Ra đi là để trở về
Hướng về quê hương là điều mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đang thực hiện bằng các hoạt động thiết thực. Họ không chỉ hỗ trợ tiền bạc, công sức để phát triển những vùng đất còn khó khăn của Việt Nam mà còn góp phần quảng bá hình ảnh người Việt, văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Sản phẩm công nghệ “Made In Việt Nam” cho thế giới
TS Nguyễn Hữu Lệ (SN 1949, tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ Bình Định), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TMA Solutions (TP Hồ Chí Minh), luôn có một niềm tin mãnh liệt vào những con người miền Trung thông minh, chịu khó, có thể làm nên những sản phẩm công nghệ “Made in Việt Nam” cho thị trường thế giới. Niềm tin ấy như một sợi chỉ xuyên suốt tất cả hoạt động của ông trên con đường trở về đầu tư, cùng góp một viên gạch nhỏ để phát triển quê hương Bình Định.
TS Nguyễn Hữu Lệ cùng vợ - bà Bùi Ngọc Anh - người luôn song hành cùng ông trong cuộc sống và sự nghiệp.
Tròn 2 năm sau ngày đặt viên đá khởi công Công viên Sáng tạo TMA Bình Định (TMA Innovation Park) hơn 15 ha tại Thung lũng Quy Hòa, một trung tâm công nghệ phần mềm chính thức đi vào hoạt động. Hôm đầu tiên tôi gặp, trong chia sẻ ít phút ngắn ngủi tại lễ khởi công TMA Innovation Park, ông khẳng định, dẫu trong vai trò là nhà khoa học, hay người làm kinh doanh, dự án này là khởi nguồn cho mối hợp tác giữa TMA và Bình Định, là tình cảm, muốn làm điều gì đó cho quê hương. Thêm một yếu tố cũng rất quan trọng nữa là “cái tâm” của những người đứng đầu tỉnh khích lệ vợ chồng ông mạnh dạn “dốc hầu bao” hàng trăm tỷ đồng triển khai dự án công viên sáng tạo tại đây.
Đội ngũ kỹ sư công nghệ của TMA Bình Định đã hoàn thành nhiều đơn hàng cho đối tác nước ngoài.
TS Nguyễn Hữu Lệ cho biết: Với dự án TMA Innovation Park - dự án lớn nằm trong tầm nhìn mới, sứ mệnh mới của TMA, ông sẽ phát triển công nghệ cao tại miền Trung và đưa các công nghệ mới nhất áp dụng tại địa phương. Công viên sáng tạo TMA là trung tâm phần mềm đầu tiên được xây dựng tại Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn, bao gồm Trung tâm Phát triển phần mềm, Trung tâm R&D, Trung tâm Khoa học dữ liệu, Học viện đào tạo công nghệ 4.0… Môi trường làm việc hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế cùng nhu cầu đào tạo và tuyển dụng hơn 3.000 kỹ sư, TMA Innovation Park sẽ không chỉ là nơi dành cho sinh viên Bình Định nói riêng, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến lập nghiệp mà còn là nơi nhân tài miền Trung trong và ngoài nước hội tụ.
Cuối tháng 9.2020, giai đoạn 1 TMA Innovation Park với Trung tâm Phát triển phần mềm chính thức đi vào hoạt động gồm 3 cơ sở liên kết, hơn 100 kỹ sư phần mềm. Nhưng trước đó, để chuẩn bị nguồn nhân lực, TMA đã hợp tác với Trường ĐH Quy Nhơn và nhiều trường đại học tại các tỉnh lân cận về đào tạo nhân lực… Sau khi hoàn thành Công viên sáng tạo, TMA có thể tiếp nhận hàng trăm sinh viên CNTT, toán, điện tử, viễn thông đến thực tập - nghiên cứu mỗi năm. Trung tâm R&D và Trung tâm khoa học dữ liệu sẽ phát huy các công nghệ TMA đã có, hợp tác với các trường đại học tại miền Trung và thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước với mục tiêu ứng dụng công nghệ 4.0 để giải quyết các bài toán tại địa phương.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giá trị của TMA Innovation Park không thể tính bằng tiền, vì nó là nơi biến chất xám thành giá trị mà không đo lường hết được. “Tôi cũng là người con Bình Định, cảm ơn vợ chồng anh Lệ đã làm nên điều tuyệt vời này!”
