Đột phá từ cực tăng trưởng phía Bắc
Một trong 3 khâu đột phá phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh. Cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh có những tiềm năng, lợi thế nào? Đâu là giải pháp để khắc phục điểm nghẽn, đưa vùng phía Bắc cất cánh?
Nhận diện tiềm năng, thế mạnh
Nhiều chuyên gia cho rằng, Bình Ðịnh như một Việt Nam thu nhỏ, có biển đảo, có đồng bằng, trung du, miền núi. Ðể tỉnh phát triển theo hướng bền vững thì phải thấy được đặc điểm, tiềm năng của từng địa bàn. Khu hẹp lại, với 4 địa phương thuộc khu vực phía Bắc, cần xác định rõ tiềm năng, thế mạnh để đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tạo sức bật mới.
Chỉ chiếm 28,8% diện tích và 32,5% dân số cả tỉnh, nhưng khu vực phía Bắc (gồm TX Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão) được đánh giá là khu vực hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển kinh tế biển, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Nhiều năm qua, khu vực này đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong phát triển KT-XH; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 54% cả tỉnh, trong đó giá trị sản xuất thủy sản chiếm đến 68,8%.
Hoài Nhơn: Động lực từ 2 mũi nhọn
TX Hoài Nhơn nằm ở vị trí trung tâm kết nối các địa phương phía Bắc, đồng thời tiếp giáp với TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), với hệ thống giao thông ngày càng mở rộng thông qua tuyến QL 1A, các tuyến đường liên huyện; có ga đường sắt Bồng Sơn, Tam Quan tạo thêm lợi thế về giao thông vận tải hành khách và hàng hóa. Đây là điều kiện tiên quyết để xác định TX Hoài Nhơn là trung tâm, đầu tàu thúc đẩy phát triển khu vực phía Bắc tỉnh.
Thế mạnh của Hoài Nhơn là kinh tế biển. Ảnh: DŨNG NHÂN
Trên lĩnh vực kinh tế, Hoài Nhơn có 2 mũi nhọn chính là công nghiệp, thương mại, dịch vụ và kinh tế biển. Giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 22,3%/năm; thương mại, dịch vụ tăng 20,1%/năm. Đến nay, thị xã có 10/11 cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động thu hút trên 35 DN đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 65,9%. Ngoài cụm công nghiệp có trên 500 DN đầu tư sản xuất kinh doanh. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh. Địa phương cũng đang triển khai 13 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 453 tỷ đồng.
Với bờ biển dài trên 24 km, có 2 cửa biển và hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá cấp vùng, hơn 2.100 tàu cá có chiều dài trên 15 m khai thác hải sản xa bờ, kinh tế biển được xác định là một trong những trụ cột phát triển của Hoài Nhơn.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoài Nhơn Văn Thanh Gia, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Hoài Nhơn đã xây dựng và tập trung lãnh đạo thực hiện Chương trình hành động về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, giai đoạn 2016 - 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế biển đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương, với tổng giá trị trên 5.380 tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu; trong đó, lĩnh lực khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đạt 3.326 tỷ đồng, chiếm 12,6%. “Kinh tế biển giữ vai trò động lực quan trọng, tạo diện mạo phát triển trên quê hương Hoài Nhơn từng bước khang trang, hiện đại, nhất là các địa phương ven biển”, ông Văn Thanh Gia nhấn mạnh.
Cùng với đó, các ngành nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh và dịch vụ liên quan kinh tế biển phát triển khá mạnh. Toàn thị xã có 9 DN đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá; 56 DN thu mua hải sản; trên 120 DN, cơ sở kinh doanh máy móc, ngư lưới cụ, thiết bị hàng hải, dịch vụ hậu cần và chế biến thủy hải sản; giải quyết việc làm ổn định cho hơn 20.000 lao động.
Phù Mỹ: Phong phú tài nguyên biển
Theo số liệu của phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Mỹ, tài nguyên biển của huyện khá phong phú. Trữ lượng cá trong vùng biển Phù Mỹ ước tính khoảng 50.000 tấn, trong đó cá chuồn 20.000 - 25.000 tấn, cá ngừ 2.000 - 3.000 tấn, cá cơm 1.000 - 1.500 tấn... sản lượng có khả năng khai thác để đảm bảo phát triển bền vững hằng năm là 25.000 - 30.000 tấn. Trữ lượng tôm khoảng 1.000 - 1.500 tấn, khả năng khai thác 300 - 500 tấn/năm; trữ lượng mực 1.000 - 1.500 tấn, khả năng khai thác 500 - 1.000 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản đến năm 2020 là 88.500 tấn, đạt 118% kế hoạch, tăng 32,4% so với năm 2015.
