Quy Nhơn làng xinh phố vui
Năm 1970, tôi sinh ra ở Quy Nhơn và lớn lên ở đây. Nếu không tính 5 năm học đại học ở Ðà Lạt, 1 năm học ở Hà Nội và một số ngày đi công tác ngoại tỉnh, từ bấy đến giờ cuộc đời tôi gần như trôi qua ở thành phố này. Từng ấy không phải là nhiều, nhưng đủ để tôi kịp chứng kiến cảnh làng xinh xưa lên phố vui nay và Quy Nhơn tôi thêm mặn mòi vị biển.
Hồi nhỏ tôi khoái đi lang thang hết đường phố này đến đường phố khác, thỉnh thoảng sự tò mò lại đưa tôi rẽ vào những con hẻm lạ… Cứ thế cứ thế bàn chân tôi dẫm qua tất cả các đường phố Quy Nhơn.
Quy Nhơn đẹp xinh với làng
Sinh thời ba tôi hay kể, những năm 60 của thế kỷ XX khi ông từ Phù Mỹ vào, Quy Nhơn gần như chưa có gì. “Đứng ở nhà mình đây (ở đầu đường Phó Đức Chính bây giờ) nhìn thấu ra tới chỗ Điện lực Bình Định luôn”, ba tôi phóng tay chỉ - Trại Bình Khê, nơi đồn trú của tiểu đoàn an ninh thiết lộ (nay là Sở Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) còn như một bãi đất trống, nhà cửa trên đường Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo lưa thưa. Đường Nguyễn Thái Học chỉ mới thảm nhựa đến Chuồng Gà (ngã tư Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão bây giờ), chưa có sân bay, chưa có cảng biển đâu. Đường phố phần nhiều nhỏ xíu, chủ yếu là đường đất. Mà đó là khá lắm rồi, chứ cái đận chú bác mày xuống tàu tập kết ra Bắc, Quy Nhơn chỉ là những trảng cát nối tiếp nhau thôi!
Đường Phan Bội Châu, năm 1968. Ảnh tư liệu
Nghe ba mình kể, ngay cả khi cầm một số ảnh tư liệu để hình dung tôi cũng đành chịu, không thể tưởng tượng được gì. Nhưng loáng thoáng nghĩ chắc chắn Quy Nhơn ngày ấy xanh và xinh. Đó nét đẹp thôn dã, đơn sơ bởi những cánh buồm nâu ken dày trên mặt vịnh, những vườn rau, ruộng lúa, ao bàu còn len sâu vào nội thành. Nói chắc chắn là vì nét đẹp ấy thật ra còn nối thành vệt dài đến cả những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi học cấp 2, cấp 3.
Khi ấy tôi hay lông rông đến chơi nhà bạn bè ở Khu 6, chòm những đường phố Nguyễn Thị Minh Khai, Hàm Nghi, Biên Cương, Nguyễn Lữ... và kịp khoan khoái nô đùa trên những liếp hành ngò, luống cải, những choái khổ qua, dưa leo; còn đắm đuối tò mò săm soi những giàn bí đỏ khủng (lâu rồi không thấy người ta giồng loại bí đỏ này nữa). Và đặc biệt rất nhiều nhà ở đường Hàm Nghi chừa một khoảnh sân bao la trước nhà để trồng những rặng mai vàng. Hầu hết những con đường tôi nhớ cho đến khi ấy đều là đường đất, rất rộng. Tầm tháng Chạp, khắp Quy Nhơn không đâu đẹp bằng những tuyến phố xanh um những rau cải, xà lách; vàng tươi những cúc, những mai! Mà kể chi cho xa, ngay sau lưng nhà tôi, ven Bàu Sen vẫn còn chỗ người ta trồng lúa, là một phần vựa rau cho cả Quy Nhơn đấy thôi. Sáng sáng các mẹ các chị từ xóm nhà dưới chân núi Bà Hỏa kĩu kịt gánh rau phố ngang qua nhà tôi đấy!
Lại nhớ, năm 1993 khi tôi vào nghề báo, các anh chị ở khu tập thể Công ty Vật tư Tổng hợp Bình Định đoạn ngoài Cầu Đôi một chút vẫn hay hỏi thăm nhau, đại khái: Chiều nay có đi Quy Nhơn không? Có vào Quy Nhơn thì mua giùm chị cái này… Trong quan niệm của nhiều người, bên kia Cầu Đôi đã là một vùng quê kiểng thật xa. Thậm chí đến năm 1988, khi tôi vào ký túc xá Trường Trung cấp đào tạo kỹ thuật viên xét nghiệm y khoa (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn) bạn của chị tôi còn hỏi: Chừng nào em về Quy Nhơn? Với nhiều người, hình như nội thành Quy Nhơn chấm dứt ở đoạn ngã tư Ngô Mây - Nguyễn Thái Học.
Kể như vậy để thấy, chỉ mới đây thôi, Quy Nhơn còn đậm đà dáng dấp làng quê, dù là làng xinh. Cùng hình dung lại để thấy ở phương diện phát triển không gian đô thị, chỉ trong một thời gian rất ngắn Quy Nhơn đã tiến một bước rất dài.