Tôi có duyên gặp và nói chuyện mỗi bận TS Lệ về Bình Định, hiểu nỗi khát khao của người con xa quê được cống hiến cho quê hương. Càng trân quý hơn nỗi niềm ấy, tình cảm ấy, khi nghe ông chia sẻ trong ngày khai trương TMA Innovation Park: “Vậy là dự án để đời của vợ chồng tôi đã hoàn thành giai đoạn 1, tôi đã có thể thực hiện được mong muốn xây dựng và đóng góp cho sự phát triển của chính quê hương mình. Rồi đây con em Bình Định không phải ra Đà Nẵng, vào TP Hồ Chí Minh để tìm việc, mà vẫn có thể phát triển sự nghiệp ngay tại quê hương mình, dùng tài nguyên chất xám của người Bình Định, miền Trung mình để tạo ra những sản phẩm “Made in Việt Nam” cho thị trường thế giới”.
Tôi chưa bao giờ thấy ông ngừng nghỉ, cảm nhận trong dáng vóc con người nhỏ bé ấy là vô vàn những ý tưởng phát triển, với một tình yêu quê hương bao la. Bởi, với TMA Innovation Park, ông Lệ còn muốn vươn cao, vươn xa hơn, không chỉ tập trung vào việc thực hiện các dự án phần mềm mà còn phát triển công nghệ, mở rộng dịch vụ của mình; đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao; chia sẻ kinh nghiệm cũng như kiến thức về các công nghệ mới, công nghệ 4.0 đến các cơ quan, DN, trường đại học…
TS Nguyễn Hữu Lệ: “Vậy là dự án để đời của vợ chồng tôi đã hoàn thành giai đoạn 1, tôi đã có thể thực hiện được mong muốn xây dựng và đóng góp cho sự phát triển của chính quê hương mình”.
- Trong ảnh: Giai đoạn 1 Công viên Sáng tạo TMA Bình Định đi vào hoạt động, nhìn từ trên cao.
Gần nửa đời người sinh sống và làm việc tại nước ngoài, hơn 20 năm tham gia vào ngành CNTT trong nước, TS Nguyễn Hữu Lệ không chỉ là người tiên phong trong ngành gia công phần mềm, mà còn là người có một tầm nhìn phát triển công nghệ cao tại Việt Nam. Và chỉ trong 2 năm về Bình Định đầu tư, ông có rất nhiều hoạt động không chỉ cho TMA Innovation Park mà còn cho đầu tư của tỉnh; thành lập Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Hàn; lên một loạt kế hoạch đào tạo về CNTT và nhân lực công nghệ cao tại Bình Định để đáp ứng các ngành, lĩnh vực đầu tư “nóng” trong và ngoài nước…
“Các bạn trẻ tại Bình Định, miền Trung - Tây Nguyên đang đứng trước cơ hội tuyệt vời khi nhu cầu việc làm trong ngành CNTT và công nghệ cao ngày càng tăng tại khu vực này. Tôi rất mong phụ huynh động viên con em mình chọn lựa việc học tập, xây dựng sự nghiệp ngay tại quê hương, không chỉ gần gũi gia đình, tiết kiệm chi phí so với việc đi học xa nhà mà sau khi ra trường còn có cơ hội đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển, đổi mới, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và công nghệ cao vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của quê hương mình”, TS Nguyễn Hữu Lệ chia sẻ.
Hướng về quê hương
Chị Sương Phạm Glauser (55 tuổi, quê ở Quy Nhơn) sống ở Thuỵ Sĩ đã được 20 năm. Trong thời gian đó, chị có hơn 16 năm thành lập quỹ giúp đỡ Việt Nam và 5 năm sáng lập và điều hành tổ chức “Help for Vietnam”. Thông qua công việc và cuộc sống, chị có nhiều sự kết nối tuyệt vời ở đây, với những người Việt và cả người Thuỵ Sĩ. Làm điều gì đó cho quê hương, giúp đỡ người nghèo và trẻ em là điều chị luôn cố gắng thực hiện đều đặn hàng năm. Những buổi gặp mặt kiểu tổ chức sự kiện quyên góp tiền từ thiện như thế này đã khiến cuộc sống của chị luôn tiếp diễn rất tích cực.
