Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất định kỳ năm 2019:
Cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030
Năm 2020, Sở TN&MT đã tiến hành kiểm kê đất đai năm 2019, qua đó xác định cụ thể diện tích từng loại đất, đánh giá thực trạng và những biến động về đất đai cũng như đối tượng quản lý, sử dụng, làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. PV Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Kỳ Quang xung quanh vấn đề này.
● Xin ông cho biết, kết quả kỳ kiểm kê hiện trạng đất đai năm 2019 có gì khác so với kỳ kiểm kê lần trước?
- Về cơ bản, đường địa giới hành chính tỉnh Bình Định không có sự thay đổi so với 2 kỳ kiểm kê đất đai năm 2010 và 2014, nhưng phương cách và kết quả kiểm kê có sự khác biệt.
Kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 cho thấy, diện tích đất tự nhiên của tỉnh năm 2019 có 606.640 ha (trong đó có bổ sung 18 ha của một số đảo còn thiếu ở kỳ kiểm kê lần trước và chưa tính 512 ha khu vực chồng lấn giữa xã Canh Hòa, huyện Vân Canh và xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), giảm 494 ha so với kỳ kiểm kê lần trước.
Sở dĩ có tình trạng này là do Bộ TN&MT yêu cầu diện tích khu vực chồng lấn địa giới hành chính không tổng hợp vào tổng diện tích đất của các đơn vị hành chính đang có chồng lấn, mà phải tổng hợp thành biểu riêng theo từng loại đất, từng loại đối tượng quản lý, sử dụng đất, và phải thể hiện rõ diện tích khu chồng lấn trong báo cáo kết quả kiểm kê đất đai của địa phương. Vì thế, chúng tôi không tổng hợp phần diện tích đất của tỉnh ở khu vực chồng lấn nêu trên.
● KT-XH ngày càng phát triển, chắc chắn diện tích đất sản xuất, đất ở và các loại đất khác cũng sẽ có nhiều biến động, thưa ông?
- Đúng vậy. Qua quá trình đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh, diện tích các loại đất đã có nhiều biến động. Kết quả kiểm kê năm 2019 cho thấy, đất chưa sử dụng giảm 13.808 ha so với năm 2014. Đến nay, đất chưa sử dụng toàn tỉnh là 9.529 ha; diện tích đất chưa sử dụng đã quy hoạch khai thác đưa vào đất nông nghiệp 9.197 ha, đất ở 1.121 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 1.293 ha…
Có thể thấy, xu hướng biến động đất 5 năm qua phù hợp với phát triển KT-XH và quy hoạch đất giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh. Ngoài các chỉ tiêu sử dụng đất, kỳ kiểm kê đất đai lần này cũng đã xác định được diện tích đất khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại xã An Toàn, huyện An Lão với diện tích rừng đặc dụng 22.674 ha và diện tích đất ngập nước 84.420 ha; đất khu vực đô thị 34.543 ha (chiếm 5,69% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh). Bên cạnh đó, xác định diện tích đất công ích do địa phương quản lý 9.186 ha, trong đó các đơn vị: Huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn có diện tích đất công ích lớn, đòi hỏi công tác quản lý, khai thác, sử dụng phải chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh.
- Trong ảnh: Nhiều diện tích đất ở dọc tuyến QL 19 mới thuộc địa bàn TP Quy Nhơn được tỉnh quy hoạch xây dựng khu đô thị mới.
Có thể nói, công tác kiểm kê đất đai năm 2019 được thực hiện bài bản, công phu, số liệu kiểm kê phản ảnh đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng các loại đất ngoài thực địa và đã thể hiện đầy đủ trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh và các địa phương.
● Từ thực tiễn quản lý đất đai ở địa phương và kết quả kiểm kê đất đai năm 2019, theo ông, tỉnh cần phải làm gì để nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả các loại đất hiện có?
- Trước hết, cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; sử dụng đồng bộ các công cụ quản lý là pháp luật, quy hoạch, tài chính, hành chính, đảm bảo các quan hệ đất đai vận động theo cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước. Cùng với đó là nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch, tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng. Ngoài ra, cần có cơ chế định giá đất phù hợp, làm cơ sở cho việc tính thuế, phí, cho thuê, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, phải làm tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực đất đai..
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)