Bidiphar & Nam dược đẳng cấp quốc tế
Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) tiếp tục chinh phục thị trường nam dược bằng một cách rất riêng như từng chinh phục thị trường tân dược. Ấy là, gầy hẳn vùng dược liệu trên “cổng trời” An Toàn (huyện An Lão) để chủ động, không phụ thuộc nguồn nam dược thu hái tự nhiên hay nguồn nhập khẩu.
Xây dựng và phát triển vườn dược liệu
Năm 2015, Bidiphar bắt tay vào Dự án trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu” (GACP-WHO) để sản xuất thuốc nam dược. Sau 2 năm chuẩn bị, vườn dược liệu rộng hơn 75 ha tại An Toàn thành hình. 2 năm khảo nghiệm tiếp đó, Dự án cho kết quả bước đầu. “Trong 20 dược liệu bản địa và di thực, chúng tôi khảo nghiệm tìm ra 12 loại dược liệu phù hợp”, dược sĩ CKI Nguyễn Đức Thiệp, Trưởng Ban quản lý Dự án trồng dược liệu sạch của Bidiphar, cho hay.
Đến nay, Bidiphar đã nuôi cấy mô thành công nhiều loài dược liệu ba kích, đảng sâm, đan sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến...
4 loài bản địa được xác định bước đầu là chè dây, lan kim tuyến, bảy lá một hoa, bách bộ; 8 loài được di thực gồm: Đương quy, đảng sâm, ba kích, hà thủ ô, đan sâm, xạ đen, cát cánh, thiên môn đông. Bidiphar đã thực hiện đồng bộ từ tạo giống đến các mô hình trồng thử nghiệm. Hiện, đã có một số quy trình nuôi cấy mô thành công cho cây dược liệu ba kích, đảng sâm, đan sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến… Ngoài ra, còn có quy trình nhân giống bằng giâm cành cho cây chè dây, ngũ vị tử, kim ngân hoa…; nhân giống từ hạt cho cây đương quy, đảng sâm...
Bidiphar xây dựng vùng trồng dược liệu tiêu chuẩn GACP-WHO tại vùng núi cao An Toàn.
Kỹ sư Bùi Ngọc Hân, phụ trách kỹ thuật Ban quản lý Dự án, chia sẻ: “Chúng tôi đã đạt chứng nhận GACP-WHO cho 4 loại cây dược liệu: Đương quy, chè dây, thìa canh, cà gai leo. Từ đây, Bidiphar có trên 10 sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu được Bộ Y tế cấp phép, lưu hành thị trường; trong đó các sản phẩm “Dưỡng can Bidiphar”, “Hebamic” được sản xuất bằng nguồn dược liệu sạch từ vườn dược liệu An Toàn”.
Thuần tự nhiên và sạch
Đánh giá nguồn dược liệu tại Bình Định của Bidiphar cho thấy, hàm lượng dược chất cao hơn 5 - 7% so với dược điển. Thế nhưng, tình trạng khai thác “đào tận gốc, trốc tận rễ” để sử dụng, buôn bán liên tục trong nhiều năm qua khiến nguồn dược liệu trong tự nhiên suy kiệt. Hiện tại, Bidiphar đã trồng được hơn 6.000 m2 dây thìa canh, 3.000 m2 cà gai leo, 1.000 m2 đinh lăng, 3.000 m2 chè dây, 4.000 m2 đương quy, 1.000 m2 đan sâm. Các loại dược liệu ba kích, hà thủ ô đỏ, đảng sâm… đầu tư lâu dài, đến nay mở rộng lên 5.000 m2/loại.
Bidiphar có hơn 10 sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng nguồn gốc từ dược liệu được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; trong đó “Dưỡng can Bidiphar”, “Hebamic” sản xuất bằng nguồn dược liệu “sạch” ở An Toàn. Ảnh: BIDIPHAR
“Bidiphar chủ trương trồng dược liệu thuần tự nhiên để có chất thuốc tốt, không sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu bệnh hay chất bảo quản. Chúng tôi đầu tư rất lớn vào nghiên cứu và nuôi trồng, nhưng không có nghĩa lúc nào cũng thành công; làm 10 cây có khi thành công được 1, 2 cây đã là tốt rồi!”, bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Bidiphar, nói về quyết định gầy vườn dược liệu trên núi cao An Toàn.