Chị Sương Phạm Glauser cùng chồng con về Bình Định làm từ thiện.
“Người nhà hồi trước hay nói tôi thảo ăn quá, cứ lấy tiền của mình đi cho, rồi còn đi quyên góp để cho người nghèo, rồi về già lấy gì dưỡng già. Nhưng mà ông trời có lấy của ai hết cái gì đâu, mình có may mắn hơn nhiều người thì mình san sẻ. Tôi không phải là người của đạo hay giáo phái nào, đạo của tôi là chia sẻ yêu thương”, chị Sương Phạm Glauser tâm sự bên lề buổi tiệc từ thiện gây quỹ ở Thụy Sĩ.
Tổ chức Help for Vietnam do chị Sương sáng lập và điều hành có sự hỗ trợ không nhỏ của chồng chị, anh Peter Hans Glauser, một công dân Thuỵ Sĩ. Cùng với vợ mình, anh Peter đã nhiều lần về Việt Nam, đi đến những gia đình khó khăn, bệnh viện để trao tận tay những phần quà từ những tấm lòng ở Thuỵ Sĩ. Anh Peter chia sẻ: “Chúng tôi là một tổ chức từ thiện nhỏ thôi, giữa hàng trăm tổ chức lớn nhỏ khác ở Thuỵ Sĩ. Nhỏ nhưng chúng tôi có sự tận tâm và thực tế đủ để tạo dựng lòng tin, uy tín với bạn bè ở đây. Tôi nghĩ những gì xuất phát từ tấm lòng sẽ chạm được đến trái tim. Làm việc thiện thì ở đâu cũng tốt. Cá nhân tôi vì có một quãng thời gian đáng quý ở Việt Nam và vợ tôi cũng là người Việt nên tôi đồng lòng với vợ để hướng về Việt Nam”.
Và, Việt Nam từ gần 20 năm nay đã ở trong trái tim của những con người như vậy. Họ hướng đến những hoàn cảnh neo đơn, khó khăn, bệnh tật và đặc biệt là trẻ em ở những vùng xa xôi, miền núi. Cách làm thiện nguyện của Help for Vietnam không chỉ đơn thuần là giúp con cá mà còn giúp cần câu. Năm 2020, tổ chức đã hỗ trợ bò, heo giống cho các hộ gia đình ở Làng phong Quy Hòa (Ghềnh Ráng, Quy Nhơn). Họ còn đồng thời tổ chức các chương trình bổ ích cho thiếu nhi địa phương như dạy trẻ về ATGT, bảo vệ môi trường, thu gom rác, cách làm việc nhóm và chia sẻ với các bệnh nhi tại các bệnh viện. Sắp tới, chị Sương Phạm Glauser cho biết sẽ cố gắng gom góp tiền từ các cá nhân, tổ chức ở Thuỵ Sĩ cộng với tiền túi của gia đình để xây trường mẫu giáo cho trẻ em ở Vân Canh, Vĩnh Thạnh.
Tết đến là dịp sum vầy của những gia đình Việt, dù ở đâu, đất mẹ hay xứ người xa xôi. Vậy nhưng hơn 15 năm nay, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết, chị Sương Phạm Glauser đã miệt mài đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước để giúp đỡ những hoàn cảnh còn nghèo khó. Chị tâm niệm: “Cái gì mình làm được thì cứ làm, còn đi được thì cứ đi”. Dịp cận Tết năm 2019, sau chuyến đi Lào Cai, chị ngược về Hà Nội rồi đi Thái Bình để trao quà cho người khuyết tật. Vừa xong việc ở Thái Bình, chị lại đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi rồi mới về Bình Định quê nhà.
Năm 2019, Hiệp hội đã thăm hỏi, tặng xe lăn cùng thực phẩm cho bệnh nhân phong (Quy Hòa); tặng quà cho người Bana tại huyện Vĩnh Thạnh; tặng máy giặt cho Làng trẻ em SOS Quy Nhơn; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam của tỉnh 200 triệu đồng. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Hiệp hội cũng đã quyên góp hơn 1 tấn gạo, giúp đỡ trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tuy Phước...
LÊ THU HIỀN - TRẦN THỊ DUYÊN