Mũi Vi Rồng - cảnh quan thiên nhiên độc đáo của huyện Phù Mỹ. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Bên cạnh đó, theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nguyễn Đông Cường, vùng nước lợ của thuộc địa bàn Phù Mỹ gắn liền với eo, vịnh biển và các cửa sông nối ra biển có nồng độ muối thấp, nguồn thức ăn phong phú và đa dạng, rất thích hợp cho các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển. Trong đó, có những loài đặc sản nổi tiếng của Phù Mỹ như cá chua ở vùng đầm Đề Gi, chình mun ở đầm Trà Ổ có giá trị kinh tế rất cao.
Phù Mỹ có 32 km chiều dài đường bờ biển, mang đậm nét cảnh quan tự nhiên vũng, vịnh… với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh biển hài hòa, hấp dẫn như Mũi Vi Rồng - Tân Phụng, Hải Đăng - Mỹ An, đầm Trà Ổ... Từ đó, các hoạt động du lịch bước đầu được hình thành. Thêm vào đó, số giờ nắng cả năm trung bình ở huyện Phù Mỹ khoảng 2.509 giờ, thuận lợi cho phát triển các nguồn năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời).
Hoài Ân: Vững vàng từ ngành nông nghiệp
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020” đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp của huyện Hoài Ân. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng cao, nhất là cây lúa năm 2020 bình quân đạt 71 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với năm 2015. Tổng diện tích các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương phát triển trên 1.000 ha, chủ yếu là bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ sáp với trên 600 ha, trong đó gần 220 ha đã cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Nhiều mô hình cây ăn quả quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng.
Hoài Ân đang phát triển mạnh cây ăn quả trong đó có bưởi da xanh. Ảnh: TỐNG BÌNH
Ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng trên 65% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, được đánh giá đứng đầu của tỉnh và khu vực miền Trung về số lượng và chất lượng. Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho hay: “Tuy còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi, nhưng huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch mang lại hiệu quả; kịp thời hỗ trợ cho người dân thực hiện tái đàn heo sau dịch đạt kết quả tốt”.
Đến nay, tổng đàn heo được duy trì và phát triển trên 230 nghìn con, tăng 57,5% so với đầu năm 2020. Phong trào chăn nuôi bò thịt, nuôi gà thả vườn, đồi ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi công nghệ cao và an toàn sinh học, 61 trang trại và hơn 1.900 gia trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và xử lý môi trường.
An Lão: Lợi thế từ tài nguyên đất
An Lão là huyện miền núi có hơn 65.176 ha đất lâm nghiệp, chiếm 93,5% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, tài nguyên đáng kể nhất chính là đất vàng đỏ trên đá macma axit với 56.934 ha, chiếm 82,4% diện tích tự nhiên.
Huyện An Lão có lợi thế lớn từ tài nguyên đất đai. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Theo Chủ tịch UBND huyện Trương Tứ, nhờ thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng nên tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện trong thời gian qua khá cao (năm 2020 đạt 82%). Đặc biệt, huyện An Lão có Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn với trên 25.000 ha, có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, có nhiều thắng cảnh đẹp.
Huyện có nhiều cảnh quan độc đáo như: Thủy điện Sông Vố, thác Đá Ghe, suối đá Cây Số Bảy, hồ Hưng Long… Trong đó nổi trội là Đồi Sim với hàng trăm hecta sim, thác Đá Ghe với vẻ đẹp nguyên sơ, thung lũng An Toàn được ví là “Cổng trời” của Bình Định. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên thì đời sống của người dân tộc thiểu số trong vùng là một trong những tiềm năng lớn để khai thác phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực này.
Với những lợi thế đó, trong những năm qua, huyện An Lão đã từng bước khai thác có hiệu quả, góp phần đưa kinh tế của huyện ngày phát triển, tăng trưởng trung bình trên 12%. Thu nhập bình quân từ 15 triệu đồng lên 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 59,8% năm 2016 còn 28,1% năm 2020.
