Thực hiện đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Những hiệu quả bước đầu
Thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025, những năm qua, các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, mang lại kết quả bước đầu.
Ngăn chặn, phòng ngừa
Tại huyện Vân Canh, tổ tư vấn ngăn chặn giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thành lập từ năm 2019, tại các làng Hiệp Hưng, Hiệp Tiến, Suối Đá, Canh Giao và thôn 4, thuộc xã Canh Hiệp, với thành phần là trưởng thôn, phó trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, CA, bí thư chi đoàn… Tổ có nhiệm vụ khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng, xác định về nhận thức, hiểu biết và nhu cầu thông tin của đồng bào DTTS đối với các quy định của pháp luật có liên quan về hôn nhân và gia đình; phối hợp tuyên truyền pháp luật và vận động trực tiếp tại nhà từng đối tượng là học sinh, thanh thiếu niên tảo hôn và có khả năng tảo hôn.
Tuyên truyền và hướng dẫn người dân ký cam kết không để xảy ra tảo hôn và HNCHT trong gia đình tại làng Suối Đá, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh).
Ông Lê Xuân Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp, cho biết: “Những năm trước, trên địa bàn xã còn xảy ra nhiều trường hợp tảo hôn xuất phát từ tình trạng học sinh bỏ học sớm và do sự thiếu quản lý chặt chẽ từ phía các gia đình. Nhưng từ khi UBND xã thành lập các tổ tư vấn, định kỳ hằng tuần, tháng, tổ lập danh sách, phối hợp với cán bộ chuyên môn của xã đi vận động từng hộ ký cam kết không để xảy ra tảo hôn, HNCHT. Từ đó đến nay, số trường hợp tảo hôn trên địa bàn của xã giảm hẳn so với trước”.
Đầu tháng 11.2020, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định diễn ra diễn đàn tuyên truyền pháp luật về hôn nhân - gia đình, tảo hôn và HNCHT, do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với trường tổ chức. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện với học sinh với chủ đề “Vì em là con gái”, “Bình đẳng giới”. Thành lập các điểm truyền thông, tư vấn, CLB, các nhóm nòng cốt trong nhà trường; xây dựng hệ thống bảng tuyên truyền ngăn chặn tảo hôn và HNCHT và đưa những nội dung này vào trong giờ học chính khóa.
Thầy Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định, chia sẻ: “Hiện nay trường có 345 học sinh, hầu hết là người DTTS. Thời gian qua, Ban giám hiệu, các thầy, cô giáo luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp truyền thông, giáo dục, phổ biến cho học sinh, phụ huynh chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình, tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, HNCHT, nhằm giúp học sinh, phụ huynh nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, thay đổi hành vi trong hôn nhân. Nhờ đó nhiều năm liền, trong nhà trường không có trường hợp nào tảo hôn và HNCHT”.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền
Thực hiện đề án, 5 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh cùng với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật cho vùng đồng bào DTTS. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào DTTS” và 6 hội nghị chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT” tại 6 làng của xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh); phối hợp với Tỉnh đoàn, Huyện đoàn tổ chức Ngày hội Văn hóa thanh niên DTTS tại huyện Vĩnh Thạnh với 500 ĐVTN, học sinh trong toàn tỉnh tham gia. Nhân rộng các mô hình điểm và tổ chức 3 hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, tảo hôn và HNCHT tại 4 trường Phổ thông Dân tộc nội trú: huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và An Lão…
Theo ông Đinh Văn Lung, Quyền Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. Qua đó, người dân đã thấy được việc tảo hôn, HNCHT không chỉ tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Từ việc triển khai đề án đã góp phần giảm sâu tình trạng tảo hôn trên toàn tỉnh. Nếu từ năm 2015 trở về trước, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 6.370 trường hợp tảo hôn, thì trong khoảng thời gian từ 2015 - 2020 chỉ ghi nhận 253 trường hợp. Từ năm 2016 đến nay không xảy ra tình trạng HNCHT.
Tuy vậy, ông Lung cũng cho rằng: “Tình trạng tảo hôn giảm đáng kể nhưng chưa bền vững. Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động phù hợp với các yếu tố văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa tảo hôn, HNCHT. Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn và cung cấp tài liệu hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình; tăng cường vận động thanh, thiếu niên, gia đình thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa… hướng đến xóa bỏ nạn tảo hôn và HNCHT trên địa bàn tỉnh”.
Bài, ảnh: CHƯƠNG HIẾU