính, bành trướng trong đó đặc biệt dùng biện pháp vũ lực. Trung Quốc xưa cũng là điển hình của những cuộc chiến tranh liên miên giữa các nước trong lục địa Trung Hoa, mà lịch sử đã ghi lại là "xương chất thành núi, máu chảy thành sông”…
Những bài học lịch sử có được từ máu xương đã cảnh tỉnh loài người. Từ thế kỷ XVIII, với mong muốn hoà bình, các quốc gia đã dần từng bước xây dựng nên những quy tắc để cùng nhau thực hiện. Công ước Lahay năm 1899 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế; Công ước năm 1907 đều đã đề cập đến vấn đề không được dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực. Quy chế Hội Quốc Liên (sau Thế chiến thứ nhất) cũng quy định các nước thành viên không được dùng chiến tranh khi chưa áp dụng biện pháp hòa bình. Hiệp định Paris 1928 đã nêu: "Các quốc gia thành viên lên án việc sử dụng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế và cam kết không dùng chiến tranh như một công cụ quốc sách trong quan hệ với nhau”. Đặc biệt, sau Thế chiến lần thứ hai, năm 1945, Hiến chương của LHQ ra đời đã đề cao nguyên tắc "cấm sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa bằng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, cấm chiến tranh, xâm lược. Khoản 2, Điều 4 Hiến chương LHQ nêu rõ: "Tất cả các nước thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của LHQ”.
Từ Hiến chương của LHQ, sau đó Đại hội đồng LHQ cũng tiếp tục có nhiều văn bản khẳng định lại nguyên tắc, quy định này. Như Nghị quyết 1514 ngày 14.12.1960 trao trả nền độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa viết: "Mọi hành động vũ trang và mọi biện pháp đàn áp, bất kể thuộc loại nào, chống lại các dân tộc phụ thuộc sẽ phải được chấm dứt để các dân tộc đó có thể thực hiện quyền của họ về độc lập hoàn toàn một cách hòa bình và tự do, và toàn vẹn lãnh thổ của họ sẽ được tôn trọng”. Tuyên ngôn cuả LHQ năm 1970, với Nghị quyết 26/25 tiếp tục viết: "Các quốc gia có nghĩa vụ không được đe dọa dùng hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”; "Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”…
Bất chấp vì quyền lợi
Mặc dù luật pháp quốc tế đã quy định rõ; mặc dù là thành viên thường trực của HĐBA LHQ, nhưng rồi vì mối lợi, âm mưu chiếm trọn Biển Đông vì tài nguyên và tạo vị thế chiến lược khống chế một khu vực cực kỳ rộng lớn, Trung Quốc đã bất chấp tất cả. Từ việc lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp, Pháp thua trận phải rút quân khỏi Việt Nam năm 1956, khi Việt Nam chưa bố trí lực lượng phòng thủ, Trung Quốc đã đem quân chiếm giữ một số đảo ở Trường Sa, một số đảo ở Hoàng Sa. Đặc biệt, năm 1974, họ đã đem quân tấn công chiếm toàn bộ các đảo ở Hoàng Sa. Năm 1988 họ lại tiếp tục dùng vũ lực tấn công chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa.