Cùng nhau để đi xa
Có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng khu vực phía Bắc của tỉnh vẫn chưa có sự bứt phá. Nhận diện, khắc phục điểm nghẽn, quyết tâm siết tay nhau vượt khó là yêu cầu quan trọng đặt ra.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 30.11.2018, Hoài Nhơn được quy hoạch là đô thị trung tâm vùng phía Bắc tỉnh Bình Định, có vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển KT-XH các huyện phía Bắc tỉnh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp nhẹ và sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Song, còn nhiều việc phải làm để “đầu tàu kéo được đoàn tàu đi xa”.
Nhận diện điểm nghẽn
Theo TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, điểm nghẽn lớn nhất đối với khu vực phía Bắc tỉnh chính là hạ tầng giao thông. Đường giao thông nhỏ hẹp, xuống cấp gây cản trở giao thương buôn bán. “Để vùng kinh tế phía Bắc phát triển, tôi cho rằng phải đột phá vào hạ tầng, kết nối TX Hoài Nhơn với huyện An Lão, Phù Mỹ, Hoài Ân và cả Quảng Ngãi, Kon Tum qua QL 24. Tuyến QL 24 kết nối về phía biển sẽ tạo điều kiện để xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá ở Tam Quan. Hạ tầng có kết nối thì kinh tế mới liên thông và phát triển theo. Nhà nước phải có vai trò kết nối giao thông, còn việc khác có thị trường, DN tự làm”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Hiện nay, ĐT 629 là tuyến đường tỉnh duy nhất nối Hoài Ân, Hoài Nhơn đến huyện An Lão. Định hướng đến năm 2025, ĐT 629 sẽ kết nối tới huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), tạo đột phá phát triển kinh tế kết nối vùng biển với miền núi theo tuyến Hoài Nhơn - An Lão - Ba Tơ - Kon Plông và ngược lại.
“Tuy nhiên vì thiếu vốn, con đường này chỉ đang dừng lại ở xã An Hưng (huyện An Lão), khiến cho việc mở rộng không gian phát triển kinh tế của huyện còn khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, tuyến đường thường hay bị ngập nặng và huyện An Lão như bị cô lập vào thời gian này”, Chủ tịch UBND huyện An Lão Trương Tứ chia sẻ.
ĐT 629 xuống cấp là nỗi bức xúc lớn không chỉ của người dân địa phương. Còn nhớ, tại buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh tại thị trấn An Lão (huyện An Lão) cuối năm 2019, đa số ý kiến của cử tri cũng tập trung vào vấn đề này. Người viết bài cũng nhiều lần trải nghiệm gian nan với “con đường đau khổ” này.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, một thách thức lớn đặt ra đối với các địa phương ở khu vực phía Bắc tỉnh là chưa có những nhà máy sản xuất lớn để chế biến các mặt hàng từ nguyên liệu là các sản phẩm thế mạnh. Đây chính là trăn trở của Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc trước tình trạng giá thịt heo nhiều lần “nhảy múa”, thị trường tiêu thụ phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài. Hoài Ân - “vựa heo của miền Trung” đang cần một nhà máy chế biến thực phẩm, có thể đặt ở Hoài Ân hoặc Hoài Nhơn để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi.
Bà Trần Thị Tuyết - chủ trang trại heo ở thôn Lộc Giang (xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân; hiện nuôi 600 heo nái, chuyên phục vụ heo giống cho người dân địa phương), tâm sự: “Lâu nay chủ yếu xuất heo thô, đàn càng lớn thì càng “khóc đứng khóc ngồi” mỗi khi mất giá. Chúng tôi thật sự mong mỏi có một nhà máy chế biến - một địa chỉ tiêu thụ ổn định - để yên tâm tái đàn, giữ đàn”.
Sản phẩm bánh tráng Sachi của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (TX Hoài Nhơn). Ảnh: THU DỊU
Và, ngay cả với Hoài Nhơn - “thủ phủ” của nghề biển - cũng đau đầu với tình trạng bấp bênh đầu ra cho các sản phẩm chủ lực. “Thực tế là tốc độ phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số ngành nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành biển thiếu tính bền vững, ngay cả với sản phẩm chủ lực là cá ngừ đại dương”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Chí Công cho hay.
