Vấn nạn bạo lực ở bóng đá phong trào: Xác định rõ mục tiêu khi chơi bóng
Mới đây, vụ một cầu thủ futsal phong trào ở TP Hồ Chí Minh hành hung trọng tài điều hành trận đấu đến bất tỉnh, mất trí nhớ tạm thời khiến dư luận phẫn nộ. Ðây không phải là trường hợp cá biệt trong bóng đá phong trào, ở sân chơi này khi trọng tài luôn đối mặt với nhiều nguy cơ từ chính cầu thủ và khán giả.
Nghề nguy hiểm!
Sự việc xảy ra ngày 27.1, tại giải đấu futsal F1 Championship ở TP Hồ Chí Minh. Theo đó, trọng tài Văn Nguyên sau khi điều khiển xong trận đấu thì bị một số cổ động viên ném chai nước vào người. Sau đó, cầu thủ Bảo Trung đã tung cú đá vào thái dương của trọng tài Nguyên, khiến anh gục xuống bất tỉnh. Bác sĩ thể thao có mặt trên sân đã sơ cứu cho trọng tài Văn Nguyên. Chấn thương nặng đến mức sau khi tỉnh lại, vị trọng tài sinh năm 1990 này không hề nhớ những chuyện đã xảy ra trước đó.
Bóng đá phong trào là nơi để mọi người rèn luyện sức khỏe, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết.
- Trong ảnh: Một pha bóng tại Giải bóng đá Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh.
Thông tin về vụ việc được lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội, các nhóm về bóng đá phủi…, hầu hết những người tham gia bình luận đều chỉ trích, lên án hành vi của Nguyễn Minh Bảo Trung. Theo thông báo mới nhất từ phía Ban tổ chức giải futsal F1 Championship, cầu thủ Nguyễn Minh Bảo Trung (áo số 13 đội Lý Nguyễn) chính thức bị cấm thi đấu vĩnh viễn vì có hành vi xâm phạm thân thể trọng tài Văn Nguyên sau trận đấu giữa đội Bamboo gặp đội Lý Nguyễn.
Từng tham gia bóng đá phong trào hàng chục năm qua với cương vị HLV, trọng tài, ông Nguyễn Lương Trường (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Tôi từng tham gia điều hành nhiều giải đấu, sau khi bị vài cầu thủ dùng lời lẽ khó nghe chỉ trích các quyết định của mình, tôi nghỉ hẳn, không làm ở sân chơi phong trào nữa mà chỉ bắt các trận giao hữu. Trọng tài quốc tế, đẳng cấp FIFA còn có sai sót, trọng tài phong trào với chuyên môn chưa được đào tạo bài bản thì gần như trận nào cũng sẽ có sai sót. Đó hầu hết chỉ là vấn đề nhận định, việc nhận định thiếu chính xác càng dễ xảy ra khi trọng tài kiêm luôn cả vai trò của trợ lý để tiết kiệm chi phí”.
Cần nâng cao ý thức cầu thủ
Từ lâu chúng tôi đã theo dõi vấn đề trọng tài ở sân chơi bóng đá phong trào và thật sự quan ngại. Rất nhiều trọng tài bóng đá phong trào đã chia sẻ những tình huống thót tim mà bản thân họ đã trải qua, đó đều là những kỷ niệm đáng quên. Ngay như một giải đấu phong trào ở TP Quy Nhơn mới kết thúc cách đây chưa lâu, để tránh “lời ra tiếng vào” về công tác trọng tài, Ban tổ chức đã mời trọng tài từ Đà Nẵng về điều khiển trận chung kết. Tuy nhiên, ông vẫn bị cầu thủ phản ứng khi đưa ra các quyết định bị cho là thiên vị.
Cầu thủ chơi bóng đá phong trào hầu như không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định nào, những chế tài dành cho đối tượng này khi có hành vi không phù hợp trên sân cũng không ảnh hưởng lớn đến cá nhân họ. Đó chính là cái khó của những người tổ chức trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho các thành viên tham gia giải. Cũng vì vậy mà hiện nay một số địa phương đã có cách tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn, trong đó các đội bóng tham gia phải ký quỹ số tiền hàng chục triệu đồng để… nộp phạt khi có thành viên vi phạm. Đơn cử như trợ lý HLV một đội bóng phong trào ở Hà Nội mới đây đã bị phạt 20 triệu đồng vì lao vào sân hành hung trọng tài ở giải HPL - S8 - 2020.
Ông Đào Duy Khoa, Phó trưởng Phòng Đào tạo - Huấn luyện (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh), chia sẻ: “Vấn đề lớn nhất ở các cầu thủ phong trào là ý thức khi vào sân. Với một số cầu thủ, họ ít quan tâm đến chuyên môn mà chỉ chăm chăm đá xấu đối phương hoặc phản ứng trọng tài. Khi đội của họ mắc sai sót, đồng đội đứng sai vị trí hoặc phối hợp không thành công phải nhận bàn thua, thay vì tự nhìn nhận lại mình thì họ hay tìm một lý do nào đó để “đổ thừa”. Tôi từng xem các cầu thủ phong trào ở Gia Lai thi đấu, họ chơi rất tốt vì không hề có tư tưởng trọng tài xử ép, nếu có va chạm họ cũng xử sự rất êm đẹp. Về trình độ chuyên môn chưa chắc họ hơn cầu thủ phong trào Bình Định, nhưng nhờ ý thức chơi bóng chuyên nghiệp như vậy nên họ thường thành công hơn”.
Bóng đá phong trào suy cho cùng chỉ là nơi để mọi người rèn luyện sức khỏe, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết. Nhưng không ít người lại đặt nặng vấn đề thắng thua, cay cú khi không đạt được kết quả như ý và đã có những hành vi không đẹp. Thiết nghĩ, các “ông bầu”, nhà tổ chức giải nên có thêm nhiều động thái nhằm nâng cao nhận thức của cầu thủ, để sân chơi này trở về đúng với bản chất, thay vì “máu lửa” quá mức cần thiết như đã diễn ra.
Bài, ảnh: HOÀNG QUÂN