Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: Tôi muốn vẽ trên quê hương Bình Định
Tôi trân trọng mời anh vào một cuộc trò chuyện giữa những người Bình Ðịnh với nhau, cũng lo anh tế nhị cáo bận mà từ chối, nhưng bất ngờ là anh hồ hởi nhận lời - Răng mà không hè, như anh em mình nói chuyện với nhau chớ! Mấy khi được trò chuyện với quê nhà...
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu
Có thể nói ngay anh - họa sĩ Đặng Mậu Tựu - là một họa sĩ lớn, nay đã thuộc vào hàng kỳ cựu, tranh của anh được người yêu nghệ thuật không chỉ ở Huế, miền Trung hay trong nước yêu mến mà còn góp mặt ở nhiều phòng tranh, bộ sưu tập ở nước ngoài. Tính anh vậy, không chỉ những cuộc triển lãm lớn, mà cả những cuộc triển lãm dẫu be bé nhưng hễ ới là anh góp mặt, chẳng một chút câu nệ. Chân thành với anh luôn nhận lại phần chân thành nhiều hơn.
Anh có thể chia sẻ đôi chút về công việc hiện tại, thưa họa sĩ? Có nhiều nhận định rằng, anh không chịu ở yên và say mê tìm những điều mới mẻ?
- Hiện nay, tôi là người sáng tác mỹ thuật đơn thuần. Thỉnh thoảng được mời làm thành viên Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, của ĐH Nghệ thuật Huế và của vài địa phương. Thời gian còn lại, tôi vẽ và vẽ. Lúc còn tại chức thì công việc nhiều nên “tư việc” sáng tác chỉ mang tính tranh thủ. Lúc nghỉ hưu là lúc mình toàn tâm toàn ý cho sáng tác. Tôi đã làm việc hết mình, hăng say cuồng nhiệt, bù lại cho thời gian trước. Và, vẽ như điên, vẽ trong bất cứ lúc nào thấy hứng thú và luôn thấy vui vì những gì ủ nén bấy lâu nay đã hiện hữu bằng thực thể của hình khối, màu sắc. Tôi vẽ cho tôi và sự hiện hữu của tôi ở cõi đời này, bỏ qua những thói thường và tôi vẽ về những gì tôi yêu mến. Một ánh mây bạc lúc về chiều, một đám rong rêu héo úa chua chát như phận người hay hạnh phúc của nụ cười em bé khi có ai cho viên kẹo…, nó khiến tôi cầm cọ, say mê. Khi vẽ có hình hay phi hình thể tôi đều chú tâm từng phân vuông trên mặt tranh, vẽ bất kỳ cái gì có thể nhưng phải đạt đến cái Đẹp!
Tác phẩm Phố Kim Long (sơn dầu) của họa sĩ Đặng Mậu Tựu.
Tôi không ở yên được, tôi luôn trăn trở để không lặp lại chính mình. Có lẽ điều đó sẽ bất lợi cho mình vì người yêu thích tranh mình luôn muốn mình giữ cái quen thuộc ấy. Nhưng tôi luôn muốn cái khác mình ngày hôm qua…
Năm 2020, anh liên tục có 2 cuộc triển lãm cá nhân “Cảm ơn EVA” và “Mộng mị một mình”. Phải chăng, đã có sự tích lũy, chuẩn bị?
- Tranh từ hai cuộc triển lãm này là một phần tác phẩm tôi sáng tác từ lúc “trở về nhà”. Cảm ơn EVA chủ yếu là tranh lụa và sơn dầu vì mang ơn tất cả đàn bà trên thế gian này. Tôi vẽ về những người phụ nữ, một phần cảm ơn họ từ tổ mẫu EVA cho đến mẹ, đến vợ và tất cả đàn bà trong cõi đời này. Còn với Mộng mị một mình, tập hợp toàn tranh sơn dầu và acrylic, là cuộc trưng bày tác phẩm về nhiều vấn đề từ cuộc sống, những giấc mơ và cả ước mơ…
Tác phẩm Hoa Hải đường (tĩnh vật, sơn dầu) của họa sĩ Đặng Mậu Tựu.
Tính đến năm 2020, phòng tranh Sông Như Art Gallery (nhà số 14 kiệt 7 Nguyễn Công Trứ, TP Huế) đã tổ chức 16 triển lãm tranh con giáp, như một cách để anh và các bạn vẽ đón Tết riêng và chia sẻ đến người yêu nghệ thuật mỗi độ Tết đến xuân về. Năm nay, có gì mới không thưa anh?
