Làng nghề tất bật vào vụ Tết
Mỗi năm, tháng Chạp đến với phụ nữ làng nghề thủ công truyền thống chuyên làm các sản phẩm đặc trưng ngày Tết như bún, bánh… cũng là thời vụ bận rộn và chờ mong nhất. Tranh thủ từng chặp nắng, hối hả chạy đua với thời gian, trong nhịp điệu sản xuất khẩn trương mùa Tết của phụ nữ làng nghề là ước vọng đủ đầy cho gia đình và tâm huyết góp sức cho thức quà dân dã của quê hương đi xa.
Hoàn toàn thủ công, túc tắc làm bán quanh năm và làm ngày làm đêm, kêu thêm người thân phụ khi mỗi năm vào mùa Tết, cứ vậy bao năm qua, hai chị em bà Thái Ủy Cúc và Thái Ủy Hoa ở làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) đã miệt mài giữ nghề gia truyền của gia đình và cũng là nghề truyền thống ở địa phương. Tết năm nay, người chị đã lên hàng “thất thập”, em gái ruột bước vào tuổi 60, lượng bánh làm ra cho mùa cao điểm nhất trong năm vẫn không giảm.
Chị em bà Thái Ủy Cúc (trái) và Thái Ủy Hoa làm bánh ít lá gai.
“Đời sống ngày càng khấm khá, thị trường phong phú, đến dịp Tết, giữa bao nhiêu bánh kẹo công nghiệp bắt mắt, hàng thủ công quê kiểng vẫn có vị trí vững chắc của chúng, còn có xu hướng như quay về, được ưa chuộng hơn. Không chỉ làm, bỏ mối tại nhà mà còn trực tiếp mang ra chợ bán lẻ, cảm thấy rõ điều ấy, thợ bánh quê chúng tôi vui, tự hào lắm, càng có động lực giữ nghề”, bà Thái Ủy Hoa chia sẻ.
Xã Nhơn Phúc, nơi có 2 làng nghề thủ công truyền thống (làng bún, bánh An Thái và làng bánh tráng Mỹ Thạnh), đều làm những sản phẩm được tiêu thụ mạnh ngày Tết nên mỗi năm xuân về lại hối hả không khí lao động, tấp nập cảnh bán mua. Bãi cát ven sông Côn - sân phơi mênh mông lý tưởng bao đời nay của các hộ làm bánh tráng, các loại bún, trong đó trứ danh là bún Song Thằn, những hàng vỉ phơi trải dài ngút mắt, tất bật cảnh phơi phóng, vận chuyển sản phẩm của nhiều gia đình, chị em đang tranh thủ hết mức những ngày có nắng tăng tốc sản xuất.
Chuẩn bị bước vào vụ Tết, Tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ bún, bánh làng nghề truyền thống An Phong (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) do Hội LHPN thị trấn xây dựng và hỗ trợ hoạt động càng thêm phấn khởi khi tháng 8.2020, sản phẩm của cơ sở Cô Phương thuộc Tổ đạt chứng nhận 3 sao sản phẩm OCOP.
Làm bún, bánh… vụ Tết tuy tất bật hơn nhưng là mùa mưu sinh thuận lợi, mang lại niềm vui cho bao phụ nữ làng nghề.
- Trong ảnh: Bà Hà Thị Hương hài lòng với tay nghề của thợ trẻ Huỳnh Thị Dạ Thảo.
Chủ cơ sở, bà Hà Thị Hương cho biết, từ khích lệ đó cộng với kinh nghiệm những mùa Tết gần đây sản phẩm không đủ bán, 2 hộ trong Tổ đã đầu tư máy móc để sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, hộ Nguyễn Văn Thành đã sắm máy để làm bún số 8 hơn 100 triệu đồng, hộ Huỳnh Thị Dạ Thảo sắm máy làm phở, hủ tiếu hơn 300 triệu đồng, nhờ đó góp phần tăng lượng sản phẩm. Tuy vậy theo bà Hương, tất cả các mặt hàng gồm bánh tráng gạo, bánh tráng mì, bún gạo, bún số 8, hủ tiếu, phở khô đều “cháy” hàng.
“Năm nay vì giá gạo tăng nên giá sản phẩm đều tăng 10.000 đồng/kg. Tranh thủ thời tiết, chúng tôi tăng tốc hết mức mà vẫn không đủ bán, hiện bánh làm ra đến đâu người mua đến tận nhà chở chứ không phải đi giao như trước đó. Hưởng ứng việc hạn chế sử dụng bì ny lông để góp phần bảo vệ môi trường, trừ bánh tráng năm nay cơ sở đóng gói bằng túi giấy, hộp giấy các sản phẩm còn lại, thích hợp cho việc làm quà Tết, được người mua đón nhận”, bà Hương phấn khởi cho biết.
Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ngô Mây Phạm Thị Kim Liên chia sẻ thêm tin vui là cuối năm 2020, bà Hương đã xây mới căn nhà riêng cho mình khá khang trang hết 500 triệu đồng để rộng rãi hơn cho việc sản xuất, chứa bún, bánh. Ngoài ra, còn hỗ trợ ra riêng cho vợ chồng con gái, lên kế hoạch đầu tư máy móc phát triển nghề, tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong vùng.
Ở tuổi trung niên, một mình tái khởi nghiệp (năm 2018) khi chồng đã qua đời, con cái không theo nghề, bằng cách dựa trên cơ sở thế mạnh địa phương, đầu tư mở rộng nghề truyền thống, có thể nói không lâu, bà Hương đã gặt hái “quả ngọt”. Bà khẳng định, một phần lớn là nhờ định hướng, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan giúp bà mạnh dạn chọn hướng đi bài bản, bền vững là đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu riêng, đầu tư tham gia sản phẩm OCOP, tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, nỗ lực quảng bá sản phẩm…
Bà trải lòng: “Trong mùa vui, ấm áp như Tết mà thấy thực phẩm bình dân, truyền thống của địa phương được ưa chuộng, ngoài niềm phấn khởi, người dân làng nghề chúng tôi càng ý thức về trách nhiệm giữ gìn, phát huy chất lượng sản phẩm”.
Bài, ảnh: SAO LY