Làng xinh phố vui và…
Quy Nhơn hôm nay vẫn có những khoảnh làng rất đẹp rất xinh nếu bạn chịu khó dời bước ra Nhơn Bình, Nhơn Phú. Trên đường đến Nhơn Hải qua vùng đầm Mai Hương chắc chắn bạn sẽ lặng người vì cảnh quan nơi đây đẹp như tuyệt tác thủy mặc. Và không cần kể ra hẳn bạn cùng công nhận với tôi rằng Quy Nhơn bây giờ khá vui.
Đường Phan Bội Châu, năm 2021. Ảnh: N. NHUẬN
Quy Nhơn bây giờ là thành phố du lịch, dịch vụ; đã thành một điểm đến trên bản đồ tour của nhiều hãng lữ hành. Người ta hay đo năng lượng kinh tế của một đô thị bằng… giờ đi ngủ. Nơi nào thức càng khuya thì nơi đó càng giàu năng lượng. Quy Nhơn từng đi ngủ lúc 20 giờ. Tầm 20 giờ là hơn một nửa nhà phố ở đường Lê Hồng Phong vùng trung tâm thành phố tắt điện, cửa đóng then cài. Quy Nhơn hôm nay thức đến 22 giờ, khá hơn nhiều so với trước. Tại một số khu vực, đoạn phố thu hút nhiều du khách, phố còn thức khuya hơn.
Và một điểm ít người để ý, xin được kể lại. Tầm mươi năm trước, trong một bài viết của mình, anh Ngọc Minh, một đồng nghiệp của tôi ví von thế này. Nếu hình dung Quy Nhơn như một con chim, đường băng sân bay Quy Nhơn sẽ như cột sống, hai mảng thành phố hai bên đường băng như hai cánh con chim ấy. Bạn thấy gì không? Con chim Quy Nhơn chỉ bay bằng một cánh bên Đông. Mươi năm sau, đường băng kể trên trở thành đại lộ Nguyễn Tất Thành và con chim kia đảo cánh bay, những khu vực sầm uất nhất thành phố dường như đã chuyển sang bên Tây.
Một góc TP Quy Nhơn. Ảnh: MINH THỌ
Quy Nhơn đang vui lên và căng tràn sức sống. Điều ấy bây giờ thì dễ thấy quá! “Vậy thì Quy Nhơn cần thêm gì nữa không, chúng mầy?” - đây cũng là câu hỏi trong cuộc rượu mà anh Năm Hà, tức nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, thân tình tiếp vợ chồng nhà thơ Thanh Thảo, đột nhiên gặng hỏi. Cũng có mấy anh em thảo luận, nên nâng cao tăng trưởng kinh tế, đô thị phải rộng ra, thành phố phải sạch hơn, sức mua của người dân phải cao hơn, dân giàu để tỉnh mạnh… Ở vai em, nhưng hôm ấy tôi cũng mạnh dạn tham gia. Có lẽ Quy Nhơn nên có nhà hát và nhà hát phải sáng đèn thường xuyên hơn; thành phố cũng nên có những không gian dành cho nghệ thuật - những phòng tranh chẳng hạn; ở miền Trung - nếu so về bề dày văn hóa, Quy Nhơn - Bình Định có lẽ chỉ thua có Huế nhưng chưa có bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng tổng hợp hiện giờ mỗi năm không được mấy lần trưng bày chuyên đề… Đô thị loại I mà những thứ này cứ trống trơn thì khó coi quá. Nếu giàu lên chỉ là nhiều tiền hơn không thôi, thì người giàu ở đô thị có khác gì chốn heo hút, rẻo cao! Em nghĩ nó kém sang!… Bất ngờ ý kiến nhỏ của tôi lại xoay cuộc trò chuyện sang một hướng khác.
Tôi nhận được lời khen của nhà thơ lão thành và cái vỗ vai của anh Năm, chỉ có điều đến bây giờ Quy Nhơn vẫn vậy, chưa thay đổi bao nhiêu. Và thật lòng mà nói là chưa sang!
***
Khác với nhiều thành phố khác, ở Quy Nhơn biển rất gần với phố, nhiều khi có cảm giác len sâu vào trong phố. Bởi vậy nhắc đến Quy Nhơn là nhắc đến Biển và chỉ ở Quy Nhơn mới có khái niệm Biển trong Phố! Tôi đã sống ở nhiều nơi. Đôi lúc có ý định tìm một thành phố khác để định cư nhất là sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng rồi có đi đâu thì hình bóng của Quy Nhơn với tiếng biển, dáng núi vẫn gọi tôi về. “Người Quy Nhơn tin rằng trong lời sóng biển ru có nhắc đến tên của những đứa con đi xa. Tôi tin là trong bài hát ru của biển Quy Nhơn giờ đã có lời hát gọi tôi. Một phần trái tim tôi, một phần ánh mắt tôi đã là của Quy Nhơn!”, cô bạn tôi, một người Hà Nội, đã tâm tình như thế chỉ sau một lần đến Quy Nhơn.
Quy Nhơn phải như thế nào thì người ta mới ký thác như thế, phải không!
KIỀU PHONG