Có thể thấy, một khi Hoài Nhơn thu hút được dự án xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng cao, đối tượng hưởng lợi không chỉ là người dân thị xã, mà còn mở rộng sang cả huyện Hoài Ân, Phù Mỹ lân cận.
Đồng lòng, chung sức
Ngày 26.12.2020, UBND huyện Hoài Ân tổ chức Lễ khởi công xây dựng cầu Phú Văn (giai đoạn 2), bắc qua sông Kim Sơn kết nối huyện Hoài Ân với TX Hoài Nhơn, với tổng mức đầu tư gần 96,6 tỷ đồng. Dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 12.2022, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển, trao đổi hàng hóa của người dân, rút ngắn thời gian đi lại giữa các xã phía Bắc huyện Hoài Ân với TX Hoài Nhơn, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Hoài Nhơn hỗ trợ huyện Hoài Ân 5 tỷ đồng để xây cầu, thể hiện sự chung tay vì lợi ích chung.
“Quyết tâm đưa khu vực phía Bắc phát triển phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, mang lại kết quả rõ ràng với từng chỉ số trên từng lĩnh vực. Trong đó, yêu cầu quan trọng đầu tiên là tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa”, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh nói.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, Bí thư Huyện ủy An Lão Phạm Văn Nam cho rằng, mỗi nơi phải phát huy thế mạnh nhưng phải chú trọng tính kết nối, cân đối, hài hòa với tương quan sản xuất của các địa phương khác trong khu vực. “Đối với diện tích rừng trồng, huyện sẽ chuyển dần sang cây gỗ lớn gắn với thực hiện chứng chỉ rừng để cung cấp nguyên liệu cho phát triển ngành công nghiệp, kêu gọi thu hút đầu tư nhà máy chế biến gỗ - nguyên liệu giấy tại chỗ và tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ”, ông Nam thông tin.
Cần tăng cường cơ chế trao đổi thông tin
Theo Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Bắc giữa các địa phương (trong đó Hoài Nhơn giữ vai trò trung tâm), cần tăng cường và phát huy hơn nữa cơ chế trao đổi thông tin. Hoài Nhơn sẽ đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa lãnh đạo 4 địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong định hướng phát triển chung. Ðồng thời, tranh thủ được nhiều hơn nữa các nguồn lực của tỉnh và Trung ương để phục vụ cho sự phát triển của khu vực; tránh xảy ra tình trạng manh mún, phát triển cục bộ ở từng địa phương.
Còn theo Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đảng bộ, dân và quân Hoài Nhơn xác định quyết tâm rất cao để nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển thị xã xứng tầm vai trò “đầu tàu” khu vực phía Bắc tỉnh. Trong đó, sẽ bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đảm bảo cho sự phát triển của Hoài Nhơn được đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển của khu vực phía Bắc và cả tỉnh.
“Trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển KT-XH của thị xã sẽ chú trọng khai thác những tiềm năng, lợi thế của Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ, kể cả TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) để bổ sung những điều kiện còn thiếu, còn hạn chế của Hoài Nhơn. Đồng thời, liên kết, chia sẻ những yếu tố thuộc về thế mạnh của Hoài Nhơn để bổ sung, phục vụ cho sự phát triển các huyện khu vực phía Bắc”, ông Phạm Trương bày tỏ.
Cụ thể, Hoài Nhơn đang xúc tiến đề nghị tỉnh thành lập Khu công nghiệp Bồng Sơn với tổng diện tích 250 ha tại phường Hoài Đức, là vị trí rất thuận lợi để phục vụ chung cho sự phát triển công nghiệp không chỉ của Hoài Nhơn mà bao gồm cả Phù Mỹ, Hoài Ân và An Lão. Một động thái khác, vừa qua Hoài Nhơn đã đồng ý chủ trương để Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) mở cơ sở đào tạo và chuyển giao ứng dụng công nghệ nông lâm ngư, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ KHKT phục vụ chung cho sự phát triển nông lâm ngư nghiệp - vốn là tiềm năng, thế mạnh của các huyện lân cận.
Tạo điều kiện liên kết để bứt phá
Ðể cực tăng trưởng phía Bắc vươn lên mạnh mẽ, bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của từng địa phương, vai trò định hướng, chỉ dẫn, hỗ trợ cơ chế, chính sách của cấp trên rất quan trọng. PV Báo Bình Ðịnh đã ghi nhận ý kiến của một số nhà lãnh đạo, chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Giao thông kết nối là nút thắt trong phát triển của khu vực phía Bắc tỉnh.