Việc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa đã nằm trong âm mưu liên tục, lâu dài của Trung Quốc. Từ việc vẽ ra trên ý tưởng, chủ trương, giấy tờ cho đến từng bước tăng cường đầu tư lực lượng quân sự trên biển. Chỉ vì bởi pháp luật quốc tế nên họ đành phải "nghe ngóng”, chờ thời. Tuy nhiên trước những mối lợi Biển Đông với tiềm năng hải sản, hàng hải và nhất là dầu mỏ dần phơi ra, họ càng "sốt ruột”. Như năm 1956, khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tổ chức nghiên cứu thủy văn, khai thác phốt-phát ở Hoàng Sa thì năm 1959, Trung Quốc đã đưa 5 thuyền đánh cá với 82 ngư dân trang bị vũ khí đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa, phía Tây quần đảo này nhằm thực hiện âm mưu chiếm đoạt. Thế nhưng lực lượng này đã bị quân đội VNCH bắt giữ, áp giải đưa về tạm giam tại Đà Nẵng, sau đó mới trao trả cho Trung Quốc. Đến tháng 9-1973, khi chính quyền VNCH thông báo dự định khảo sát dầu lửa khu vực ngoài khơi đối diện quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc không còn chờ đợi nữa. Ngày 15.1.1974, họ đã bất chấp luật pháp quốc tế, cho quân đánh chiếm các đảo ở Hoàng Sa. Trước đó, ngày 11.1.1974, Trung Quốc ra tuyên bố VNCH "xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, để lấy cớ đổ bộ quân. Và rồi với trận hải chiến ngày 19.1.1974, dù 74 người lính VNCH đã ngã xuống, 4 tàu chiến đã bị đánh hỏng khi quyết tâm bảo vệ các đảo nhưng vẫn không thể trụ được với lực lượng áp đảo, được chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung Quốc.
Cũng ngay từ ngày 16.1.1974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền VNCH đã họp báo kịch liệt tố cáo hành vi của Trung Quốc khi huy động tàu chiến, đưa quân đổ bộ, chiếm đóng các đảo ở Tây Hoàng Sa. Quan sát viên của VNCH tại LHQ cũng chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại Hoàng Sa. Ngày 19.1.1974, Bộ ngoại giao VNCH ra tuyên bố kêu gọi các dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới lên án, chấm dứt hành động này. Tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn làm ngơ, bởi tất cả đã nằm trong kế hoạch, trù tính của họ. Thậm chí, sau đó, khi Công ước Luật Biển 1982 ra đời, đã phân định rõ ràng ranh giới biển của các quốc gia, khẳng định rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; Trung Quốc cũng là nước đã ký tham gia Công ước, thế nhưng ngày 14.3.1988, Trung Quốc lại tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma cùng một số điểm khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Trung Quốc đã bất chấp Hiến chương LHQ, bất chấp Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 và các văn bản quốc tế liên quan…
Công lý vẫn là công lý
Dù cho phía Trung Quốc có cố tình dùng vũ lực, lợi dụng cơ hội để thôn tính quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam; và rồi từ đó dù cho họ có xây dựng hạ tầng, cố thủ và tạo vỏ bọc cho những gì họ chiếm được từ tuyên truyền, nguỵ biện, đánh trống, la làng... nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự thật Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Sự thật là Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội lúc tranh tối, tranh sáng để dùng vũ lực, cậy thế mạnh, dùng lực lượng quân sự áp đảo chiếm Hoàng Sa, chiếm một số đảo ở Trường Sa. Điều này là bất chấp lịch sử, bất chấp thực tế, ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế. Do đó, những hòn đảo họ chiếm đóng là không hợp pháp, mãi mãi không được thừa nhận.
Với Việt Nam, mọi thời đại, mọi chính thể đều luôn luôn tôn trọng luật pháp, nhất là luật pháp quốc tế. Người Việt Nam luôn luôn tôn trọng và yêu chuộng hòa bình. Mọi sự tranh chấp, phân xử trước tiên đều tiến hành bằng thương lượng, giải quyết trên cơ sở hòa bình. Ngay sau cuộc chiến tháng 1-1974, cùng với chính quyền VNCH, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã bày tỏ quan điểm, khẳng định chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng; cần xem xét trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị, láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tháng 6-1994 khi phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển, Quốc hội Việt Nam tuyên bố: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”...
Trong tình trạng hiện nay, nhiều người băn khoăn, liệu vấn đề Hoàng Sa tới đây sẽ được giải quyết như thế nào? Thực tế, lịch sử Việt Nam - Trung Quốc ngay từ nhiều thế kỷ trước đây đã diễn ra những cuộc thương lượng, đòi lại những vùng đất mà trước đó Trung Quốc chiếm đóng. Trung Quốc cũng từng phải trả lại những vùng đất trước đó đã chiếm của Việt Nam. Vì thế, với những gì là sự thật, với sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tình cảm láng giềng, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý.
. Theo Kiên Long (Đại đoàn kết)