5 năm gắn bó ngay từ những ngày mới thành lập vườn dược liệu tại An Toàn, kỹ sư Cao Lâm Vũ cho hay, tôn chỉ “sạch” được áp dụng nghiêm ngặt tại vườn dược liệu theo GACP-WHO, đó là “nói không với thuốc trừ sâu”, “cây có bệnh thì cứu chỉnh bằng canh tác, trường hợp xấu nhất phải dùng thuốc sinh học”.
Những ngày cuối năm, khu vườn ươm và vùng trồng dược liệu hơn 10 ha tại An Toàn mịt mù mưa, sương mù giăng kín ngọn cây. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn trong cái lạnh 160C, anh Vũ bảo thời điểm này cây dược liệu “ngủ đông”, chỉ có thể chăm trong vườn ươm nhà kính, chờ mùa xuân đến cây cứng cáp mới đưa ra trồng. Ngay 3 giống dược liệu chịu được sương gió trồng dưới tán rừng là ba kích tím, hà thủ ô đỏ, đảng sâm cũng rất khó phát triển. Tỉ mẩn dò tìm từng ngọn cây, dựng cây chống đỡ, nhưng đến cây hà thủ ô đỏ thì nhóm kỹ sư đành bó tay không tìm ra được cây vì mưa lạnh, cây rụng lá nên rất khó tìm thấy dưới tán rừng. “Thời tiết mùa đông trên núi cao khắc nghiệt, ngay những loại cây trồng bình thường cũng trụi lá, “đứng” cây, nói gì đến cây thuốc!”, anh Vũ nói.
Đồng bào An Toàn sẽ tham gia liên kết chuỗi
Với dược liệu, quan trọng nhất là hoạt chất trong cây phải đạt hàm lượng cần thiết. Để đạt đủ hàm lượng thì yếu tố đất đai, khí hậu, khâu chăm sóc có vai trò, tác động rất lớn. An Toàn với nhiều điều kiện tự nhiên đặc biệt giúp cây dược liệu tích lũy được nhiều hoạt chất quý.
Ở An Toàn, tuy đã định cư nhưng đồng bào dân tộc thiểu số phần nào đó vẫn còn du canh, làm rẫy. Với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Bidiphar cùng các đơn vị phối hợp, Dự án thực hiện liên kết chuỗi, mở ra cho người dân nơi đây sinh kế mới, giúp ổn định cuộc sống. Đồng thời đây cũng là cách để Bidiphar gầy được vùng dược liệu đến quy mô đủ cung ứng cho sản xuất công nghiệp.
Bà Phạm Thị Thanh Hương khẳng định: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững lâu dài tạo việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số, trở thành một trong 3 mục tiêu của Bidiphar khi thực hiện dự án trồng dược liệu theo GACP-WHO và tạo chuỗi sản phẩm nâng cao giá trị dược liệu tại xã An Toàn. Chúng tôi xác định hướng phát triển dược liệu để khai thác tài nguyên và cũng nâng cao chất lượng sản phẩm nam dược, nâng cao đời sống của bà con. Nông dân ổn đầu ra, DN ổn đầu vào. Vấn đề quan trọng là cần có chính sách hỗ trợ vốn hoặc những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho công ty và người dân An Lão thực hiện tốt dự án.
Ðầu tháng 10.2020, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu và Bidiphar phối hợp UBND huyện, Hội LHPN huyện An Lão khởi động chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số xã An Toàn. Dự án chuyển giao kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, triển khai trong 30 tháng, với mục tiêu nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc tại địa phương về bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn dược liệu bản địa gắn với chuyển giao kỹ thuật trồng, thu hái, bảo tồn chè dây bản địa theo GACP-WHO; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chè dây bền vững, hiệu quả giữa người dân An Toàn với Bidiphar. Tới đây, Bidiphar, tiếp tục triển khai đầu tư phần diện tích còn lại trong 76 ha của dự án phát triển vùng nguyên liệu dược liệu tại An Toàn. Khảo sát nghiên cứu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng sử dụng nguồn dược liệu tại địa phương. Trong năm 2021, sẽ đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất từ khâu sơ chế, chế biến đến hệ thống chiết suất, cô cao, sấy khô và dây chuyền sản xuất sản phẩm ngay tại An Toàn.
Bài, ảnh: THU HIỀN