Lo Tết, bận rộn mà vui
Chuẩn bị Tết cho gia đình, từ đầu tháng Chạp, các cô, các bà nội trợ đã bắt đầu chộn rộn chuẩn bị những món ăn ngày tết. Vấn đề an toàn thực phẩm, ngon, bổ, rẻ đã được quan tâm hơn khi các chị tự tay làm hoặc nhờ người thân, bạn bè làm giúp những món mứt truyền thống cũng như những món ăn ưa thích của mỗi thành viên trong gia đình.
Tự làm món tết
Năm nào cũng vậy, xóm nhỏ gồm 7 hộ gia đình trẻ ở hẻm 302/2 đường Tây Sơn, TP Quy Nhơn, đa số là công chức, lại rủ nhau làm các món tết truyền thống. Dịp cuối tuần, các chị cố gắng thu xếp việc nhà, í ới nhau cùng cắt kiệu, cắt tỉa cà rốt, đu đủ, củ cải trắng phơi làm dưa món, rồi làm bò khô, giò thủ, mứt gừng... Trước đó, chị nào biết cách hoặc quen người bán nguyên liệu ngon thì xung phong nhận nhiệm vụ mua về. Đến khi làm, ai “tủ” món nào thì “đạo diễn” và “thi công” luôn món của mình cho thật ngon lành, còn các chị khác thì vừa phụ giúp vừa học hỏi kinh nghiệm. Chị Vũ Thị Thanh Nga, 33 tuổi, một thành viên của xóm, tâm sự: “Rủ nhau làm các món tết vừa vui, vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm, bởi có những món mình không làm bao giờ, thiếu tự tin. Tính ra, nhà nào cũng có được vài món trọn vẹn để ăn ba ngày Tết, mà công làm thì chỉ cần có một, lại đảm bảo vệ sinh, an toàn, không như đồ mua bên ngoài”. Cái không khí náo nức, gần gũi đầy tình làng nghĩa xóm như được thắt chặt hơn trong buổi chế biến các món ăn ngày tết của các bà mẹ đảm đang.
Tương tự, ở các khu phố, công sở, đề tài “đàm đạo” của các chị em không ngoài chuyện làm các món ăn ngày tết. Mọi người chia sẻ các bí quyết làm me ngâm, bò khô, rượu nếp, mứt gừng, bánh tét, bánh chưng… sao cho ngon mà lợi. Tại khu phố nhà tôi, các bà nội trợ khi làm món gì, thay vì lui cui trong bếp thì đem tất ra trước cửa nhà. Những chảo mứt gừng, bò khô... thơm nức mũi và hương xuân ấy đã kéo những chị em khác trong xóm xúm lại phụ một tay, cười nói rôm rả, rồi chia sẻ bí quyết của mình. Khi các món ăn hoàn thành, các chị chia nhau nếm thử các món, cùng bình luận, góp ý.
Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ trên mạng internet, không khí Tết cũng đã rôm rả, rồi khi các chị em chỉ dẫn cho nhau cách làm các món ăn đơn giản mà đặc trưng của ngày Tết. Kho thông tin đồ sộ trên internet đã khiến nhiều chị em hào hứng và tự tin hơn trong việc bếp núc.
Cả nhà cùng vui
Nhiều bà nội trợ cho biết, năm nay, thay vì mua sắm bên ngoài, họ tự chuẩn bị các món đồ đón Tết cho gia đình để vừa đảm bảo vệ sinh vừa tiết kiệm chi phí. Đặt đồ ăn chế biến sẵn do người quen làm, có thể tin tưởng về chất lượng, cũng là xu hướng mà nhiều gia đình lựa chọn. Chị Đông Huyền, làm ở Đài PTHT Bình Định, khoe: “Thấy trên facebook của đồng nghiệp chia sẻ món bò khô do vợ của bạn làm năm ngoái thiệt ngon, tôi nhờ vợ bạn năm nay làm giùm luôn 2 kg bò khô, cho đảm bảo chất lượng, yên tâm hơn mua bên ngoài ”.
Biết bà Nguyễn Thị Tần ở đường Trần Bình Trọng, TP Quy Nhơn làm bánh chưng bánh tét ngon, mấy chị hàng xóm, người thân đánh bạo qua đặt bà làm thêm để ăn Tết. Người này truyền người kia, Tết này bà Tần làm đến mấy chục ký nếp.
Tại một số khu dân cư, nhiều gia đình rủ nhau cùng đặt mua heo rừng để ăn Tết, cùng gói bánh chưng. Mỗi nhà đảm nhận một công việc: nhà rửa lá, nhà vo đỗ, người nào khéo tay sẽ dành một buổi gói bánh. Các ông bố sẽ đảm nhận việc canh nồi bánh chưng. Chị Nguyễn Thị Lan, 34 tuổi, đường Bế Văn Đàn, TP Quy Nhơn, cho biết: “Mọi năm, tôi cứ chạy đôn đáo tìm chỗ đặt bánh chưng ngon, vừa đắt mà vẫn lo không biết có bị luộc bằng pin, chì hay không, năm nay tôi rủ vài nhà hàng xóm cùng gói bánh chưng, thấy yên tâm. Tình cảm láng giềng gắn bó hơn, và nhất là bọn trẻ được có cảm giác ngồi canh nồi bánh chưng của Tết ngày xưa”.
Vốn thích công việc nội trợ, chị Hồng Phúc, 33 tuổi, ở KV8, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, cho biết: “Mấy hôm nay, cứ về nhà là tôi bận rộn làm dưa món, các loại mứt, tôm chua, bò khô... Bận nhưng thấy vui vì chồng và các con rất thích những món ăn mình làm, rồi cả nhà cùng tham gia giúp mẹ rất vui vẻ”. Chị dự định năm nay sẽ tự làm vài món mứt, chân giò thủ biếu người thân thay vì mua quà Tết như mọi năm. Tuy vợ chuẩn bị Tết giản dị hơn, mua sắm ít hơn mọi năm nhưng anh Công, chồng chị Phúc, nói: “Không khí đầm ấm, vui vẻ của ngày Tết là thứ mà có thật nhiều tiền cũng không mua được”.
HẢI YẾN