- Triển lãm tranh con giáp đã được duy trì qua hơn 15 năm. Đây là một cuộc góp vui chung của những người quan tâm đến chuyện vẽ về con giáp, không chỉ họa sĩ mà các cây bút không chuyên cũng có thể tham gia. Triển lãm này khai mạc vào chiều 23 tháng Chạp hằng năm. Ban đầu, mục đích tổ chức triển lãm này là nhằm dành sân chơi cho các họa sĩ trẻ. Sau này được mở rộng và có các họa sĩ tên tuổi và cả các cháu thiếu nhi tham gia. Cũng ít ai tham gia đủ tất cả các năm. Triển lãm mỗi năm có một cái tên, như năm Sửu 12 năm trước có tên “Con Tru ra ràng” (tiếng địa phương là “con trâu ra khỏi chuồng”) thì năm nay Tân Sửu sẽ có cái tên khác - sẽ xuất hiện trong ngày khai mạc, nhưng mình sẽ không tiết lộ trước nhé vì ngay cả điều này cũng là một thú vui đã quen với anh chị em nghệ sĩ tụi mình!
Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung - Tây Nguyên (nhiệm kỳ 2015 - 2020), và là người theo khá sát đời sống sáng tác của đồng nghiệp, anh cảm nhận như thế nào về không khí sáng tác mỹ thuật trong khu vực và đặc biệt là mỹ thuật ở Bình Định những năm gần đây?
- Tôi nghĩ, trừ các trung tâm lớn thì mỹ thuật miền Trung cũng như nhiều nơi khác ở nước mình phát triển như nhau thôi. Nơi nào có nhiều họa sĩ thì nơi ấy tốt hơn. Nơi nào được quan tâm tạo điều kiện thì nơi ấy mạnh hơn một chút. Nhưng nói như vậy không có nghĩa khả năng sáng tạo của anh chị em miền Trung thua kém, họ cũng như bất kỳ nơi nào đấy! Nhưng do điều kiện phát triển, điều kiện sống, làm việc, tiếp cận với bên ngoài nhất là thị trường có thiệt thòi nên nó vậy! Rõ ràng không ít họa sĩ ở miền Trung đã là những tên tuổi trong giới mỹ thuật Việt Nam, trong đó có các họa sĩ của Bình Định! Nếu có môi trường, điều kiện tốt hơn họ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Tác phẩm Dã thú (sơn dầu) của họa sĩ Đặng Mậu Tựu.
Là một người con của quê hương Bình Định, hẳn anh dành không ít sáng tác về cố xứ? Anh có định tổ chức một cuộc triển lãm tại quê nhà không?
- Tất nhiên rồi! Tôi là người Bình Định mà! Tôi sáng tác khá nhiều tranh về đất và người Bình Định, vùng đất đã gắn bó một thuở ấu thơ của mình. Ngoài một số lần được các anh chị ở Hội VHNT Bình Định mời góp tác phẩm triển lãm thì năm 2004 tôi và 2 họa sĩ quê gốc Bình Định là họa sĩ Lâm Triết và họa sĩ Phạm Trinh đã được Hội VHNT Bình Định tổ chức triển lãm cho! Mình với anh em ở quê nhà gắn bó với nhau mật thiết lắm, bây giờ có mạng xã hội nữa nên cũng khá thường xuyên.
Tôi vẫn nung nấu ý tưởng tổ chức một cuộc đi vẽ khắp nơi trên chính quê Bình Định tươi đẹp của mình và trưng bày đâu đó ở chính nơi mình sinh ra, mời bà con đến xem chơi, chắc sẽ thú vị lắm, bạn có nghĩ vậy không?
Tất nhiên là có, chờ mong nữa là khác, thưa anh! Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
- Vâng, tôi cũng cảm ơn quý báo tạo điều kiện để tôi được trò chuyện với quê nhà!
Họa sĩ Ðặng Mậu Tựu sinh năm 1953 tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Năm 1964, anh rời Bình Ðịnh ra Huế học. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1972, anh chọn Huế lập nghiệp. Sau năm 1975, anh phụ trách Nhà Thiếu nhi Huế, rồi làm việc trong ngành văn hóa Huế. Anh từng giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (2008 - 2014), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, phụ trách khu vực miền Trung và Tây Nguyên (2009 - 2020). Hiện anh là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế.
Tranh của họa sĩ Ðặng Mậu Tựu đã giành được nhiều giải thưởng: Giải Bông sen trắng (Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Trị Thiên), Giải Văn học Nghệ thuật Cố đô lần I, Giải thưởng Nghệ sĩ danh dự khu vực ASEAN lần thứ 4 năm 2016… Ðến nay, anh đã tổ chức được 6 triển lãm cá nhân và hàng chục triển lãm nhóm.
VÂN PHI (Thực hiện)