- Trong ảnh: Đường ven biển ĐT 639 đi qua khu vực Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn). Ảnh: NGUYỄN DŨNG
TS TRẦN DU LỊCH - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Tập trung cho thể chế, hạ tầng, nhân lực
Với định hướng vị trí, vai trò quan trọng của các địa phương phía Bắc, tôi cho rằng, để phát triển bền vững thì phải làm tốt công tác quy hoạch cả vùng phía Bắc tỉnh, từ đó phân bố lực lượng sản xuất phù hợp. Tôi lấy ví dụ, nơi nào cần quy hoạch để trồng rừng sản xuất, nơi nào xây dựng nhà máy chế biến gỗ, nơi nào sẽ làm nông nghiệp kỹ thuật cao và nơi nào tổ chức các nhà máy chế biến?
Vấn đề quan trọng nữa là trong 2 - 3 năm tới, tỉnh phải hoàn thành tuyến đường ven biển từ Quy Nhơn đến Tam Quan. Từ tuyến đường này sẽ tạo điều kiện hình thành các đô thị ven biển và các điểm du lịch hấp dẫn. Đồng thời, có sự nối kết một cách chặt chẽ giữa 5 trụ cột tăng trưởng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định với từng địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm thay đổi về mặt thể chế để thu hút được các DN đầu đàn cho khu vực phía Bắc. Đồng thời, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuẩn bị đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Có thể nói, khu vực phía Bắc tỉnh vươn lên sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của cả tỉnh. Trong giai đoạn 2026 - 2030, Bình Định sẽ “cất cánh” rất mạnh khi cả 2 cực tăng trưởng ở 2 đầu đáp ứng cả 3 yêu cầu về cơ sở hạ tầng kết nối, nguồn nhân lực tốt và thể chế thuận lợi.
Ông NGUYỄN PHI LONG - Chủ tịch UBND tỉnh:
Liên kết, hỗ trợ hiệu quả từng lĩnh vực, ngành nghề
Điểm nghẽn chính trong liên kết vùng ở khu vực phía Bắc tỉnh là do chính sách và các quy định về liên kết chưa đủ mạnh. Do vậy, cần có giải pháp để các địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong phát triển từng lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh chung của khu vực.
Thứ nhất, tăng cường triển khai các giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác đầu tư, xây dựng chiến lược, quy hoạch, nhất là quy hoạch có tính chất liên vùng. Việc này có thể giải quyết khi Bình Định hoàn thành dự án quy hoạch tỉnh, trong đó sẽ tích hợp các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương.
Thứ hai, phấn đấu hình thành khung kết nối hạ tầng trong khu vực phía Bắc tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông, gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành, đảm bảo giao thương thuận lợi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Kết cấu hạ tầng của hầu hết các ngành, lĩnh vực phải được lập quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như dự kiến trong việc đầu tư xây dựng trong thời gian đến.
Thứ ba, các địa phương trong khu vực cần làm tốt công tác thu hút, kêu gọi và định hướng đầu tư, có chính sách hỗ trợ theo các nhóm ngành ưu tiên phát triển trên mỗi địa bàn. Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn lực tài chính; đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp với quá trình hội nhập. Chú trọng chọn các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trước mắt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 15.9.2020 về xây dựng và phát triển TX Hoài Nhơn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, để tạo điều kiện cho thị xã phát triển bứt phá, trở thành hạt nhân phát triển của khu vực. Một số chính sách chủ yếu là để lại ngân sách thị xã hưởng 100% tiền sử dụng đất đối với các dự án do thị xã xúc tiến kêu gọi đầu tư; tiền thuê đất đối với các dự án DN thuê đất nộp tiền thuê đất một lần phát sinh trên địa bàn thị xã. UBND tỉnh trực tiếp đầu tư đối với những công trình trọng điểm, công trình thiết yếu quan trọng có tính chất động lực phát triển vùng phía Bắc của tỉnh. Ủy quyền, phân cấp mạnh một số nội dung trên lĩnh vực KT-XH thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để thị xã chủ động tổ chức thực hiện...
Ông TRẦN THANH DŨNG - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT:
Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối
Để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực phía Bắc tỉnh với TX Hoài Nhơn là đô thị trung tâm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, giao thông trục chính liên khu vực, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối.
Tại kỳ họp lần thứ 13, HĐND tỉnh khóa XII đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, tuyến QL 19B (đoạn sân bay Phù Cát - Bảo tàng Quang Trung). Trong đó có đoạn Diêm Tiêu - Gò Loi kết nối QL 1 (Phù Mỹ, Hoài Nhơn) với Gò Loi (Hoài Ân) được nâng cấp từ hiện trạng lên đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, với tổng mức đầu tư dự kiến 140 tỷ đồng. Hiện nay, Sở GTVT đã tổ chức lập dự án để triển khai đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Đáng chú ý, hiện nay, giao thông kết nối Hoài Nhơn và An Lão chỉ bằng tuyến ĐT629 độc đạo; vào mùa mưa lũ thường xuyên bị chia cắt dẫn đến cô lập khu vực An Lão. UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu đề xuất lập dự án chống ngập toàn tuyến đường này.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) - Dự án thành phần tỉnh Bình Định. Trong hợp phần 1 của Dự án (Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông) có đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đường liên xã từ An Hưng (An Lão) đi Tam Quan (TX Hoài Nhơn). Qua đó, góp phần điều tiết lưu lượng giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên tuyến ĐT629, góp phần phá thế cô lập, từng bước xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối khu vực An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn.
Ngoài ra, còn một số dự án khác do các địa phương làm chủ đầu tư cũng có vai trò quan trọng trong kết nối vùng, như cầu Phú Văn (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) kết nối với TX Hoài Nhơn qua phường Bồng Sơn.
Ông NGUYỄN VĂN DŨNG - Giám đốc Sở Du lịch:
Đồng bộ không gian, sản phẩm du lịch
Trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc là TX Hoài Nhơn, từ đó tạo sự lan tỏa phát triển đến các huyện. Đây sẽ là nơi tập trung đón tiếp, phân phối khách đi các khu, điểm du lịch phía Bắc và chuyển tiếp tới các khu du lịch phía Nam tỉnh. Đồng thời, là địa điểm tập trung dịch vụ du lịch, cung cấp các dịch vụ tổng hợp cho hệ thống du lịch phía Bắc tỉnh; là địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện. Từ đó hình thành không gian kinh tế du lịch chung của vùng; hình thành các tour, tuyến, điểm, khu du lịch kết nối với các tuyến du lịch từ phía Nam tỉnh Bình Định, từ các huyện phía Bắc của Quảng Ngãi, từ các tỉnh trong khu vực theo tuyến du lịch Bắc - Nam và ngược lại.
Định hướng phát triển không gian du lịch phía Bắc tỉnh có 2 hướng. Thứ nhất, phát triển theo trục Bắc - Nam theo QL 1 và tỉnh lộ 639 (tuyến ven biển đường bộ và đường thủy) gắn liền với biển, đảo và văn hóa cư dân vùng ven biển. Thứ hai, phát triển theo trục Đông - Tây theo tỉnh lộ 629, tỉnh lộ 630 kết nối Hoài Nhơn, Phù Mỹ với An Lão, Hoài Ân gắn với biển, đảo ở phía Đông, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái núi rừng ở phía Tây.
Để du lịch đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của khu vực phía Bắc, trong thời gian tới, tỉnh và các địa phương cần nâng cấp các tuyến đường bộ để thực hiện liên kết giao thông, đặc biệt tập trung nâng cấp mở rộng đường ven biển. Đồng thời, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, quy mô lớn; hình thành các cụm du lịch theo sản phẩm chính; hình thành các tour, tuyến, điểm, khu du lịch kết nối. Cùng với đó là tạo lập và duy trì chuỗi các sự kiện du lịch trong khu vực; liên kết để quảng bá du lịch của khu vực.
Các huyện, thị xã cần điều chỉnh nội dung phát triển du lịch trong tổng thể KT-XH của địa phương phù hợp với các định hướng phát triển du lịch của khu vực phía Bắc; phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và các ngành, các huyện liên quan trong quá trình triển khai thực hiện định hướng.
NGUYỄN VĂN TRANG – NGUYỄN HÂN (thực hiện)